Từ một địa điểm xảy ra thảm họa, Fukushima đang được phục hồi bởi du lịch. Ảnh: Fukushima Travel. |
Năm 2011, trận động đất kinh hoàng và sóng thần gây ra thảm họa hạt nhân tại thành phố Fukushima. Nó được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sự cố ở Chernobyl (Ukraine).
Bất chấp những e ngại từ thảm họa, các quan chức địa phương đã cố gắng thu hút du khách. Nhưng đại dịch xảy Covid-19 khiến kế hoạch bị đình trệ hơn hai năm.
Khôi phục "vùng đất chết"
Du lịch tại Fukushima đã được nối lại vào tháng 10/2022. Hiện nay, các quan chức đang tích cực quảng bá các điểm tham quan nổi tiếng trong khu vực.
Họ hy vọng những chiến lược quảng bá du lịch sẽ ngày càng phổ biến, giúp các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết được mọi người tin tưởng lựa chọn.
Benjamin Tuffy đến từ Australia đã chọn khu nghỉ dưỡng Bandai trong vùng để đi nghỉ cùng vợ và hai con.
Thay vì chọn nghỉ mát ở Hokkaido hay Nagano, gia đình Tuffy đã chọn Fukushima. Họ chia sẻ rằng họ đã trải qua kỳ nghỉ đông "trong tuyết trắng đẹp như tranh vẽ" ở Nhật Bản.
Ông Tuffy chia sẻ rằng vị trí của khu nghỉ mát cách bờ biển khoảng 100 km, vì thế họ không có quá nhiều mối lo ngại.
"Có một số khoảng cách và những phạm vi cho phép du khách đi lại nhất định. Vì thế bạn có thể tự do thưởng thức không khí trong lành tại đây mà không phải lo sợ", du khách này nói thêm.
Lệnh sơ tán đã được đưa ra trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy sau thảm họa. Sau khi khử nhiễm xạ trên diện rộng, chỉ còn 2,4% diện tích trong khu vực này bị giới hạn.
Dẫu vậy ông Go Morimoto, giám đốc điều hành của Khu nghỉ dưỡng Bandai, cho biết độ phổ biến của Fukushima vẫn còn thấp đối với khách du lịch nước ngoài. Nơi này đứng thứ 43 trong số 47 tỉnh tại Nhật Bản.
Du lịch trở lại đầy khó tin
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, gần 50% khách du lịch trong nước đã đến thăm Tokyo và 30% đến Kyoto trước đại dịch Covid-19. Chỉ 0,3% đến Fukushima, nơi chỉ cách Tokyo 90 phút đi tàu cao tốc.
Ông Morimoto cho biết công ty từng sở hữu Khu nghỉ dưỡng Bandai đã quyết định bán nó vào năm 2015 với lý do “du lịch khó có thể quay trở lại”.
Học tập từ sự thành công của Nagano và Hokkaido, chính quyền tỉnh Fukushima đang cố gắng quảng bá du lịch bằng chất lượng của tuyết tại nơi đây.
“Nagano và Hokkaido đã được hưởng lợi từ chất lượng của tuyết, nhưng Fukushima lại không được như thế mặc dù có nhiều tiềm năng”, ông Morimoto chia sẻ.
Tuyết ở Nhật Bản thường được gọi là "Japow" (Japan Powder), là một thuật ngữ để chỉ lớp tuyết dày và khô như bột mịn, rơi trên các ngọn núi của Nhật Bản.
Chất lượng của tuyết là điểm thu hút với bà Anne Cathcart, người đã ghé thăm Fukushima ba lần.
"Tôi cũng đã nghe qua về vụ thảm họa hạt nhân. Nhưng vùng đất này thật sự tuyệt vời, nó không bao giờ khiến tôi thất vọng", bà Cathcart nói.
Nổi tiếng nhờ mạng xã hội
Du khách ghé thăm trở lại là một điều đáng mừng cho những người dân địa phương như ông Miwako Abe, người đang điều hành một điểm dừng chân lâu đời tại Fukushima.
Điểm dừng chân của ông Abe là một cửa hàng lưu niệm ở Ouchijuku và đã hoạt động hơn 30 năm. "Có lúc tôi không biết phải làm gì vì chẳng có một du khách nào ghé tới", người đàn ông 59 tuổi này chia sẻ.
Tuyến đường sắt Tadami được giữ lại khi bất ngờ nổi tiếng trên Instagram. Ảnh: Hoshi Kenko. |
“Tôi thấy nhiều du khách đến từ Đài Loan. Họ mua tem tại cửa hàng của tôi và gửi bưu thiếp”, ông Abe nói. Theo ông, Fukushima phổ biến với khách du lịch đến từ các quốc gia châu Á có ít hoặc không có tuyết.
Tuyến Tadami là một tuyến đường sắt nhỏ chạy qua hẻm núi có tầm nhìn đẹp. Tuy nhiên sau 4 tháng xảy ra thảm họa hạt nhân, tuyến đường sắt bị hư hỏng nặng nề do lũ lụt.
Nhà điều hành của tuyến đường sắt là JR East đã lên kế hoạch loại bỏ nó. Dẫu vậy chính quyền địa phương tin rằng tuyến đường có thể thu hút khách du lịch và đồng ý về kế hoạch đầu tư nếu JR East giữ nguyên tuyến đường.
Ông Tetsuya Sato thuộc Hiệp hội Du lịch Yanaizu cho biết tuyến tàu đã thu hút du khách thông qua những bức hình trên Instagram, dù nó chỉ vừa hoạt động trở lại vào năm ngoái.
“Ngay sau khi tuyến đường hoạt động trở lại, các toa đã chật kín hành khách, kể cả các ngày trong tuần. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều này nhưng hiện tại, chúng tôi rất hạnh phúc”, ông Sato cho biết.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.