Khám phá hang động là một trong những sản phẩm du lịch cao cấp mà du khách có thể trải nghiệm ở Việt Nam. Ảnh: Hải An. |
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chi tiêu cho du lịch trong năm nay dự báo tăng 20%. Hậu đại dịch, các đơn vị lữ hành và cung cấp dịch vụ du lịch cho biết du khách nội địa và quốc tế đều dành sự quan tâm nhiều hơn cho xu hướng du lịch xa xỉ và các sản phẩm du lịch cao cấp ở Việt Nam.
Sản phẩm đã có nhưng thiếu dấu ấn
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho biết Việt Nam có nhiều dịch vụ hạng sang và liên tục cập nhật trong năm 2022. Điều này góp phần tạo nên tính hấp dẫn khi xây dựng sản phẩm tour.
Một số sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như du lịch tàu biển, du lịch golf, du thuyền, loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp ở các tỉnh, thành, tour khám phá hang động...
Tuy nhiên, theo thống kê của đơn vị này, tỷ lệ du khách quốc tế mua tour du thuyền, một trong sản phẩm du lịch cao cấp nổi bật của Việt Nam, trong năm nay chưa tăng, vẫn giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm 2022.
Vị giám đốc này cho biết thêm để thu hút nhóm khách cao cấp, ngoài dịch vụ sang trọng và đẳng cấp, yếu tố điểm nhấn chính là tìm ra những trải nghiệm của cộng đồng cư dân bản địa.
Khách du lịch thích thú tham quan các địa điểm đặc trưng tại Việt Nam. Ảnh: Hà Nam. |
Đây cũng là nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới khi nói về nhu cầu của du khách hậu đại dịch. Khách du lịch ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm, hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi) ở điểm đến.
Việt Nam nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn với nhiều cảnh quan đẹp, văn hóa đa dạng và ẩm thực phong phú. Mỗi thời điểm trong năm lại mang tới cho du khách những trải nghiệm du lịch độc đáo như mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang vào tháng 10, mùa hoa anh đào ở Đà Lạt vào tháng 1 hay mùa hoa ban trắng ở Mộc Châu vào tháng 3…
Với nhóm khách quốc tế ở phân khúc cao cấp, họ không chỉ muốn tham quan mà còn muốn trải nghiệm những đặc điểm riêng biệt về cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương. Vì vậy, việc lồng ghép các giá trị văn hóa, thiên nhiên của riêng Việt Nam vào các trải nghiệm du lịch là yếu tố rất đáng lưu tâm.
Chọn sản phẩm để phát triển
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Tiềm năng của việc phát triển du lịch golf được đánh giá khá cao. Loại hình du lịch này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch nước nhà mà còn thu hút được nhóm khách có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Bên cạnh đó, đặc trưng của khách du lịch golf là đến và quay lại nhiều lần. Ngoài chi phí để chơi golf, nhóm khách này còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao cấp...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nhận xét: "Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất".
Hiện, nhiều nước xem du lịch golf là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch. Với những lợi thế sẵn có như được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” và “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” trong 5 năm liên tiếp (2017- 2021), hệ thống sân golf được đầu tư và đạt chất lượng cao, sự ra đời của loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp... du lịch golf dễ dàng trở thành sản phẩm "móc hầu bao" của du khách khi đến Việt Nam.
Tour du lịch golf là một trong những sản phẩm du lịch mới của TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Anh Tú. |
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, xu hướng du lịch tàu biển sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay với các du thuyền sang trọng, hiện đại.
Tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức, ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), nhận xét du lịch tàu biển, tàu sông là một sản phẩm rất triển vọng với thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn một số khó khăn để đón nhóm khách này như thiếu cầu cảng du lịch, bố trí vận chuyển hành khách tại các điểm đến...
"Khách tàu biển có mức chi tiêu tốt, khi xuống đất liền, họ có thể chi ít nhất 100 USD/người. Trong khi đó, một tàu thường chở vài nghìn khách. Như vậy, chúng ta đã có thể đạt ngay doanh thu lên đến hàng trăm USD", ông Cường cho biết.
Song, thời gian của nhóm khách này tại điểm đến thường ngắn, chỉ khoảng 8-10 tiếng. Chính vì vậy, để có thể phát triển và thu hút thêm khách du lịch tàu biển, cần có sự liên kết chặt chẽ của địa phương, đơn vị vận chuyển, các công ty lữ hành...
Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, từng chia sẻ với Zing rằng các địa phương đều ưa thích đón khách tàu biển vì đây là dòng khách sang, có khả năng chi trả cao.
“Lượng khách tàu biển thường lớn. Đa phần tàu cao cấp xuất phát từ những địa danh nổi tiếng do đó thu hút truyền thông và có giá trị cao về mặt quảng bá", ông Thảo cho biết.
Vị giám đốc này cũng phân tích thêm khách tàu biển dành phần lớn thời gian thư giãn trên tàu, mỗi địa phương tàu chỉ ghé lại ngắn ngày, do đó khi khách ghé tham quan các địa phương đó nếu họ thấy yêu thích thì khả năng họ sẽ quay lại địa phương đó để đi du lịch là rất cao.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.