Chị Nguyễn Thị Ánh (31 tuổi, Tuyên Quang) đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng cổ tay trái chảy nhiều máu, lộ toàn bộ khớp, đứt gân và mạch máu thần kinh vùng cổ tay, các ngón nhợt nhạt. Bệnh nhân được sơ cứu cầm máu tại nhà trước khi đến bệnh viện.
Kết quả lâm sàng cho thấy hình ảnh gãy xương thuyền, xương nguyệt, đầu dưới xương quay tay trái. Các bác sĩ nhận định đây là tổn thương rất nặng, cần hội chẩn cấp bệnh viện để đưa ra phương án phẫu thuật nối liền cổ tay cho bệnh nhân nhanh nhất. Mỗi phút giây qua đi, cơ hội phục hồi bàn tay cho nữ bệnh nhân sẽ rút ngắn lại.
Chị Ánh nhanh chóng được chuyển đến phòng phẫu thuật với đội ngũ bác sĩ cơ xương khớp, thần kinh và gây mê hồi sức. Bác sĩ chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật kết hợp xương, cố định vùng tổn thương, sau đó ê-kíp bác sĩ thần kinh sử dụng kỹ thuật vi phẫu, tiến hành nối mạch máu và phục hồi hệ thống gân gấp các ngón.
![]() |
Các bác sĩ đã cứu được bàn tay của bệnh nhân sau 6 tiếng phẫu thuật. Ảnh: BVCC |
Các bác sĩ đã phẫu thuật xuyên đêm, kéo dài trong 6 tiếng, kịp thời cứu bàn tay của bệnh nhân. Sau 6 ngày phẫu thuật, các đầu ngón tay của bệnh nhân hồng, ấm, cử động tốt. Chị Ánh có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Các bác sĩ lưu ý khi bị tai nạn hoặc có chấn thương đứt rời cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Đối với bộ phận cơ thể bị đứt rời sau khi xảy ra tai nạn, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng, khuyến cáo nên bảo quản phần chi thể đúng cách để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
- Cho phần chi thể đứt rời vào túi nylon sạch, buộc kín, có thể bọc trong miếng gạc.
- Đặt vào một túi nylon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
- Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.
- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
- Lưu ý, không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi