Không ít du khách gặp rắc rối khi đặt phòng qua mạng. Ảnh: Johannes W/Unsplash. |
Cách đây một năm, chị Kiều Vân du lịch tại Hạ Long và đặt phòng qua Agoda. Sau khi đến nơi, chị sững người khi phát hiện không có căn hộ nghỉ dưỡng nào. Theo chị, sau dịch chủ nhà đã bán căn hộ và không thông báo trên nền tảng này.
Việc đặt khách sạn không như ý phần lớn xảy ra vào mùa cao điểm, do số lượng phòng có hạn. Khi các khách sạn lớn hết phòng, khách hàng phải tìm kiếm nơi lưu trú khác qua các bên trung gian. Tuy nhiên, không phải khách sạn nào cũng đảm bảo chất lượng như thông tin cung cấp trên mạng.
Mất tiền vẫn không có chỗ nghỉ
Trong chuyến du lịch dịp lễ 30/4 cùng gia đình vào năm ngoái, anh Hùng Anh đã gặp vấn đề không mấy vui vẻ khi đặt khách sạn trực tuyến thông qua bên thứ ba.
Cụ thể, anh quyết định thuê phòng tại một khách sạn cùng gia đình (3 người lớn, 2 trẻ em) cho chuyến du lịch Huế trên Agoda. Quá trình diễn ra thuận lợi cho đến khi cả nhóm khởi hành chuyến đi.
Khách sạn báo không làm việc cùng Agoda nhưng kênh OTA này vẫn xác nhận đặt phòng cho khách. Ảnh: Agoda. |
Vào ngày hẹn, cả nhóm đến đúng địa chỉ và phát hiện khách sạn ở đó đã hết phòng. Chủ nơi này cho biết họ chưa nhận tiền đặt phòng của anh Hùng Anh cũng như không còn hợp tác với nền tảng nói trên từ lâu.
"Khách sạn nói đã ngừng hợp tác, nhưng Agoda vẫn xác nhận booking code khách sạn cho chúng tôi. Chúng tôi di chuyển 1.000 km từ Hà Nội vào Huế mà không có phòng", anh Hùng Anh nói.
Theo người này, Agoda không có số hotline nên việc liên lạc phản ánh ngay khá khó khăn. Anh và gia đình đặt phòng vào dịp cao điểm, vấn đề tìm phòng thay thế như "hái sao trên trời". Cuối cùng, anh phải di chuyển 100 km ra một khách sạn tại Đà Nẵng.
"Cả ngày vui chơi, ăn uống xong rất mệt, lúc đó trời đã tối lại còn ngày lễ nên không nơi nào còn phòng. Cả người lớn, trẻ con lếch thếch đi tìm phòng biết bao nhiêu nơi. Đây là trải nghiệm tồi tệ khó quên", anh bức xúc.
Ngay sau đó, người này đã gửi email phản ánh đến Agoda, nhưng đến nay đã gần một năm vẫn không nhận được phản hồi và vẫn chưa được hoàn tiền đặt phòng.
Vấn đề này không phải xảy ra lần đầu. Một số người cho biết họ từng gặp tình trạng tương tự khi đặt phòng qua trung gian.
Tương tự, anh Hoàng Sơn từng đặt phòng tại quận 10 (TP.HCM) qua một nền tảng trung gian khác. Tuy nhiên, khi đến nơi, khách sạn cho biết đã hết phòng dù đã có thông báo xác nhận trên app.
Sau đó, khách sạn đã bố trí cho người này lưu trú tại một khách sạn gần đó với chất lượng dịch vụ tương đương, không tính thêm phụ phí. Tuy nhiên, đây cũng là sự việc không mong muốn với anh.
Khách hàng bơ vơ
Theo nhiều khách hàng, việc liên hệ, phản ánh cho Agoda rất lằng nhằng. Hầu hết nền tảng đặt phòng trực tuyến nước ngoài không có hotline cũng như trụ sở ở Việt Nam, khiến việc giải quyết sự cố chậm trễ, không suôn sẻ.
Theo bà Khánh Vân, Giám đốc truyền thông khách sạn Melía (Hà Nội), mỗi ngày các khách sạn sẽ đăng ký lượng phòng rao bán trên các nền tảng trung gian trực tuyến.
Khách hàng khó xác thực chất lượng khách sạn trên các trang đặt phòng trực tuyến. Ảnh: Rupixen/Unsplash. |
Tuy nhiên, nhiều khách sạn khi bán hết phòng, không có người chuyên kiểm soát, chịu trách nhiệm đóng đặt phòng trên các nền tảng OTA (Online Travel Agency - Đại lý Du lịch Trực tuyến). Do đó, khách vẫn vào đặt phòng bình thường và dẫn đến tình trạng cháy phòng.
"Khi khách đến không có phòng, một số khách sạn đổ lỗi cho Agoda. Cái khó của Agoda là họ không có hotline để giải đáp các vấn đề của khách hàng ở Việt Nam", vị này cho biết.
Cuối cùng, khách hàng là đối tượng chịu nhiều bất lợi nhất, hoang mang không biết lỗi do bên nào. Phòng không có để lưu trú, họ còn mất thêm thời gian và công sức tìm kiếm phòng khác.
Cần xác thực thông tin với điểm lưu trú
Ngoài vấn đề thông tin đặt phòng nhập nhằng không được xác minh, chất lượng và dịch vụ khách sạn khi đặt qua trung gian cũng là vấn đề bất cập, khiến nhiều khách hàng phàn nàn.
Ông Tiến Đạt, CEO công ty lữ hành AZA Travel, cho biết căn cứ theo quy mô, chất lượng của điểm lưu trú, mỗi trang web sẽ có hệ thống xếp hạng khác nhau. Tuy nhiên, một số đơn vị, các tiêu chuẩn đánh giá không thống nhất với tiêu chuẩn xếp hạng sao do Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề ra.
Khách hàng nên đặt khách sạn qua các công ty du lịch uy tín. Ảnh: point3d/Unsplash. |
Do đó, nhiều khách sạn dễ dàng thực hiện việc tự phong sao, cung cấp thông tin dịch vụ không đúng với chất lượng thực. Dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng bị vỡ mộng khi đến nhận phòng, gây thiệt hại về kinh tế khách hàng, số tiền bỏ ra không xứng với chất lượng nhận được.
Bà Khánh Vân cho biết khi tìm kiếm các khách sạn tư nhân trên mạng, các kết quả hiển thị trên cùng không phải là khách sạn có chất lượng tốt nhất. Đây chỉ là một hình thức quảng cáo. "Nhiều khách hàng vẫn hiểu lầm đây là những khách sạn chất lượng nhất", vị này nói.
Ngoài ra, sau quãng thời gian dịch, nhiều nhân sự của các công ty du lịch tách ra làm cá nhân và bán voucher sôi động. Với mức giá hấp dẫn, họ thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Nhưng những bên trung gian này thường không đảm bảo chất lượng và dịch vụ tại địa điểm lưu trú.
Khách hàng nên đặt khách sạn qua các công ty du lịch uy tín. Trong trường hợp tự đặt phòng, khách hàng nên đọc thông tin phía khách sạn cung cấp, xem phẩn hồi của các khách hàng đã đặt trước đó và các hình ảnh thực tế. Ngoài ra, khách hàng cũng nên dành thời gian đọc các review qua các trang khác.
Du khách nên ưu tiên những khách sạn có hệ thống theo chuỗi quản lý, nhằm tăng độ tin cậy nhất định. Những thông tin khách sạn này thường được cập nhật đầy đủ và đảm bảo chất lượng nội thất, dịch vụ.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.