Dòng phim hoạt hình Trung Quốc từng có một "trang sử rực rỡ" với những cái tên như Where is Mama (1960), Havoc in Heaven (Đại náo thiên cung, 1965).
Thế nhưng sau đó, phim hoạt hình Trung Quốc bắt đầu xuống dốc do không bắt kịp xu hướng thị trường và thị hiếu khán giả. Một cuộc khảo sát lúc bấy giờ cho thấy 90% phim hoạt hình giới trẻ Trung Quốc yêu thích là sản phẩm do nước ngoài "xuất xưởng".
Phải đến những năm gần đây, phim hoạt hình Trung Quốc mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Cùng với đó, những kịch bản võ thuật "thất thế" tạo cơ hội cho sự hồi sinh của dòng phim này.
Những thành công liên tiếp
Trở về mùa hè năm 2019, màn ảnh nhỏ Trung Quốc chứng kiến "cú nổ" mang tên Na Tra: Ma đồng giáng thế - dự án phim hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ huyền thoại về nhân vật Na Tra trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa.
Bộ phim có màn chốt sổ ấn tượng với doanh thu 4,97 tỷ NDT (755 triệu USD), vượt qua bom tấn giả tưởng Lưu lạc địa cầu để trở thành phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử phòng vé xứ tỷ dân. Trên trang Douban, dự án do đạo diễn Giảo Tử "cầm trịch" được chấm 8,4/10 điểm chất lượng, với gần 1,6 triệu lượt đánh giá.
Tân Hoa Xã ngợi ca Na Tra: Ma đồng giáng thế là "niềm tự hào của Trung Quốc". Giới bình luận phim nhận định "cú nổ" của Na Tra: Ma đồng giáng thế đánh dấu thời kỳ phục hưng của phim hoạt hình xứ tỷ dân.
Na Tra: Ma đồng giáng thế là bộ phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử phòng vé xứ tỷ dân. |
Đến 2020, dự án về Khương Tử Nha - một nhân vật thần thoại khác thuộc Phong thần diễn nghĩa nối dài chuỗi dấu ấn của dòng phim hoạt hình Trung Quốc trên đấu trường doanh thu.
Ra mắt vào dịp Quốc khánh, Khương Tử Nha ghi nhận doanh thu phòng vé đạt 145 triệu NDT (22,18 triệu USD) trong 24 giờ, nắm giữ kỷ lục doanh thu ngày đầu công chiếu đối với dòng phim hoạt hình tại đất nước tỷ dân.
Sau 2 tháng "lên kệ", bom tấn của bộ đôi đạo diễn Lý Vỹ và Trình Đằng "bỏ túi" tổng cộng 1,602 tỷ NDT (245 triệu USD) theo số liệu của Maoyan. Con số này giúp Khương Tử Nha trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới trong năm 2020.
Theo ông Lý Hào Lăng - người sáng lập của công ty hoạt hình Haoliners Animation League, thực tế, hoạt hình Trung Quốc đã bắt đầu khởi sắc từ năm 2015, với mở màn là thành công của Monkey King: Hero is Back (Tây du ký: Đại Thánh trở về).
Ra mắt năm 2015, Monkey King: Hero is Back đạt doanh thu 153 triệu USD. |
Phát hành vào mùa hè năm 2015, bộ phim của đạo diễn Điền Hiểu Bằng đạt doanh thu 153 triệu USD. Con số này giúp Monkey King: Hero is Back trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc, trước khi bị Zootopia và Kung Fu Panda 3 "vượt mặt".
Kể từ đó, mỗi năm Trung Quốc lại "cho ra lò" những tác phẩm hoạt hình đáng chú ý.
Năm 2016, Big Fish & Begonia - bộ phim lấy ý tưởng từ một điển tích trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử thời Chiến Quốc thu về 565 triệu NDT, sau đó được Netflix mua bản quyền.
Năm 2017, The Guardian nhận giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Lễ trao giải Kim Mã lần thứ 54 và China Film Director's Guild Awards lần thứ 9. The Wind Guardians (2018) cũng được vinh danh ở hạng mục này tại Lễ trao giải Kim Kê lần thứ 32.
Không chỉ thất bại trên đấu trường doanh thu, chất lượng nội dung và kỹ xảo của Tước tích bị chê bai nặng nề. |
Quay về với năm 2021, Tân Phong Thần bảng: Na Tra trùng sinh ra mắt vào dịp Tết Tân Sửu cùng với Thám tử phố Tàu 3, Xin chào Lý Hoán Anh. Tuy nhiên, do số suất chiếu ít, tác phẩm không thể cạnh tranh với các bom tấn khác. Sau 10 ngày công chiếu, phim đạt doanh thu hơn 300 triệu NDT (hơn 46 triệu USD).
"Lép vế" trên đấu trường doanh thu, tác phẩm của nhà sản xuất Lộ Hi lại được đánh giá cao về chất lượng. Trên trang Douban, phim ghi nhận 7,3/10 điểm - con số đủ để đoàn làm phim tự hào.
Thế nhưng, không phải dự án hoạt hình nào cũng ghi dấu ấn. Tước tích có sự góp mặt của Phạm Băng Băng, Ngô Diệc Phàm, Trần Vỹ Đình, Trần Học Đông là một ví dụ.
Ra mắt năm 2016, bộ phim hành động hoạt hình của Quách Kính Minh chỉ thu về 58 triệu USD, một con số quá khiêm tốn so với vốn đầu tư xấp xỉ 31 triệu USD. Trên trang đánh giá Douban, bộ phim nhận 3,8/10 điểm đánh giá chất lượng.
Dẫu vậy, về cơ bản, không thể phủ nhận dòng phim hoạt hình kỹ xảo Trung Quốc đã "có tiếng nói" sau hàng chục năm trầm lắng.
Vì sao thắng thế?
Yếu tố đầu tiên làm nên thành công của Tây du ký: Đại Thánh trở về, Na Tra: Ma đồng giáng thế hay Khương Tử Nha nằm ở sự "mát tay" của đội ngũ kỹ xảo. Theo Beijing Times, sự tham gia của nhân lực đồ họa Hollywood đảm bảo chất lượng về mặt hình ảnh cho cả ba dự án phim.
Với 5 năm "thai nghén", Na Tra: Ma đồng giáng thế có tổng cộng hơn 5.000 khung hình, với sự "góp sức" của hơn 1.600 nhân viên. Sau đó, đạo diễn chọn ra hơn 2.000 khung hình để công chiếu. Số lượng cảnh quay phải xử lý kỹ xảo trong bộ phim là 1.318 cảnh, chiếm 80% của phim, do hơn 20 công ty đồ họa máy tính thực hiện.
Kỹ xảo mượt mà, tự nhiên là "điểm cộng" của Khương Tử Nha. |
Tổng số cảnh quay của Khương Tử Nha không kém cạnh với 1.851 cảnh, đồ hoạ kỹ xảo phức tạp 1.300 cảnh, chiếm 70% tổng số phân cảnh. Trong đó, 179 cảnh hiệu ứng đặc biệt với độ khó cao, 100 cảnh độ khó thấp.
Không có những phân cảnh sặc sỡ, đa sắc thái, giàu chi tiết như cách những bộ phim hoạt hình thường làm. Tất cả được phối kết một cách hài hòa, đồng điệu và đẹp mắt đến từng khung hình. Tạo hình nhân vật, bối cảnh được tối giản, sử dụng màu sắc cũng tiết chế. Chính điều này giúp Na Tra: Ma đồng giáng thế hay Khương Tử Nha lập nhiều kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử phim hoạt hình xứ tỷ dân.
Cùng với đó, những phá cách về nội dung giúp dòng phim hoạt hình thu hút khán giả.
Trong Na Tra: Ma đồng giáng thế, các nhà làm phim đã phá vỡ nhân vật truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của người dân bằng hình ảnh Na Tra mới mẻ với vành mắt đen xì, mũi tẹt, răng cửa thưa to cùng điệu bộ nhét tay túi quần, ăn nói ngông nghênh.
Câu chuyện trong phim cũng được thay mới. Không có những chi tiết bóc thịt trả mẹ, đại náo long cung mà nội dung là những ngày tháng Na Tra bị bạn bè trêu chọc, ghẻ lạnh nhưng vẫn muốn được mọi người công nhận, muốn hòa đồng với bằng hữu. Các nhân vật như Ngao Bính, Lý Tịnh, Ân thị, Thân Công Báo cũng đều mang lại nét mới lạ, trở nên gần gũi hơn với khán giả, đem lại những bài học nhân văn sâu sắc.
Cải biên sáng tạo giúp phim hoạt hình Trung Quốc thu hút khán giả. |
Sự trưởng thành về mặt kỹ xảo cùng nhiều cải biên thú vị giúp dòng phim hoạt hình Trung Quốc thổi "làn gió mới" vào một nền điện ảnh đang đòi hỏi sự sáng tạo.
Những năm gần đây, khán giả không còn mặn mà với dòng phim võ thuật. Điều này thôi thúc các nhà làm phim Trung Quốc phải tìm hướng đi mới. Hoạt hình kỹ xảo là một sự thế chỗ vừa vặn.
Phim võ thuật "thất thế" tạo cơ hội cho sự hồi sinh của dòng phim hoạt hình tại xứ tỷ dân. |
Trả lời phỏng vấn Animation World Network, Trương Xuân - người đàn ông đứng sau thành công của Big Fish & Begonia cho hay ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc có nhiều tiềm năng phát triển, ít nhất là ở thị trường trong nước. Hiện, giới làm phim xứ Trung đang nỗ lực trong việc đào tạo và tìm kiếm nhân lực để đẩy mạnh sản xuất các bộ phim hoạt hình kỹ xảo.