Ô nhiễm rác thải đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, với nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó có mô hình "kinh tế tuần hoàn". Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, mô hình này cần hoạt động xuyên suốt từ nhiều phía, nhất là từ doanh nghiệp và cộng đồng.
Rác thải - câu chuyện không của riêng ai
Theo Bộ Công Thương, mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là một gánh nặng nghiêm trọng cho môi trường, với nguyên nhân chủ yếu đến từ việc quản lý và xử lý rác thải chưa hiệu quả. Đơn cử, Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày, nhưng tỷ lệ dùng phương pháp chôn lấp đến 80%, chỉ có khoảng 20% được xử lý, tái chế.
Trong bối cảnh này, mô hình kinh tế tuần hoàn đã trở thành một trong những giải pháp được chú trọng và đẩy mạnh. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải thành nguồn tài nguyên. Trong đó, một phần hoặc toàn bộ chất thải được đưa về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại. Điều này không chỉ giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, mà còn góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
Rác thải của ngành này có thể trở thành nguyên liệu cho ngành khác. |
Khi ứng dụng "kinh tế tuần hoàn", việc phân loại rác tại nguồn được xem là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của mô hình này. Đây là hoạt động góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm tổng lượng rác thải ra môi trường, đồng thời giảm chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, từ đó dẫn đến việc nâng cao tỷ lệ được tái chế.
Xây dựng thói quen phân loại rác trong cộng đồng
Hướng đến phát triển bền vững và hưởng ứng các chiến dịch bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức và xây dựng thói quen phân loại rác.
Đơn cử, hợp tác công tư (PPC) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập đoàn SCG và Công ty Hoá dầu Long Sơn, Công ty Dow Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam ký kết vào tháng 2/2020.
Trong đó, Tập đoàn SCG và công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã triển khai thí điểm "Dự án phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” tại trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhằm hiện thực hóa cam kết này. Dự án hướng đến tăng cường nhận thức cho trẻ nhỏ về các vấn đề môi trường và thói quen phân loại rác thải, cũng như kêu gọi sự hưởng ứng từ phía gia đình và nhà trường, tạo nền tảng để nhân rộng mô hình trong cộng đồng ở những giai đoạn sau.
Bên cạnh các buổi chia sẻ kiến thức thú vị, trực quan về phân loại rác và kinh tế tuần hoàn, tại hai trường, SCG đã trang bị cho mỗi lớp 2 thùng phân loại rác, cùng 2 bộ thùng phân loại rác lớn cho toàn trường, để các em tách riêng rác tái chế và không tái chế. Sau đó, rác đã phân loại được công ty địa phương xử lý và tạo thành các vật dụng theo quy trình hiện đại.
Sau 8 tháng triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 1,5 tấn rác thải đã được thu gom để tái chế. Và hơn hết, các em học sinh đã hình thành thói quen phân loại rác, đồng thời lan tỏa hành vi tốt đẹp này đến thành viên trong gia đình, bạn bè, người thân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Các em học sinh được tìm hiểu kiến thức và thực hành phân loại rác mỗi ngày. |
Dự án song hành với chính sách của địa phương trong áp dụng kinh tế tuần hoàn như một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu rác thải. Ông Thanapat Kaweetraiphop, Giám đốc Thương mại, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - công ty thành viên của SCG Chemicals, cho biết dự án phân loại rác tại nguồn tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 và 2 là dự án thí điểm, thực hiện cam kết hợp tác công tư với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế thông qua mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
"Chúng tôi hướng đến việc giáo dục trẻ em về các vấn đề môi trường và tư duy phân loại rác thải, cũng như kêu gọi sự tham gia của giáo viên và gia đình để lan tỏa rộng hơn đến toàn cộng đồng trong giai đoạn sau" - ông Kaweetraiphop nhấn mạnh.
Có thể nói, nhờ những dự án này, thế hệ tương lai sẽ có ý thức mạnh mẽ hơn về vấn đề phân loại rác tại nguồn, đóng góp cho mục tiêu giảm thiểu rác thải và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn của cả cộng đồng.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính: Xi măng - Vật liệu xây dựng, Hóa dầu và Bao bì. SCG luôn tiên phong trong các hoạt động xã hội, môi trường vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dự án "Phân loại rác thải" là một trong những hoạt động hợp tác công tư (PPC) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, được ký kết bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập đoàn SCG và Công ty Hoá dầu Long Sơn, Công ty Dow Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam. Thông qua đó, dự án kêu gọi sự hưởng ứng từ phía gia đình và nhà trường để nhân rộng mô hình trong cộng đồng vì một hành tinh xanh, sạch đẹp.