Phòng thí nghiệm bí mật. Chữa bệnh bằng bùa phép. Thuyết âm của mưu chính phủ. Bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các công ty truyền thông, thông tin sai lệch về virus Covid-19 đang sinh sôi nảy nở khắp thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự bùng phát của Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng tin tức, khiến mọi người khó tìm được thông tin và hướng dẫn đáng tin cậy khi cần.
Do đó, WHO hợp tác với nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau nhằm phát hiện tin tức sai lệch và cung cấp thông tin đáng tin cậy về virus corona ở nơi mọi người đang tìm kiếm.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng không nằm ngoài cuộc chiến chống tin tức giả mạo liên quan đến virus Covid-19.
Không chỉ triệt phá các nguồn phát tán tin sai, cơ quan chức năng ở nhiều nơi còn xử phạt hành chính, cảnh cáo, phạt tù người tung tin đồn thất thiệt.
Thông tin sai lệch được sao chép, chuyển tiếp một cách dễ dàng, gây ra “dịch bệnh hoảng loạn trực tuyến” tại nhiều quốc gia. Ảnh: SCMP. |
Cảnh cáo, phạt tiền
Tại Việt Nam, trong khi dư luận tập trung theo dõi các tin tức từ dịch bệnh, nhiều người dùng mạng đã tung tin thất thiệt, sai sự thật để tăng tương tác, thu hút sự chú ý.
Công an đã mời nhiều trường hợp lên làm việc, xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng và yêu cầu đăng bài đính chính trên mạng xã hội.
Trung Quốc cũng mạnh tay trong việc kiểm soát thông tin liên quan tới dịch Covid-19, bao gồm nỗ lực dập tắt tin đồn và thông tin sai lệch khiến công chúng giảm niềm tin vào các nguồn tin chính thống.
Tháng trước, một người đàn ông ở Nội Mông đã bị giam giữ 10 ngày và bị phạt 500 tệ vì lan truyền tin đồn: “Covid-19 là vũ khí di truyền do chính phủ Mỹ sản xuất”. Việc giam giữ người này được phát trên sóng truyền hình quốc gia nhằm cảnh báo công chúng không nên phát tán tin giả, theo CNN.
Theo Luật Hình sự Trung Quốc, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, qua đó gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù không quá 3 năm, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm.
Cô gái ở Thừa Thiên - Huế bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng vì tung tin thất thiệt về dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Đoàn. |
Theo tờ Taipei Times, tại Đài Loan, Cục Điều tra Hình sự liên tục điều tra và xử lý các trường hợp người dân lan truyền tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.
Ngày 10/3 vừa qua, một phụ nữ 62 tuổi tên Hsieh ở Đào Viên đã bị phạt 30.000 Đài tệ vì đăng thông tin sai lệch rằng: “Chính quyền đã cách ly 48 người ở Đào Viên bị nghi nhiễm bệnh virus Vũ Hán và thêm 10 người nữa trong 2 ngày tới. Tổng số 58 trường hợp”.
Hsieh đã vi phạm Điều 63 của Đạo luật Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Điều 151 của Luật Hình sự. Tuy nhiên, khi Hsieh thừa nhận sai lầm và tỏ ra hối hận, các công tố viên quyết định không truy tố người này.
Tương tự, một phụ nữ Trung Quốc tên Liu - kết hôn với một người Đài Loan và sống ở Hoa Liên - bị cáo buộc chia sẻ tin nhắn “nghe phong thanh một quan chức Đài Bắc nói rằng sự bùng dịch ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Mọi người nên chạy trốn ngay vì trong vòng một tuần nữa, lệnh phong tỏa toàn Đài Loan sẽ được áp đặt”.
Sau khi bị cơ quan chức năng triệu tập vào 9/3, Liu phải đối mặt với các khoản phạt hành chính theo Đạo luật Duy trì trật tự xã hội.
Phạt đến tù chung thân
Hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch Covid-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”.
Tại Thái Lan, các nhà chức trách cho biết sẽ tiến hành buộc tội 7 người vì lan truyền những bài viết bị cáo buộc vi phạm Đạo luật về Tội phạm máy tính năm 2017 của nước này. Nếu bị kết án, người vi phạm có thể đối mặt án tù 5 năm và phạt 100.000 baht (3.200 USD).
Trung tâm Chống Tin tức giả của Thái Lan cũng đang theo dõi nội dung có thể “gây rủi ro cho sức khỏe và thiệt hại nền kinh tế”. Ông Puttipong Punnakan, người đứng đầu cơ quan này, cho biết đã phát hiện 15 nguồn tin tức giả mạo vào cuối tháng 1 và bắt giữ 2 người có hành vi vi phạm Luật Tội phạm mạng.
Người tung tin thất thiệt về dịch Covid-19 trên mạng xã hội UAE có thể đối mặt án tù 3 năm đến chung thân hoặc tiền phạt lên tới 3 triệu AED (hơn 816.000 USD). Ảnh: Reuters. |
Cuối tháng 1, cảnh sát và Ủy ban Truyền thông - Đa phương tiện Malaysia đã bắt giữ 6 người vì đăng tải bài viết có chứa thông tin sai lệch về virus corona.
Trong khi đó, chính phủ Singapore dẫn POFMA (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act, tạm dịch: Đạo luật Chống Thông tin sai trái và Thao túng trên mạng - PV) nhằm kiểm soát việc lan truyền thông tin giả có liên quan đến Covid-19.
Tờ Khaleej Times của UAE đưa tin hôm 8/3 rằng Bộ Nội vụ UAE (MoI) cảnh báo bất cứ người nào lan truyền tin đồn hoặc tin giả về dịch Covid-19 trên mạng xã hội tại nước này sẽ bị trừng phạt theo Luật Trực tuyến.
Cụ thể, người vi phạm có thể đối mặt với án tù từ 3 năm đến chung thân hoặc tiền phạt lên tới 3 triệu AED (hơn 816.000 USD).
Triệt phá mạng lưới tung tin giả
Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Nga, luật chống tin tức giả trên mạng xã hội đã được thông qua.
Ngày 8/2, Cảnh sát Hungary tuyên bố đã triệt phá mạng lưới các website tung tin giả về số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại đất nước này, dù thời điểm đó chưa ca nhiễm bệnh nào được ghi nhận.
Một người đàn ông và một phụ nữ bị tình nghi là đã “điều hành mạng lưới hàng chục website và trang Facebook” để tung các tin tức có tiêu đề giật gân nhằm tăng lưu lượng truy cập và doanh thu quảng cáo, cảnh sát cho biết.
“Một phụ nữ Hungary 37 tuổi đã ngã gục và chết ở Budapest, nghi do virus corona” là tiêu đề cho một tin giả trên trang web được cảnh sát phát hiện.
Cảnh sát Hungary đang điều tra người tung tin đồn Budapest sắp bị phong tỏa vì dịch Covid-19. Ảnh: About Hungary. |
Cảnh sát Iran hồi tháng trước cũng bắt giữ một người vì đăng lên mạng xã hội 1 video giả mạo, trong đó thông báo một bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở vùng Kurdistan, miền Tây Iran.
Theo điều tra sơ bộ, người này tường trình việc đăng tải video nhằm mục đích giải trí cá nhân. Tuy nhiên, thông tin từ đó đã gây hoang mang dư luận.
Người phát ngôn của Ủy ban Tư pháp và Pháp lý thuộc Quốc hội Iran đã cảnh báo rằng bản án 3 năm sẽ dành cho những người truyền bá tin tức giả hoặc tin đồn về Covid-19 ở nước này.
Trước diễn biến phức tạp của nạn tung tin giả về virus corona, chính phủ một số quốc gia như Ấn Độ, Vương quốc Anh đã thành lập các đội phản ứng nhanh nhằm đối phó với vấn nạn này.
Tờ Al Jazeera dẫn nguồn tin từ Boom, trang web xác minh thông tin, báo cáo trường hợp một người đàn ông ở miền Nam Ấn Độ đã tự sát sau khi anh ta xem nhiều video về Covid-19 và tin rằng mình đã nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Harsh Vardhan - Bộ trưởng Y tế Ấn Độ - đã yêu cầu các bang thành lập đội “hành động nhanh”, với khoảng 3.000 người được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ cũng cho biết chính phủ sẽ đặt hàng các công ty viễn thông thực hiện clip âm thanh cảnh báo về dịch Covid-19. Nó sẽ được gửi đến người dân thông qua phần chuông chờ nhấc máy.
Vài ngày trước, một “đơn vị kiểm soát thông tin sai lệch” đã được chính phủ Vương quốc Anh thành lập trong bối cảnh người dân bị ảnh hưởng bởi các thông tin không đúng.
Nhóm các chuyên gia sẽ tiến hành xác định tin tức giả mạo về Covid-19 và liên lạc với các công ty truyền thông xã hội để đảm bảo loại bỏ nó.
Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden cho biết bảo vệ đất nước khỏi thông tin sai lệch trong bối cảnh hiện tại là “ưu tiên hàng đầu”.
ABC News khuyến cáo mọi người tự trả lời các câu hỏi sau đây trước khi chia sẻ nội dung đáng ngờ:
- Đây có phải là tài khoản, bài báo hoặc phần tin tức gốc?
- Ai đã chia sẻ hoặc tạo ra nội dung này?
- Thông tin được tạo ra khi nào?
- Tài khoản nào đang chia sẻ tin tức này? Tài khoản đó được tạo khi nào? Họ có thường xuyên chia sẻ mọi thông tin từ khắp nơi trên thế giới không? Đây có thể là một cú lừa?
- Tại sao tin tức này được chia sẻ?