Kết luận Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra một số điểm thiếu sót tại Đại học Thủy lợi trong công tác tuyển sinh như ngành Cơ học chất lỏng và khí đào tạo trình độ tiến sĩ 5 năm liên tiếp (từ 2018 đến 2022) không tuyển sinh được. Cùng với đó, 2 ngành trình độ tiến sĩ là Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước năm 2022 và 2023 cũng không tuyển sinh được.
Vi phạm tại Đại học Thủy lợi
Về vi phạm, Thanh tra bộ nhận thấy trường xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ năm 2022 các ngành: Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy vượt năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT, vi phạm Nghị đinh số 04 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Vi phạm này cũng lặp lại vào năm 2023 ở các ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, Quản lý xây dựng.
Theo đơn vị thanh tra, trách nhiệm thuộc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh và bộ phận tham mưu về công tác tuyển sinh của trường.
Đại học Thủy lợi có một số sai phạm trong tuyển sinh và đào tạo. |
Thanh tra bộ cũng chỉ ra điểm bất cập khi trường Đại học Thủy lợi quy định thời gian tổ chức đào tạo chính quy từ 7h đến 21h30 (thứ hai đến thứ bảy), "điều này không phù hợp với khung thời gian quy định học của Bộ GD&ĐT".
Về phương án xử lý, Thanh tra bộ yêu cầu trường rà soát toàn bộ các văn bản, quy định nội bộ, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật và Bộ GD&ĐT.
Trường cần thực hiện xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quản lý quá trình đào tạo theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, bổ sung đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ theo từng chương trình.
Trường có trách nhiệm rà soát, báo cáo Vụ Giáo dục Đại học đề xuất hướng xử lý các ngành: Cơ học chất lỏng và khí, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước khi không tuyển sinh được trong nhiều năm liên tiếp.
Thanh tra cũng đề nghị trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó) khi để xảy ra thiếu sót, vi phạm nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GD&ĐT.
Vi phạm tại Đại học Trà Vinh
Với Đại học Trà Vinh, Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường nhiệm kỳ 2021-2025 chưa đảm bảo đủ năm theo Luật Giáo dục Đại học. Trường chậm kiện toàn hội đồng trường, chưa đảm bảo thời hạn 6 tháng theo quy định. Đồng thời, quy chế hoạt động chưa quy định các nội dung như: Hình thức quyết định của hội đồng trường với từng loại hoạt động; thủ tục đề xuất, bãi nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó, cán bộ.
"Trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trên thuộc về hội đồng trường, hiệu trưởng và các phòng, ban chuyên môn tham mưu", kết luận thanh tra nêu.
Trong công tác tuyển sinh thạc sĩ, Đại học Trà Vinh chưa ban hành quyết định học bổ sung kiến thức với thí sinh đăng ký dự thi 2021, sai quy định của Bộ GD&ĐT. Trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo sau đại học và Phòng Đào tạo.
Thanh tra bộ cũng chỉ ra trường này sai phạm khi không đảm bảo số lượng giảng viên khi tuyển sinh trình độ đại học hệ vừa làm vừa học ngành Luật (quy định cần tối thiểu 70% giảng viên cơ hữu). Quy định tuyển sinh và đào tạo từ xa cũng chưa rõ ràng, cụ thể.
Cùng với đó, trường sai phạm trong việc mở ngành Tôn giáo học khi không có kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Thanh tra bộ cũng chỉ ra công tác quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ của trường Đại học Trà Vinh thời gian qua chưa quy định cụ thể nội dung về thẩm quyền cấp bản văn bằng, chứng chỉ. Đơn cử như việc cấp bằng bác sĩ không ghi rõ chuyên ngành (bác sĩ đa khoa hay bác sĩ răng - hàm - mặt), sai quy định của Chính phủ về cấp phát bằng.
Từ những thiếu sót, sai phạm trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng trường Đại học Trà Vinh chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quản lý nội bộ về công tác tổ chức, quản lý, sử dụng viên chức theo quy định pháp luật. Hội đồng trường cần tăng cường công tác giám sát thực hiện quy chế dân chủ, trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường.
Về công tác tuyển sinh thạc sĩ, Thanh tra đề nghị trường sớm ban hành quyết đinh học bổ sung kiến thức với thí sinh đăng ký dự thi theo quy định của Bộ GD&ĐT cho các khóa tiếp theo.
Trường cần rút kinh nghiệm trong việc bố trí, giảng viên các lớp liên kết, các lớp đào tạo từ xa bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu chương trình đào tạo theo quy định.
Đồng thời, công tác quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ cần rà soát, sửa đổi, bảo đảm đúng quy định, cụ thể, chi tiết. "Với những văn bằng đã cấp trước đó, trường có phương án xử lý bảo đảm quyền lợi cho người học", Thanh tra bộ nhấn mạnh.
Trường báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD&ĐT trước khi thực hiện việc in và cấp phát.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.