Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng bất ngờ dừng sớm

14h20 hôm nay, đại diện VKS đề nghị tạm dừng phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và các đồng phạm để làm rõ thêm một số tình tiết.

Chiều 20/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và 6 bị cáo vụ Tập đoàn dầu khí - PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương tiếp tục diễn ra.

Trước khi bắt đầu, đại diện VKSND Cấp cao bất ngờ đề nghị tạm dừng phiên tòa. Quá trình đại diện VKS nói lý do đề nghị tạm dừng thì hệ thống âm thanh truyền đến phòng báo chí bị gián đoạn.

Sau ít phút hội ý trong phòng nghị án, HĐXX trở lại làm việc. Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang tuyên bố chấp nhận đề nghị của phía VKS. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 8h ngày mai, 21/6.

Một luật sư rời phòng xử án cho biết, theo đại diện VKS, lý do cơ quan công tố đề nghị tạm dừng để làm rõ một số tình tiết mới xuất hiện trong phần xét hỏi cuối buổi sáng cùng ngày.

Xet xu Dinh La Thang vu 800 ty anh 1
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/6. Ảnh: P.D.

Trước đó, khi xét hỏi cuối buổi sáng 20/6, HĐXX và đại diện VKS cùng các luật sư tập trung thẩm vấn bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN), bà Nguyễn Thủy Tiên, ông Lê Hải Ninh và bà Bùi Hà Châu, đều là cán bộ Văn phòng PVN về việc chuyển dự thảo nghị quyết của HĐTV đến các thành viên.

Theo án sơ thẩm, ông Phan Đình Đức có vai trò đồng phạm với ông Đinh La Thăng khi đồng tình với chủ trương của nguyên Chủ tịch PVN về việc góp vốn lần 3 của PVN vào Oceanbank. Hành vi của bị cáo Đức gây thiệt hại cho tập đoàn số tiền 100 tỷ đồng. Do đó, tòa sơ thẩm tuyên ông này 15 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX cấp phúc thẩm, bị cáo Đức nói ông ta giữ nguyên các lời khai trước đó. Theo đó, bị cáo 58 tuổi tái khẳng định ông ta ký văn bản 124 (tờ trình của Tổng giám đốc PVN về việc góp vốn lần ba) về việc chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank sau khi HĐTV PVN đã ban hành nghị quyết, khi ký bị cáo này không thể hiện đồng ý hay không đồng ý.

Xet xu Dinh La Thang vu 800 ty anh 2
Ninh Văn Quỳnh được cảnh sát dẫn giải ra xe chiều 20/6. Ảnh: Hoàng Lam.

Tuy nhiên, chủ tọa giải thích lời khai của các thành viên HĐTV khác và của nhóm cán bộ văn phòng cho thấy Phan Đình Đức đã đồng ý về việc góp vốn. Bị cáo đã nhận được và chuyển lại văn bản số 124 trước khi bị cáo Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành Nghị quyết 4266 theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng.

Tiếp đó, HĐXX xét hỏi nhóm cán bộ Văn phòng PVN về việc chuyển tải văn bản trong nội bộ tập đoàn đến các thành viên HĐTV.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo nguyên thành viên HĐTV PVN khai họ không nhận được bản dự thảo nghị quyết về chủ trương góp vốn lần 3, do văn thư chuyển tải.

Bản án sơ thẩm có nội dung khẳng định tổ thư ký đều khai ngày 12/5/2011, họ nhận được văn bản 124 để chuyển cho các thành viên HĐQT cho ý kiến. Sau khi tập hợp, có 4/7 thành viên đồng ý, trong đó có Phan Đình Đức. 

Trả lời chủ tọa phiên phúc thẩm, bà Thủy Tiên khai do thời gian quá lâu nên bà này không nhớ ngày ông Đức đã ký vào các công văn liên quan. Người phụ nữ cũng khẳng định đã gửi kèm bộ công văn gồm 4 văn bản: công văn 124, tờ trình của Tổng giám đốc, công văn của Oceanbank và dự thảo nghị quyết.

"Các cựu thành viên HĐTV đều khẳng định không nhận được dự thảo nghị quyết, ngoài văn bản 124, vậy lấy đâu ra dự thảo để trả lại?", chủ tọa truy vấn. Đáp lại, bà Tiên nói điều này cần hỏi lại bộ phận lưu hồ sơ của PVN vì bà không còn nhớ sự việc sau 7 năm.

Xet xu Dinh La Thang vu 800 ty anh 3
Cảnh sát dẫn giải bị cáo rời tòa chiều 20/6. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN). Ảnh: Hoàng Lam.

HĐXX tiếp tục xét hỏi ông Ninh về lời khai của bà Tiên. Tuy nhiên, vị Phó chánh Văn phòng PVN khai bản thân cũng không nhớ chính xác là đã nhận đủ các tài liệu nói trên từ bà Thủy Tiên hay không?.

Khi chủ tọa thẩm vấn bà Châu, người này khẳng định bà chỉ là người sao lưu các tài liệu sau khi nhận từ đồng nghiệp Thủy Tiên, còn không nhớ các nội dung của tài liệu đó.

Theo bản án sơ thẩm, do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt nên PVN chuyển sang đầu tư mua cổ phần của Oceanbank. Thực hiện chủ trương của ông Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp vốn tổng số tiền 800 tỷ đồng vào nhà băng này.

Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, Oceanbank hoạt động không hiệu quả, âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi ngân hàng Đại Dương bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.

Tòa sơ thẩm xác định nguyên nhân PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các đồng phạm. Ngoài ra, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Do đó, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức bồi thường 15 tỷ đồng mỗi người.

Bị cáo vụ Đinh La Thăng: Mất 800 tỷ không phải lỗi của PVN

Trả lời HĐXX, các bị cáo nguyên thành viên HĐTV PVN cho rằng Tập đoàn dầu khí mất 800 tỷ góp vốn là do năng lực yếu kém của lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương.


Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm