Kết thúc tháng đầu tiên công chiếu, Em là bà nội của anh đạt doanh thu 85 tỷ đồng với hơn 1,2 triệu lượt người tới rạp.
Lần đầu tiên kể từ khi điện ảnh Việt hồi sinh, năm 2015, cùng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh trở thành bộ phim ăn khách nhất của năm dù không có yếu tố hài nhảm.
Không quan tâm chuyện remake
Từng làm đạo diễn bộ phim truyền hình Bếp hát, chuyển thể từ The Kitchen Musical; làm phim ngắn Thằng chó chết nhưng Phan Xi Nê chưa chạm được trái tim khán giả. Anh vẫn đều đặn làm việc, từ phụ trách sản xuất, phó đạo diễn, đạo diễn hiện trường; làm liên hoan phim ngắn YxineFF; giành giải thưởng Doanh nhân điện ảnh & truyền thông đa phương tiện 2013 của Hội đồng Anh. Thế nhưng chinh phục khán giả bởi tài năng điện ảnh thì anh vẫn chưa.
Phan Xi Nê cho biết anh không e ngại khi làm phim Việt hóa (remake): “Từ kịch bản của Hàn Quốc, tôi đã phải làm việc với tình yêu rất lớn dành cho bộ phim để có thể khắc họa rõ nét gia đình truyền thống Việt Nam, một xã hội đương đại, cùng những giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam mà khi khán giả đến rạp, nếu không biết xuất xứ ban đầu của bộ phim, sẽ không mảy may nghĩ phim được làm từ kịch bản Hàn Quốc. Tôi không quan trọng chuyện remake hay không. Tôi chỉ có một phương châm: làm những bộ phim mà bản thân xúc động vì nó và có cảm xúc muốn truyền tải”.
Đạo diễn Phan Xi Nê tại một buổi chiếu ra mắt phim. |
Bộ phim đã được CJ Entertainment - Hàn Quốc đầu tư sản xuất đến 1,1 triệu USD, cho dù chỉ bằng 1/7 tổng chi phí của phiên bản gốc nhưng cũng là một con số ấn tượng so với phim Việt Nam. Trong tổng 1,1 triệu USD, mức chi phí sản xuất là gần 700 ngàn USD - mức trung bình CJ Entertainment sản xuất và Phan Xi Nê đã thuyết phục được chi phí marketing, quảng bá phim lên đến 400 ngàn USD, cao gấp bốn lần thông thường. “Nhiều khán giả đã nhìn thấy tình yêu lớn của tôi dành cho Sài Gòn, với tràn ngập những chi tiết nho nhỏ xuyên suốt bộ phim này. Những ai yêu thành phố này sẽ có thể tìm thấy sự thân quen trong hơi thở của bộ phim”, anh tâm sự.
Điều cần làm là đáp xuống
Phan Xi Nê chia sẻ anh học được từ nhiều đạo diễn đàn anh: học ở Nguyễn Quang Dũng sự duyên dáng nhưng ẩn sau cái cười là câu chuyện trăn trở về xã hội; học ở Vũ Ngọc Ðãng sự sôi nổi, trẻ trung, lãng mạn gần với khán giả trẻ; học ở Charlie Nguyễn cái duyên hài mà có lẽ không đạo diễn Việt Nam đương đại nào qua được; học ở Hàm Trần cách giữ nhịp và tiết tấu của phim; học ở Phan Ðăng Di sự táo bạo và đi tới cùng của cảm xúc; học ở Trần Anh Hùng một lối kể chuyện khác, trong đó câu chuyện chỉ là thứ yếu, cảm giác mới là quan trọng...
Và ở bộ phim điện ảnh đầu tay Em là bà nội của anh, mọi thứ được anh học đã thể hiện một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, đầy cảm xúc. Một bộ phim đã được thực hiện khá hoàn hảo, từ casting - đặc biệt là vai Miu Lê, cho đến câu chuyện, hình ảnh, tình huống, âm nhạc trong 127 phút phim.
Sau một tháng công chiếu, Phan Xi Nê cho biết anh đã trải qua một tháng với đầy niềm vui, đầy năng lượng tích cực, phấn khích và thăng hoa. Điều cần thiết bây giờ là anh cần “hạ cánh, đáp xuống và trở lại nếp sống bình thường”, anh nói.
Một năm mới với việc viết kịch bản, làm phim, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, tập thể dục và giữ gìn sức khỏe. Cùng với hai người bạn của mình, tác giả kịch bản Thái Hà, nhà sản xuất Quỳnh Hà - những người cùng nhận được học bổng của Quỹ Ford sang Mỹ học điện ảnh, cùng thực hiện Em là bà nội của anh, Phan Xi Nê đang vạch ra những kế hoạch mới. Đó là dự án phim hoạt hình Dưới bóng cây.
Ngoài ra, như anh nói, tiếp theo có thể là một phim hài châm biếm thế giới truyền hình thực tế, có thể là một phim hài cảm động về câu chuyện một gia đình, có thể là một phim về ẩm thực và âm nhạc. “Tôi cũng sẽ cố gắng làm một phim độc lập siêu khùng điên về một thế giới đang đầu độc nhau bằng thực phẩm đầy chất gây bệnh”, Phan Xi Nê chia sẻ.