Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phía sau bức ảnh đôi chân của bố nông dân nuôi con học ĐH RMIT

"Hồi tôi học ở TP.HCM, gia đình không khá giả, bố đã bán bò cho tôi đóng học phí", Trần Thị Ái Vi (quê Lâm Đồng), người có bằng thạc sĩ Đại học RMIT, chia sẻ.

"Đây là bàn chân của bố tôi mỗi ngày, bộ đồ bố mặc mỗi ngày. Nhìn vậy thì cũng không ai nghĩ bố từng nuôi tôi học Đại học RMIT. Vì bố tôi vất vả như vậy nên đừng hỏi sao lúc nào cũng thấy tôi làm việc, cày ngày cày đêm nhé. Ham làm việc nó là cái máu, truyền từ bố sang con".

Dòng chia sẻ xúc động được Trần Thị Ái Vi (sinh năm 1997) đăng kèm hình ảnh đôi chân lấm đất, chai sần của bố - người đàn ông đã dành hết tâm sức, nhiều lần bán bò, thậm chí sẵn sàng bán đất để con gái được học ngôi trường yêu thích.

Vi kể lúc cô theo học RMIT, gia đình không khá giả. Cứ mỗi lần đóng tiền học một môn là mất khoảng 29 triệu đồng, đóng 3 môn mất gần 90 triệu đồng thì bố phải bán 3 con bò.

"Hồi đó, bố đã bán nhiều con bò cho tôi đóng học phí", Vi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

bo nuoi con hoc RMIT anh 1

Vi xúc động khi nhìn đôi chân lấm đất của bố.

"Con thích trường nào cứ chọn"

Vi cho biết trước khi trở thành sinh viên ngành Digital Marketing của ĐH RMIT, cô từng theo học ĐH Y Tây Nguyên, chuyên ngành Y Đa khoa. Nhưng sau một năm, vì chứng sợ máu, cô phải nghỉ.

Trong khoảng thời gian ở nhà, một lần cô mở laptop lên, bố vô tình nhìn thấy ảnh của một người bạn đang học RMIT và hỏi vu vơ: "Bạn con học trường nào mà đẹp quá vậy?".

"Tôi bảo với bố đây là trường quốc tế, học phí mắc lắm, để tôi thi lại trường khác rẻ hơn. Nhưng bố bảo 'Con thích trường nào cứ chọn cho bố, học trường quốc tế đi'. Bố còn nói nếu không đủ tiền, bố sẽ bán đất lo cho con", Vi tâm sự.

bo nuoi con hoc RMIT anh 2

Vi được bố mẹ ủng hộ hết lòng khi theo học ngôi trường có học phí đắt đỏ.

Từ nhỏ, bố của cô - ông Trần Văn Lộc (sinh năm 1971), một nông dân ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng - đã luôn là chỗ dựa về cả vật chất lẫn tinh thần cho gia đình.

Vi kể ngày xưa nhà nghèo, bố chỉ học hết lớp 5 rồi đi chăn bò. 15 tuổi, bố cô bắt đầu đi rừng, đào cây kiếm tiền. Năm 24 tuổi, bố cưới mẹ và năm 26 tuổi bố mẹ có cô.

Vi nói rằng bố từng rất muốn đi học nhưng ngày xưa nhà không đủ điều kiện. Sau này, ông Lộc khao khát con cái được ăn học thành tài. "Vì bố mẹ tôi không được đi học đầy đủ nên ước mơ của họ dành cho con, khó khăn cỡ nào nhưng con cái chịu học thì họ sẵn sàng đầu tư".

Từ khi còn nhỏ, Vi đã nhìn thấy sự chăm chỉ, cần mẫn và tình yêu thương bố dành cho mẹ con cô.

"Bố cứ đều đặn 5h dậy rửa chén, lau nhà, pha trà. 6h ra vườn làm việc. 7h đi mua đồ ăn sáng cho vợ con, hoặc chở vợ đi ăn sáng rồi mua đồ về cho con. 8h bố đi ra vườn tiếp đến 12h, ăn cơm, nghỉ ngơi rồi lại đi làm tới 18h", cô kể về lịch trình mỗi ngày của bố, nói vui rằng thỉnh thoảng bố hay trốn đi nhậu lại bị mẹ càm ràm.

Bỏ phố về quê

Từ thời sinh viên ở TP.HCM, dù bố mẹ cho phí sinh hoạt hàng tháng là 3 triệu đồng, cô vẫn đi làm thêm 3 công việc cùng lúc. Số tiền kiếm được, cô chi phần lớn cho các dự án cộng đồng.

Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, Vi nhận được học bổng 50% của chương trình Global Trade (Thương mại Toàn cầu) của RMIT và bắt đầu tự đóng học phí.

Vi có thời gian làm việc trong ngành marketing tại TP.HCM với mức lương cao nhất là 40 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện tại, cô đã quyết định nghỉ việc để về quê, vừa xây dựng thương hiệu cá nhân, vừa phụ giúp bố mẹ buôn bán.

"Nếu hỏi bỏ TP.HCM về quê sống, tôi có hối hận không, thì câu trả lời là không. Về quê mức sống thấp, muốn tiêu xài tiền cũng khó vì đâu có hàng quán nhiều. Nhà ở của bố mẹ, cơm cũng bố mẹ nấu. Việc hàng ngày của tôi là livestream và chốt đơn", Vi chia sẻ trên trang cá nhân.

Cô nàng 27 tuổi cho biết bố tự hào về cô nhưng không khen ngợi bằng những lời "có cánh", sợ con gái sẽ tự kiêu. Còn với Vi, bố mẹ chính là tấm gương, là động lực lớn để cô phấn đấu nhiều hơn nữa.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Chuyện đằng sau phong bì mừng cưới 100.000 đồng của hai em nhỏ Phú Thọ

Hai anh em Duy và Như gom góp số tiền bố mẹ cho mỗi lần được điểm cao, gửi phong bì mừng cưới người thân cùng lời nhắn: “Chúc bá sinh được những em bé ngoan, học giỏi”.

Đào Phương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm