Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phản ứng của bà nội khi cháu trai ở Nhật bất ngờ về Việt Nam ăn Tết

Ngọc Trâm bất ngờ đưa con trai 7 tháng tuổi từ Nhật Bản về Việt Nam ăn Tết Ất Tỵ. Đây là lần thứ hai ông bà nội được gặp cháu trai và là lần đầu bé được ăn Tết Việt Nam.

Ngọc Trâm, 28 tuổi, quê Nghệ An, sang Nhật học đại học rồi lấy chồng, sinh con tại xứ sở hoa anh đào. Chồng cô là người Hà Nội đang sống và làm việc ở Nhật. Cả hai đón bé Sushi (tên thật là Nguyễn Khắc Kỳ Thiên) vào tháng 6/2024.

Cuối tháng 12/2024, Trâm cùng chồng đưa con về Việt Nam ăn Tết. Cả hai báo với gia đình nội ngoại chỉ về khi cận Tết nhưng cố về trước 1 tháng để tạo bất ngờ.

Đến Việt Nam sau chuyến bay dài 5 tiếng, cả nhà Trâm đi taxi về nhà chồng ở Hà Nội. Đứng trước cửa nhà, cô không lên tiếng gọi mà kéo cửa thật nhanh bước vào.

Em gái và các cháu của Trâm đang đứng ở phòng khách, không giấu được bất ngờ khi thấy anh chị và cháu trai xuất hiện. Trâm ra hiệu mọi người giữ im lặng rồi ẵm con đi thật nhanh ra sau bếp.

Mẹ chồng cô đang ngồi lặt rau, chuẩn bị cơm tối. Quay sang, bà bất ngờ thấy cháu nội 7 tháng tuổi trước mặt. Người mẹ vỡ òa, đánh mạnh hai tay vào đùi vì bất ngờ. Bà liên tục “mắng yêu” con trai lẫn con dâu vì về mà không báo trước, nước mắt tràn ra lúc nào không hay.

Nghe tin cháu trai về, ông nội đang ở ngoài cũng vội về nhà, ôm cháu vào lòng mà quên cả căn bệnh đau lưng.

Đây là lần thứ hai ông bà nội được gặp cháu trai. Khi sinh con vào tháng 6/2024, vợ chồng Trâm bảo lãnh ông bà qua thăm cháu 2 tuần. Trâm cho biết đó là lần đầu tiên ông bà xuất ngoại và cũng là lần đầu cô đưa người thân sang Nhật.

“Sau đó ông bà về thì ngày nào cũng gọi và nói nhớ Sushi, muốn được ôm cháu vào lòng. Lần này tôi và chồng quyết định về Tết sớm để tạo hạnh phúc bất ngờ cho gia đình”, Ngọc Trâm chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Trâm cho biết cô về Việt Nam trung bình 1-2 lần/năm. Tuy nhiên, lần về này lại đặc biệt hơn hẳn vì có thêm bé Sushi. Đây là lần đầu tiên em bé về Việt Nam và Tết Ất Tỵ này cũng là Tết Nguyên đán đầu tiên của em.

Lịch trình năm nay của Sushi và gia đình dự kiến khá bận rộn. Trâm chuẩn bị đưa bé về Nghệ An để ông bà ngoại gặp cháu. Theo kế hoạch, cậu bé 7 tháng tuổi sẽ được mẹ cho trải nghiệm đủ hoạt động Tết như mặc áo dài, chụp ảnh, đi chợ Tết và đón giao thừa cùng ông bà.

Để chuẩn bị cho lần sum vầy bất ngờ, vợ chồng cô phải chuẩn bị trước 1 tháng, từ việc xin nghỉ phép đến sắm sửa đồ đạc cho gia đình. Cô tốn 20 triệu đồng tiền vé máy bay cùng 12 triệu đồng tiền quà Tết, thực phẩm chức năng.

Lần về Việt Nam này cũng kỳ công hơn hẳn trước đây. Do có bé Sushi, hành lý 80 kg trước đây vốn toàn quà bánh cho gia đình nay đổi thành bỉm, sữa, máy tiệt trùng… Trâm cũng phải nhờ bác sĩ dời lịch tiêm ngừa cho con trai, đợi thành công mới dám mua vé máy bay.

“Dù tốn kém hay mệt nhọc thế nào, điều hạnh phúc của chúng tôi là nhìn thấy ông bà vui mừng. Những ngày này, cha mẹ tôi không rời Sushi nửa bước. Ông bà có dịp nhìn cháu học thêm những trò mới, phát triển và lớn lên từng ngày. Đó mới là điều quý giá nhất”, Trâm tâm sự.

Để con sống ở Nhật vẫn không quên truyền thống, Ngọc Trâm lên kế hoạch dạy con tiếng Việt từ nhỏ. Cô mua sẵn nhiều quyển truyện cổ tích Việt Nam để cho con biết những giá trị tốt đẹp của dân tộc. “Gia đình tôi dự định về Việt Nam thường xuyên hơn trong các dịp lễ Tết để con luôn nhớ quê hương, ông bà”, cô nói.

Gia đình 3 người ở TP.HCM tốn cả trăm triệu đồng khi về quê ăn Tết

Trong những ngày trước Tết, các gia đình trẻ ở những thành phố lớn phải đau đầu tính toán chuyện về quê nội hay ngoại, săn tìm vé máy bay, chi phí mua đồ dùng, quà cáp cuối năm.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

Đức An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm