Nhóm chuyên gia từ Đại học Oxford, Anh, nhận thấy 34% người sống sót hậu Covid-19 nhận được chẩn đoán về tình trạng thần kinh hoặc tâm lý trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh. Nghiên cứu được công bố ngày 6/4 trên tạp chí Lancet Psychiatry.
Nghiên cứu lớn chưa từng có
Theo CNN, đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất về di chứng hậu Covid-19. Dự án thực hiện trên 236.000 bệnh nhân Covid-19, chủ yếu ở Mỹ. Nhóm tác giả so sánh hồ sơ của họ với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp khác trong cùng thời gian.
Họ phát hiện triệu chứng phổ biến nhất là lo lắng, phát hiện trên 17% bệnh nhân, tiếp đến là rối loạn tâm trạng (14%). "Tỷ lệ đó tăng dần với những người bị Covid-19 nặng. Ở những bệnh nhân phải nhập viện điều trị, tỷ lệ người gặp di chứng thần kinh là 39%”, nhà nghiên cứu thần kinh Maxime Taquet, Đại học Oxford, đồng tác giả dự án cho biết.
Họ quan sát thấy những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp vấn đề về thần kinh, tâm thần tăng 44% so với nhóm người mắc cúm. Con số này so với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp khác tăng 16%.
Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị đột quỵ do thiếu máu não, cục máu đông ảnh hưởng não là 1/50. Tuy nhiên, họ không khẳng định Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh.
Nghiên cứu mới được thực hiện trên dữ liệu 236.000 hồ sơ y tế và phát hiện mối liên hệ mật thiết giữa Covid-19 và não bộ, vấn đề thần kinh. Ảnh: CNN. |
Theo Giáo sư Masud Husain, Đại học Oxford, điều quan trọng trong nghiên cứu này mà nhóm tác giả phát hiện đó là các triệu chứng tâm lý phổ biến hơn là những biến chứng thần kinh nghiêm trọng. Nó mang tới cái nhìn bao quát về gánh nặng lâu dài mà đại dịch sẽ gây ra cho bệnh nhân.
Nhóm tác giả tự tin kết quả này giúp ngành y tế thế giới có thêm cơ sở chữa trị cho các bệnh nhân sau khi họ khỏi Covid-19. Theo ông Maxime, kết quả của nhóm chỉ ra bệnh về não và rối loạn thần kinh trong các di chứng hậu Covid-19 phổ biến hơn nhiễm trùng đường hô hấp.
Thêm bằng chứng về ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 với nhân loại
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Musa Sami, Đại học Nottingham, nghiên cứu này rất quan trọng vì số lượng hồ sơ bệnh nhân lớn, thành phần đa dạng. “Đây là công trình mạnh mẽ mang tới tập thông tin lớn chứng minh mối liên quan giữa Covid-19 với các biến chứng tâm thần và thần kinh. Vấn đề này rất quan trọng vì có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc Covid-19 như là một ‘bệnh về não’”.
Ông Sami nhấn mạnh nhóm tác giả cũng cần điều tra thêm về cách thức mà Covid-19 ảnh hưởng não, hệ thần kinh. “Tâm lý căng thẳng, thời gian nằm viện lâu cũng góp phần gây ra tình trạng này”, vị chuyên gia nói thêm.
Trước đó, các nghiên cứu quy mô nhỏ hơn cũng nhận thấy mối liên quan giữa Covid-19 và biến chứng, triệu chứng tâm lý. Tháng 2, nghiên cứu trên 381 người điều trị Covid-19 tại một bệnh viện tại Rome, Italy, phát hiện 30% trong số họ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.
Tháng 12, nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Neurology: Clinical Practice cho thấy Covid-19 có thể gây co giật và rối loạn vận động, ngay cả trong một số trường hợp mắc bệnh mức độ trung bình.
Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra thực tế còn tồn tại trong đại dịch. Đó là dữ liệu nghiên cứu, theo dõi sức khỏe của người dân trên toàn cầu đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Giáo sư tâm thần học Paul Harrison, Đại học Oxford, tác giả nghiên cứu này, họ sử dụng dữ liệu chăm sóc sức khỏe định kỳ bởi thông tin cần thiết chưa được thống kê đầy đủ hoặc không chính xác. Nếu được chẩn đoán và theo dõi, chúng ta sẽ giảm được biến chứng nặng của các bệnh nhân.
Các di chứng hậu Covid-19 gâu ảnh hưởng cho bệnh nhân và tạo thêm gánh nặng y tế. Ảnh: Getty Images. |
Về những triệu chứng khác liên quan đường hô hấp, cuối tháng 2, tiến sĩ Helen Y. Chu, Phòng Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, Khoa Y, Đại học Washington, Mỹ, cùng cộng sự thực hiện nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh trên 9 tháng.
Họ nhận thấy 30% trong số này vẫn tiếp tục gặp phải các triệu chứng bệnh dai dẳng. Trong số 177 bệnh nhân được theo dõi, 150 người (84,7%) chưa từng phải nhập viện vì Covid-19. Họ được xếp vào nhóm bệnh nhân nhẹ. 11 người (6,2%) không có triệu chứng. 23 trường hợp còn lại mắc bệnh lý nền là tăng huyết áp.
Sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, 36% bệnh nhân nhẹ bắt đầu khởi phát triệu chứng và nó kéo dài trong 2-3 tuần. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (13,6%), mất vị giác - khứu giác (13,6%).
Theo SCMP, đầu tháng 1, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Cao Bin, Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, dẫn đầu đã phát hiện 76% người mắc Covid-19 ở Vũ Hán đều gặp phải những vấn đề lâu dài về sức khỏe. Sau 6 tháng xuất viện, họ vẫn có ít nhất một triệu chứng liên quan căn bệnh này.