Các thử nghiệm được tiến hành ở bệnh nhân bị ung thư bàng quang đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn, khiến các nhà khoa học tin rằng hợp chất trong sữa mẹ có tên là Hamlet có thể giúp giải quyết vấn đề về ung thư ruột và ung thư cổ tử cung.
Điều đáng nói là Hamlet có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không gây ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh. Vì vậy, nó không để lại tác dụng phụ giống như phương pháp hóa trị liệu.
Giáo sư Catharina Svanborg, một chuyên gia về miễn dịch học tại Đại học Lund (Thụy Điển), là người đầu tiên khám phá ra khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của Hamlet khi đang tiến hành thử nghiệm kháng sinh.
Bà nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm các chất kháng vi sinh vật mới, và sữa mẹ là một nguồn rất tốt để nghiên cứu. Trong một lần, chúng tôi sử dụng vi khuẩn và tế bào ung thư của con người để tiến hành thực nghiệm. Thật bất ngờ, chúng tôi phát hiện các tế bào ung thư đã chết khi thêm vào hỗn hợp sữa này. Đây là một phát hiện hoàn toàn tình cờ”.
Trong sữa mẹ chứa alpha-lactalbumin, loại protein này sẽ chuyển hóa thành chất chống ung thư trong ruột. Ảnh: Shutterstock/Pavel Ilyukhin. |
Cơ chế tấn công tế bào ung thư của Hamlet như sau: đầu tiên chất này có thể né tránh phòng vệ bên ngoài của tế bào ung thư, sau đó nhắm mục tiêu đến các mitochondria và nhân của tế bào. Hành động này sẽ cắt đứt nguồn năng lượng của tế bào và khiến chúng bị chết đi, cả quá trình này gọi là apoptosis.
Các thử nghiệm ban đầu được thực hiện trên bệnh nhân ung thư bàng quang cho thấy tế bào ung thư bị chết được đào thải qua nước tiểu chỉ sau vài ngày điều trị với Hamlet.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch cho những bước thử nghiệm toàn diện tiếp theo với Hamlet.