Đây được coi là khám phá mới, vô cùng quan trọng về cách tiến triển của bệnh ung thư vú cũng như các biến đổi di truyền có thể liên quan đến sự sống sót của bệnh nhân.
Sau khi phân tích các mẫu khối u, các chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) phát hiện, ung thư vú có thể được phân loại thành 10 dạng bệnh khác nhau. Họ sau đó cũng tìm ra thủ phạm gây 10 dạng ung thư vú này là các lỗi di truyền bắt nguồn từ 40 gen đột biến khác nhau.
Trước đây, chỉ một phần nhỏ trong số 40 gen nói trên từng được tin là có liên quan đến việc phát triển bệnh ung thư.
40 loại gen đột biến được phát hiện là nguyên nhân gây ung thư vú. |
Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, một trong các đột biến gen phổ biến hơn, có tên gọi là PIK3CA, gắn liền với nguy cơ sống sót thấp hơn ở 3 trong số 10 dạng ung thư vú. Điều này có thể giúp lý giải tại sao các thuốc tấn công PIK3CA hiệu quả đối với một số phụ nữ, nhưng lại vô hiệu đối với những người khác.
Các chuyên gia tin rằng, phát hiện của họ có thể mở đường cho những nghiên cứu tìm kiếm các loại thuốc mới nhằm tấn công các lỗi di truyền và ngăn bệnh ung thư vú tiến triển. Công trình này cũng có thể cung cấp thông tin trọng yếu để giúp giới nghiên cứu thiết kế các cuộc thử nghiệm cũng như cải thiện phương pháp xét nghiệm ung thư vú.
Giáo sư Peter Johnson, chuyên gia lâm sàng hàng đầu thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Anh, giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục làm nổi rõ mức độ phức tạp của các căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, chúng ta đang tìm được cách giải quyết các vấn đề hóc búa này nhanh hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu này mang tới cho chúng tôi nhiều thông tin thiết yếu hơn về cách ung thư vú tiến triển như thế nào và tại sao một số dạng ung thư vú lại khó chữa trị hơn những dạng khác. Thông tin này là một nguồn bổ ích đối với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Nghiên cứu như thế này sẽ giúp chúng ta phát minh ra các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán mới nhằm hướng dẫn việc điều trị cho các bệnh nhân ung thư trong tương lai".