Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim kinh điển của Quentin Tarantino chiếu kỷ niệm 20 năm

Đêm 23/5, bộ phim “Pulp Fiction” đã có buổi chiếu đặc biệt kỷ niệm 20 năm tại LHP Cannes và nhân đây, vị đạo diễn kỳ tài của Hollywood đã có nhiều chia sẻ hết sức thú vị.

Mặc dù không có phim tranh giải tại Liên hoan phim Cannes 2014, Quentin Tarantino vẫn là tiêu điểm trên các mặt báo quốc tế trong ngày 24/5. Đêm qua, bộ phim kinh điển Pulp Fiction của ông vừa có buổi chiếu kỷ niệm 20 năm lần đầu tiên ra mắt cũng tại LHP Cannes. Tại Cannes 1994, Pulp Fiction đã giành giải thưởng Cành cọ vàng danh giá và sau đó trở thành bộ phim cách mạng của Hollywood trong thập niên 1990. Quentin Tarantino đã chia sẻ rằng Cành cọ vàng tại LHP Cannes 20 năm trước chính là giải thưởng điện ảnh mà ông nâng niu và coi trọng nhất trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của bản thân.

Đạo diễn Quentin Tarantino (trái) và cùng dàn sao từng làm nên thành công của Pulp Fiction tại LHP Cannes 20 năm về trước.

Nhân dịp này, một buổi chiếu đặc biệt của Pulp Fiction đã được tổ chức trên bãi biển của Cannes, với sự tham gia của vị đạo diễn, hai diễn viên Uma Thurman và John Travolta và nhà sản xuất Lawrence Bender. Một điểm thú vị nữa của buổi chiếu khi Pulp Fiction là bộ phim duy nhất được trình chiếu dưới định dạng phim nhựa 35mm tại Cannes 2014 bởi Quentin Tarantino có cách nhìn nhận không mấy thiện cảm với công nghệ quay và chiếu phim kỹ thuật số.

Vị đạo diễn cho biết: “Đối với tôi, máy chiếu kỹ thuật số và các DCP là cái chết dành cho điện ảnh… Chúng chỉ đơn thuần là chiếc máy vô tuyến trong điện ảnh mà thôi… Tôi hy vọng rằng các thế hệ làm phim tiếp theo sẽ tiệm cận đến thứ điện ảnh đích thực. Trước đây, để quay phim thì tối thiểu nhất tôi cũng cần đến máy quay 16 mm. Đó là một điều hết sức khó khăn. Chính bởi khó khăn ấy mà các nhà làm phim giờ đây chỉ toàn sử dụng các thể loại máy móc kỹ thuật số và cho ra đời những bộ phim rác rưởi. Tôi hy vọng rằng những thế hệ làm phim tiếp theo sẽ trở về với ánh hào quang của những ngày xưa cũ”.

Vị đạo diễn kỳ tài nổi tiếng với những bộ phim độc đáo và những lời phát ngôn hết sức thẳng thắn, trực diện.

Khi được hỏi tại sao ông không sử dụng phần nhạc nền được sáng tác riêng cho phim của mình, Quentin Tarantino đã thẳng thắn trả lời rằng: “Tôi không muốn thuê một nhà soạn nhạc mà tôi chưa từng gặp mặt rồi tin tưởng họ có thể tạo nên linh hồn cho bộ phim của tôi. Khi tôi làm phim, tôi không tin tưởng ai nhiều đến mức như vậy… Tôi không muốn chờ đợi người khác đến giao linh hồn của đứa con tinh thần. Tôi mới là người lựa chọn linh hồn cho đứa con tinh thần đó”.

Tiếp đó, Quentin Tarantino cũng chia sẻ về thói quen xem lại phim do chính ông thực hiện. Ông không thể hiểu nổi tại sao nhiều nhà làm phim lại không thích xem lại tác phẩm của bản thân. Ông mỉa mai: “Nếu phim mà bạn làm ra dở đến mức ngay cả bản thân còn không muốn xem thì tốt nhất hãy dừng ngay việc làm phim lại đi”.

Quentin Tarantino muốn đem đến cho khán giả một phiên bản đầy đủ hơn của Django Unchained. Bộ phim đã đem về cho ông tượng vàng Oscar tại hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc hồi năm 2013.

Cũng tại LHP Cannes năm nay, Quentin Tarantino đã tiết lộ về khả năng biến tác phẩm Django Unchained đình đám hồi năm 2012 của ông thành một mini-series dài 4 tiếng. Phiên bản điện ảnh được phát hành trước đó gói gọn trong 2 tiếng 45 phút và có rất nhiều cảnh quay được ông thực hiện một cách tâm huyết sau đó đã phải bị lược bỏ. Thế nên, Quentin Tarantino rất muốn đem đến cho khán giả một Django Unchained đầy đủ và hoàn hảo nhất, theo đúng nhãn quan của ông.

LHP Cannes 2014 đã bước đến những ngày cuối cùng và Quentin Tarantino sẽ là người chủ trì buổi chiếu bản phục chế bộ phim kinh điển A Fistful of Dollars (1964) của bậc thầy Sergio Leone tại hoạt động được coi là sẽ khép lại toàn bộ sự kiện điện ảnh danh giá nhất thế giới năm nay. Trên thực tế, Sergio Leone chính là đạo diễn có nhiều tác động nhất tới lối tư duy điện ảnh và cách làm phim trong suốt sự nghiệp của Quentin Tarantino. Dự án mới mà Tarantino đang ấp ủ có tựa đề The Hateful Eight cũng được cho là chịu ảnh hướng lớn từ nhà làm phim bậc thầy người Ý.

Hoài Thu (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm