Phố "luật sư vỉa hè" dọc theo hàng me cổ thụ dài 200 m ở đường Trần Phú, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) đã hoạt động trở lại sau những ngày nghỉ Tết. Sau những câu chào xã giao, nhiều người viết đơn thuê lẳng lặng đi tìm nơi đặt ghế ngồi để hành nghề.
Ông Hưng đang tư vấn và viết đơn cho 2 người khách kiện một người bội tín trong vụ giao dịch mua bán. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Dương Long Hưng ở phường 2 (TP Bạc Liêu) từng là giáo viên dạy tiếng Anh. Sau khi nghỉ dạy vì lý do sức khỏe, người đàn ông 49 tuổi này ra vỉa hè đường Trần Phú viết đơn thuê được 5 năm.
"Tôi đang sống một mình, viết đơn thuê dành dụm tiền gửi cho con gái đang học đại học", ông Hưng nói.
Trong ngày mưu sinh đầu tiên năm mới, ông Hưng gặp đến 3 phụ nữ muốn ly hôn chồng. Họ không biết chữ hoặc hiểu biết hạn chế nên nhờ "luật sư" viết đơn, điền thông tin cá nhân vào các mẫu có sẵn mà họ xin được ở tòa án.
Chị Thủy vượt hơn 80 km từ xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đến Bạc Liêu để gặp ông Hưng. Thiếu phụ 37 tuổi mở khẩu trang che mặt, chậm rãi kể về hạnh phúc đổ vỡ.
Theo nữ công nhân ngành giày da, 16 năm trước chị sống chung với thanh niên lớn hơn mình 5 tuổi. Ba đứa con lần lượt ra đời nhưng họ không làm giấy đăng ký kết hôn.
Năm 2010, chị Thủy thấy chồng dắt con gái về quê nội ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chơi nhưng lâu quá không quay lại Kế Sách. Thiếu phụ tìm hiểu thì biết người đầu ấp tay gối đã có "vợ bé" ở xã Châu Thới (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu).
Một trong 3 nữ khách hàng thuê ông Hưng viết đơn ly hôn trong ngày khai bút đầu năm. Ảnh: Việt Tường. |
"Chồng đã có con với nhân tình nên chúng tôi ly thân 5 năm. Anh ấy gửi ông bà nội nuôi 1 đứa con gái, tôi đưa 2 đứa còn lại lên TP HCM thuê nhà trọ sống, gần nơi tôi làm công nhân. Về quê ăn Tết lần này, chồng kêu làm đơn ly hôn đưa anh ấy ký để đường ai nấy đi", chị Thủy kể để ông Hưng tóm tắt nội dung viết đơn.
Vừa điền nội dung vào mẫu đơn chị Thủy xin của tòa án, ông Hưng khuyên người phụ nữ này tìm cách hàn gắn tình cảm vợ chồng để 3 đứa con được sống chung nhà. Tuy nhiên, chị Thủy nhất quyết cắt đứt tình cảm với người đàn ông được cho là bội bạc.
"Trước khi viết đơn ly hôn tôi luôn tìm cách khuyên giải, còn việc hàn gắn tình cảm được hay không do họ quyết định. Những cặp vợ chồng mới cưới nhau, tôi khuyên họ mang đơn về với mục đích 'dọa' chồng hoặc vợ thôi chứ đừng nóng vội gửi đến tòa án thì hối hận không kịp", ông Hưng chia sẻ.
Không chỉ viết đơn, ông Hưng còn đến cơ quan công an để xin xác nhận tình trạng cư trú của bị đơn hoặc nhận ủy quyền nộp đơn cho tòa án theo yêu cầu của khách hàng. Những lá đơn ít chữ, ông thu 20.000 đồng, đơn ly hôn hay kiện đòi tài sản, tranh chấp đất đai… ông nhận được 40.000 - 50.000 đồng.
"Ngày nào có nhiều khách hàng, tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng, ít thì khoảng 120.000 đồng", người viết đơn thuê nói.
Gần chỗ ông Hưng có hơn chục người viết đơn thuê như cụ Bảy, ông Thạch Mến, Mai Hòa Hiệp… Trước Tết, ông Mến bỏ nghề vì mải viết đơn thuê mà đầm tôm của gia đình không ai chăm sóc. Bà Hai Lan (vợ ông Mến) bán xăng ở vỉa hè đường Trần Phú, thấy chồng bỏ nghề nên bà cũng tập tành viết đơn thuê.
"Sáng giờ viết hai đơn ly hôn rồi. Lúc này vợ chồng trẻ thích kéo nhau ra tòa. Những ngày đầu mới tập viết đơn, tôi chủ yếu ghi tờ khai lý lịch, đơn xin cấp chứng minh nhân dân, hộ chiếu…", bà Lan chia sẻ.
Cuối buổi chiều, sau khi đến công an xã xin xác nhận nơi thường trú của bị đơn cho một nguyên đơn, ông Dương Long Hưng lại tiếp một thiếu phụ 27 tuổi ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) muốn ly hôn chồng ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Vừa đọc lý lịch cá nhân, chị này vừa kể tội chồng, cho rằng người đầu ấp tay gối quá ham ăn nhậu và cặp bồ với nhiều nữ tiếp thị bia nên hai người phải chia tay.
Bà Lan vừa bán xăng vừa viết đơn thuê. Ảnh: Việt Tường. |
"Một ngày tôi gặp 3-4 người thuê viết đơn ly hôn, đa số là khách hàng nữ. Họ phần đông là vợ của tài xế xe có 'vợ bé' hoặc phụ hồ vũ phu. Nhiều cô cho biết, lần nào chồng nhậu là đánh vợ không thương tiếc nên phải nhờ tòa án can thiệp", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, vài trường hợp chồng trí thức nhưng "ghen bóng, ghen gió" rồi đánh đập vợ khiến người phụ nữ không chịu được. Vì vậy, cưới nhau được một thời gian thì người vợ kém chữ hơn chồng đã ra phố hàng me tìm "luật sư" viết đơn ly hôn.
"Có lần tôi viết đơn cho vợ một bác sĩ, nhà giàu lắm. Anh này có vợ trẻ, con ngoan nhưng cặp bồ với nhiều nữ sinh ngành y vào bệnh viện thực tập. Vợ đánh ghen nhiều lần và chịu hết nổi nên nhờ tôi viết đơn gửi tòa án", ông Hưng kể chuyện nghề.
Theo lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu, phố viết đơn thuê dọc theo hàng me gần cầu Kim Sơn đã tồn tại hàng chục năm. Khách hàng của họ là những nông dân vùng sâu, vùng xa không rành thủ tục, mỗi lần lên TP Bạc Liêu gửi đơn cho các cơ quan chức năng đã tìm đến đây khi được cơ quan chức năng thông báo phải bổ sung thêm các thủ tục cần thiết.
Nhiều lần chính quyền sở tại cho người giám sát những người viết đơn nhưng chưa thấy phát sinh vấn đề gì phức tạp. "Họ viết theo yêu cầu của khách hàng, đơn ly hôn hay tranh chấp đơn giản, không liên quan đến tôn giáo, chính trị…", lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu nói.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.