Ngày 20/8, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân C.T.P. (55 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) được xuất viện sau 3 ngày đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Trước đó, đêm 7/8, bà nhập viện với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm. Trước khi phẫu thuật xử lý viêm ruột thừa, bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân. Sau ca mổ, bà được đặt máy vĩnh viễn.
Hiện bà tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, nhịp tim ổn định 60 lần/phút.
Bà P. trước khi xuất viện. Ảnh: T.P. |
Ông N.H.S. (45 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cũng được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật. Ông nhập viện ngày 12/8 do bị sỏi niệu quản và thận ứ nước. Sau khi phẫu thuật, ông S. được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nhịp tim ổn định trở lại với 60 lần mỗi phút.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết hai bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên được tặng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Theo bác sĩ Phong, nhịp tim bình thường của người khỏe mạnh khoảng 60-80 lần/phút. Khi bị bệnh lý rối loạn nhịp chậm (dưới 60 lần/phút), tim đập chậm hơn bình thường, thậm chí ngưng tim kéo dài.
Nếu chậm nhẹ, bệnh nhân mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng. Trường hợp nặng có thể dẫn đến ngất do thiếu máu não hoặc ngưng tim, đột tử.
Biểu hiện rối loạn nhịp chậm là mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu. Tuy nhiên, dấu hiệu trên đôi khi không rõ ràng hoặc giống bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình. Do đó, người dân cần tầm soát để sớm phát hiện bất thường.
Với hai bệnh nhân trên, nếu không được phát hiện rối loạn nhịp chậm, họ có nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao.