Trên thế giới, âm nhạc từ lâu đã được ứng dụng để điều trị tâm thần, rối loạn sức khỏe và mang đến nhiều hiệu quả vượt trội. Nhưng tương tự các chuyên khoa khác, trị liệu bằng âm nhạc, nhất là trị liệu sức khỏe tâm thần, cần có những quy định, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn từ y, bác sĩ.
Theo Medical News Today, việc sử dụng âm nhạc để trị liệu, chữa bệnh đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, đến thế kỷ XX, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, phương pháp này mới chính thức được các chuyên gia y khoa nghiên cứu, áp dụng nhiều. Năm 1789, tài liệu sớm nhất về liệu pháp âm nhạc được đề cập trong bài báo Music physically considered.
Những năm 1800, nghiên cứu y học về tác dụng của âm nhạc với trị liệu được quan tâm. Đến những năm 1840, các trường đại học bắt đầu mở chuyên ngành, khóa đào tạo về lĩnh vực này. E. Thayer Gaston là một trong 3 người tiên phong trong việc sử dụng âm nhạc trong trị liệu và giúp nó sớm trở thành phương pháp được chấp thuận ở nhiều quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều hiệp hội trị liệu âm nhạc ra đời với hàng nghìn nhà trị liệu trong những lĩnh vực như chăm sóc tư nhân, giáo dục, chăm sóc xã hội.
Yêu cầu bằng cấp khắt khe
Ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Australia, trị liệu bằng âm nhạc phát triển mạnh. Bởi các quốc gia càng phát triển, số lượng dân số gặp vấn đề về sức khỏe càng nhiều.
Tại Mỹ, thống kê từ Commonwealth Fund cho thấy khoảng 25% người trưởng thành tại quốc gia này báo cáo họ gặp phải một số vấn đề như lo lắng, trầm cảm, trải qua cảm xúc đau khổ. Mỹ cũng là quốc gia có tỷ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cao nhất thế giới.
Để trị liệu bệnh bằng âm nhạc, các y bác sĩ tại Mỹ buộc phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Các nhà trị liệu âm nhạc hoạt động dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc (AMTA).
Trị liệu bằng âm nhạc cần sự đồng hành của y, bác sĩ, người hướng dẫn có chuyên môn. Ảnh: Getty Images. |
Tương tự AMTA, Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Anh (BAMT) là đơn vị quản lý và hướng dẫn các vấn đề liên quan phương pháp này. Để hành nghề, các nhà trị liệu phải có bằng cử nhân về lĩnh vực này, chứng minh đã được đào tạo về cả âm nhạc, nghiên cứu xã hội, sư phạm, tâm lý học. Chương trình học về trị liệu âm nhạc tại Anh gồm 7 cấp độ từ cơ bản đến chuyên nghiệp.
Ngoài ra, sau thời gian hành nghề, họ có thể xin xét duyệt chứng nhận. Điều kiện để được chứng nhận này là có ít nhất 480 giờ thực hành trị liệu và có sự xác nhận của cơ quan y tế, bệnh viện. Sau đó, họ có thể tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ do Hội đồng Quốc gia về Chứng chỉ Trị liệu cung cấp. Khi có chứng chỉ này, những nhà trị liệu mới được quyền làm các thủ tục khác như mở phòng khám tư nhân.
Ở Anh, Mỹ, tương tự y, bác sĩ ở ngành khác, những nhà trị liệu buộc phải tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức và chuyên môn. Thông thường, thời gian đào tạo và nhận các chứng chỉ cần thiết là 4 năm.
Chương trình đào tại bắt buộc ở Na Uy cũng yêu cầu những chứng chỉ và kinh nghiệm nói trên. Theo BBC, Na Uy đã từng bước thành công khi triển khai chiến dịch mạnh mẽ trị liệu không dùng thuốc cho bệnh nhân tâm thần. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa phương pháp điều trị không dùng thuốc vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong đó, liệu pháp âm nhạc là lựa chọn hàng đầu.
Các chuyên gia y khoa tại Na Uy cũng thực hiện nhiều nghiên cứu và ứng dụng âm nhạc trong trị liệu giải tỏa căng thẳng, giảm đau, bên cạnh những bệnh lý về tâm thần khác. Nhiều khuyến nghị đã yêu cầu đưa liệu pháp âm nhạc vào hướng dẫn của Tổng cục Y tế Na Uy về điều trị chứng rối loạn tâm thần và nghiện ma túy, chất kích thích.
Theo The Hindu, tại Ấn Độ, liệu pháp âm nhạc để chữa bệnh phổ biến nhất ở khu vực phía nam với người khởi xướng là ca sĩ Mangalampalli Balamuralikrishna. Ban đầu, nó là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và phương pháp chữa bệnh cổ xưa. Hiện tại, liệu pháp âm nhạc trở thành nghề được cấp bằng và đào tạo chuyên ngành riêng.
Trị liệu bằng âm nhạc được sử dụng trong nhiều bệnh về tâm thần, tâm lý, giải tỏa căng thẳng, giảm đau... Ảnh: NY Times. |
Yêu cầu về âm nhạc trong trị liệu
Liệu pháp âm nhạc là việc sử dụng khả năng của những giai điệu, ca từ để cải thiện sức khỏe con người. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE của nhóm chuyên gia tại Đại học Durham (Anh) và Đại học Jyväskylä (Phần Lan), ngay cả những bản nhạc buồn cũng mang lại cho người nghe sự sảng khoái và thoải mái.
Các nhà trị liệu âm nhạc sử dụng phản ứng và kết nối của một người với âm nhạc để khuyến khích thay đổi tích cực trong tâm trạng, tư duy tinh thần của họ. Liệu pháp âm nhạc có thể bao gồm nghe nhạc hoặc sáng tác giai điệu bằng các loại nhạc cụ.
Theo Healthline, liệu pháp âm nhạc được sử dụng để điều trị các triệu chứng của một số bệnh lý như rối loạn lo âu, phiền muộn, chấn thương tâm lý, sa sút trí tuệ, rối loạn tự kỷ, khó khăn trong học tập, rối loạn hành vi, tâm thần, ung thư.
Một số trường hợp được sử dụng âm nhạc nhằm giảm căng thẳng, hạn chế tình trạng tâm trạng thất thường, hạ huyết áp và mức cholesterol, kiểm soát cơn đau, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, cải thiện giấc ngủ.
Tài liệu của AMTA hướng dẫn 4 cách phổ biến để can thiệp điều trị tâm lý, tâm thần bằng âm nhạc. Đó là phân tích lời bài hát, chơi nhạc ngẫu hứng, nghe nhạc chủ động và sáng tác.
Theo Maxwell Corrigan, nhà trị liệu âm nhạc đã có chứng nhận của Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Mỹ (AMTA), mọi người liên tục sử dụng âm nhạc để thay đổi trạng thái, giúp phản ánh tâm trạng của họ, thúc đẩy quá trình tập luyện hay giao lưu.
Những nhạc cụ, thể loại được sử dụng trong trị liệu cho bệnh nhân tâm thần thường là loại nhẹ nhàng, mang lại cảm giác thư giãn, yên bình. Ảnh: Medical News Today. |
Hai cấp độ sử dụng âm nhạc trong cải thiện sức khỏe là liệu pháp và trị liệu. Trong đó, với cấp độ liệu pháp, âm nhạc là yếu tố bổ trợ. Trong khi đó, âm nhạc trị liệu trực tiếp tác động mạnh mẽ vào từng vấn đề của bệnh nhân.
Ông Corrigan đưa ví dụ ở cấp độ liệu pháp là khi nhà trị liệu âm nhạc sử dụng guitar trong lúc hướng dẫn bệnh nhân bằng hình ảnh. Hợp âm guitar bổ trợ vào quá trình người đó hít vào, thở ra, giúp họ thư giãn, kiểm soát cơn đau.
Ở cấp độ trị liệu, bệnh nhân sẽ được hỏi về thể loại yêu thích. Sau đó, họ lắng nghe bài hát, hát theo rồi cảm nhận phần lời, ý nghĩa tác động của nó với bản thân. Sau bài hát, nhà trị liệu cuốn bệnh nhân vào cuộc trò chuyện, giúp họ hiểu rõ hơn về suy nghĩ của bản thân và tháo gỡ những vấn đề.
Dù ở cấp độ nào, những loại âm nhạc được sử dụng trong liệu trình chữa trị thường là thể loại nhẹ nhàng, gợi cảm giác thư giãn, yên bình. Trong đó, nhạc thiền được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được học chơi một số nhạc cụ như trống, piano, nhạc cụ gõ, chuông, xylophone, đàn hạc, guitar...
Tại Ấn Độ, để sử dụng phương pháp này, các bác sĩ đánh giá nhu cầu của bệnh nhân, lựa chọn thanh nhạc hay nhạc cụ với từng trường hợp. Nhạc cụ mang lại cảm giác du dương liên tục, thanh nhạc có thêm yếu tố tâm linh thông qua nội dung trữ tình.
Ở một số bệnh viện của Ấn Độ, âm nhạc êm dịu cũng được sử dụng để giải tỏa áp lực, thư giãn cho bệnh nhân, nhất là nhóm người bị rối loạn hành vi như tâm thần phân liệt, lo âu, tự kỷ… Liệu pháp âm nhạc cũng được dùng để điều chỉnh chứng rối loạn ngôn ngữ, mang lại hiệu quả hơn khi chữa trị đột quỵ.
Khi trị liệu bằng âm nhạc, bệnh nhân phải được theo dõi. Đặc biệt, các nhà trị liệu không được để người bệnh tự ý trị liệu bằng âm nhạc vì có thể gây ra hậu quả khó lường.