Theo thông tin của BBC, các mảnh nhỏ xương được khai quật bên dưới khu đất của ký túc xá Đại học Durham, Anh. Nhân viên của trường đã tìm thấy mảnh xương được cho là có niên đại từ thời đồ đá bên trong một hố nông.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ cho biết bộ xương tồn tại cách đây hàng nghìn năm, khoảng năm 90 trước Công nguyên đến năm 60 sau Công nguyên, BBC cho biết. Người này đã được hỏa táng nhưng còn sót lại xương cẳng tay, cẳng chân.
Mảnh xương được khai quật. Ảnh: BBC. |
Phát hiện này hứa hẹn sẽ là manh mối cho nghiên cứu về công dân đầu tiên của thành phố Durham (Anh).
“Thi thể được hỏa táng nên chúng tôi chưa thể khẳng định đây là xương người hay không cho đến khi có phân tích cụ thể trong phòng thí nghiệm”, Natalie Swann, nhà khảo cổ học tại Đại học Durham, nói với ABC 14 News.
Natalie thông tin thêm những mảnh vụn xương còn sót lại cung cấp kiến thức quý giá về di sản của Durham. Họ xác định được khả năng chủ nhân bộ hài cốt là người trưởng thành, nhưng không thể xác định tuổi tác và giới tính.
Các mảnh nhỏ xương được khai quật bên dưới khu đất của ký túc xá Đại học Durham, Anh. Ảnh: BBC. |
Năm 2016-2017, nhóm khảo cổ đã chuyển đến Claypath (trung tâm thị trấn Durham) để thực hiện nghiên cứu sâu hơn về bộ hài cốt này. Claypath trong lịch sử là một trong ba con đường chính dẫn vào khu công nghiệp trung cổ của Durham.
Tiến sĩ David Mason, nhà khảo cổ học ở Durham, cho biết những khám phá, nghiên cứu trước đó về Claypath là nền tảng vững chắc tăng sự xác tín của giả thuyết công dân đầu tiên định cư trên bán đảo Durham và các vùng lân cận từ thời kỳ đồ sắt và Văn hóa Romano-Anh (Văn hóa dưới đế chế La Mã, năm 43 sau Công nguyên).
Theo BBC, ngoài bằng chứng về thời đồ sắt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các vật phẩm thời trung cổ và vật liệu từ thế kỷ 18.
Hiện, các vật phẩm này được mang tới Bảo tàng Khảo cổ của trường Đại học Durham để trưng bày triển lãm. Buổi triển lãm diễn ra tại Thư viện Green Palace với tên gọi "2.000 năm cuộc đời tại Claypath". Sự kiện này sẽ kéo dài đến hết ngày 1/6.