Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện sớm trầm cảm hậu Covid-19

Dù đã được nhiều người quan tâm hơn trong thời gian qua, những biểu hiện của trầm cảm trên thực tế không dễ phát hiện.

Sau khi khỏi Covid-19, không chỉ thể lực, nhiều người còn bị ảnh hưởng nặng nề về vấn đề tâm lý. Một số trường hợp thậm chí rơi vào tình trạng nặng và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có tới 45% bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện trầm cảm sau khi khỏi bệnh.

Các nhóm triệu chứng

Theo bác sĩ Hùng, người thân trong gia đình có thể phát hiện sớm tình trạng trầm cảm của bệnh nhân dựa vào một số dấu hiệu cụ thể.

phat hien trieu chung tram cam hau covid-19 anh 1

Người bị trầm cảm hậu Covid-19 có thể mất đi niềm vui từ các hoạt động vốn từng là sở thích trước đó. Ảnh minh họa: franciscomoreno.

3 triệu chứng chính gồm:

  • Khí sắc trầm: Khí sắc thay đổi ít theo từng ngày và thường không tương xứng với hoàn cảnh. Duy trì trong ít nhất 2 tuần.
  • Mất mọi quan tâm, thích thú trong các hoạt động.
  • Giảm năng lượng và tăng sự mệt mỏi.

7 triệu chứng phổ biến:

  • Giảm sự tập trung chú ý.
  • Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc ra quyết định.
  • Ý tưởng bị tội và không xứng đáng.
  • Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan.
  • Ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Thay đổi cảm giác ngon miệng (tăng hoặc giảm) với sự thay đổi trọng lượng cơ thể.

8 triệu chứng cơ thể:

  • Mất quan tâm trong những hoạt động thường ngày vẫn gây thích thú.
  • Mất phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh thường làm vui thích.
  • Buổi sáng thức giấc sớm hơn thường ngày 2 giờ.
  • Trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng.
  • Có bằng chứng khách quan về sự chậm chạp tâm thần vận động hoặc kích động (được người khác kể lại.
  • Giảm cảm giác ngon miệng.
  • Sút cân (5% hoặc nhiều hơn trọng lượng cơ thể so với tháng trước).
  • Mất hoặc giảm hưng phấn tình dục rõ rệt.

Để xác định mức độ trầm cảm, tiến sĩ Hùng cho hay bệnh nhân nhẹ sẽ có ⅔ triệu chứng chính và 2/7 triệu chứng phổ biến; diễn biến vừa có ít nhất ⅔ triệu chứng chính, thêm ít nhất 3 (tốt hơn là 4) triệu chứng phổ biến; bệnh nhân nặng có đủ 3 triệu chứng chính, thêm ít nhất 4 triệu chứng phổ biến và một số đặc biệt nặng.

Hướng điều trị

Với tùy mức độ trầm cảm, tiến sĩ Hùng cho biết các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp với 3 mục tiêu gồm: Điều trị nguyên nhân (nếu có), điều trị triệu chứng và phòng ngừa tái phát, tái diễn.

“Trong quá trình theo dõi, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ trầm cảm, nguy cơ tự sát, suy kiệt (do chống đối ăn). Từ đây chọn thuốc phù hợp, đủ liều và chú ý tương tác giữa các thuốc, nguy cơ, sau đó duy trì điều trị khi ổn định”, tiến sĩ Hùng nói.

Theo vị chuyên gia, thời gian điều trị trầm cảm giai đoạn cấp thường kéo dài khoảng 2-4 tháng. Việc điều trị duy trì sau đó sẽ khoảng 4-6 tháng tùy tình trạng bệnh.

Về phương pháp điều trị cụ thể, các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hóa dược gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, nhóm thuốc giải lo âu, gây ngủ và các nhóm thuốc hỗ trợ như tăng tuần hoàn não, dinh dưỡng, kháng histamin,...

phat hien trieu chung tram cam hau covid-19 anh 2

Bệnh nhân trầm cảm hậu Covid-19 sẽ được điều trị tùy mức độ của vấn đề. Ảnh minh họa: simonabrams.

Một số liệu pháp khác cũng được sử dụng là sốc điện (dành cho đối tượng có ý tưởng, hành vi tự sát, trầm cảm kháng thuốc, kháng trị), kích thích từ xuyên sọ TMS, liệu pháp tâm lý (gồm nhận thức hành vi, gia đình, cá nhân, thư giãn luyện tập,...), đảm bảo dinh dưỡng.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn lo âu, trầm cảm diễn biến nặng hơn khi khỏi Covid-19, tăng lên rất nhiều.

Theo tiến sĩ Thu, một số trường hợp trước đó chỉ lo âu nhẹ, có thể tự điều chỉnh, thích nghi được nhưng nay buộc phải dùng thuốc. Một số khác trải qua nhiều năm điều trị ngoại trú nhưng hiện phải nhập viện theo dõi.

“Thực tế, rất nhiều người gặp vấn đề stress sau khi mắc Covid-19, trong đó có cả bệnh nhân tâm thần. Stress kéo dài cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu xuất hiện. Ở những người có sẵn bệnh, Covid-19 lại trở thành nguyên nhân để họ dễ trở nặng hơn", bà nói.

Ngoài ra, tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyến cáo người dân cần chủ động chăm sóc cho sức khỏe tâm thần của bản thân, tìm cách cân đối giữa công việc và thư giãn, sắp xếp mức độ ưu tiên để tránh quá tải.

Ngược lại, tình trạng nhàn rỗi kéo dài quá lâu cũng không tốt. Bà đưa lời khuyên mọi người nên điều chỉnh để không rơi vào tâm trạng quá căng thẳng, có thể thư giãn bằng cách tập hít thở sâu hay yoga.

“Sức khỏe tâm lý sẽ được đảm bảo khi chúng ta biết cách duy trì các mối quan hệ, giải quyết khó khăn trong cuộc sống mà vẫn giữ được cân bằng tinh thần", vị chuyên gia khẳng định.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm