BSCKII Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), cho hay mới đây bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Thinh (đã đổi tên, 60 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) với chẩn đoán ung thư khoang miệng giai đoạn 2. Điều đặc biệt, người đàn ông này có tiền sử nghiện thuốc lá. Gần đây, ông Thinh hút với tần suất một bao mỗi ngày.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước khi phát hiện bệnh, ông thấy trong miệng có vết loét nhỏ, không đau. Sau đó, khi chỗ loét dày, to lên và có biểu hiện cứng, ông đi khám và được bác sĩ kê thuốc, tuy nhiên tình trạng không đỡ.
Bệnh nhân đang điều trị tại viện sau ca phẫu thuật. Ảnh: T.B. |
Để khối u không tái phát, bác sĩ đã phải vét hạch rộng ra vùng xung quanh, cắt tuyến dưới hàm. Đồng thời, một ê-kíp khác lấy vạt tự do má ngoài đùi để phẫu tích, nối vi phẫu lên vùng má vừa bị cắt u, diện tích miếng da lên tới 12x8 cm. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Hiện sau 6 ngày phẫu thuật, sức khỏe ông Thinh tiến triển tốt, có thể ăn uống, nói chuyện bình thường, mảng da ghép sống tốt. 3-6 tháng tới, bệnh nhân tiếp tục được tái tạo lại viền môi.
Theo bác sĩ Thái, cơ chế gây ung thư khoang miệng (gồm lưỡi, lợi, niêm mạc má, sàn miệng, môi...) chưa rõ ràng nhưng theo thống kê của các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, 75% các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc). Đây là loại ung thư mắc nhiều hơn ở nam giới, tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn.
Ung thư miệng dễ chẩn đoán và tiên lượng điều trị rất tốt ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi người bệnh hay nhầm lẫn là mắc nhiệt miệng hoặc loét miệng.