Phim làm lại - trào lưu hết thời của màn ảnh Hoa ngữ
Dù các phim làm lại tác phẩm kinh điển, ăn khách bị "ném đá" , nhưng các nhà làm phim vẫn thi nhau làm.
Nổ ra rầm rộ từ 3 năm trước, dường như trào lưu làm lại phim cũ vẫn chưa nguội lạnh trên màn ảnh Hoa ngữ. Hàng loạt tác phẩm kinh điển, từ cổ trang đến hiện đại, từ nước nhà đến nước ngoài đều được các nhà làm phim nhiệt tình làm đi làm lại. Điều đáng buồn là hầu như các tác phẩm làm lại đều bị "ném đá tơi tả" và hiếm có tác phẩm nào vượt qua được cái bóng của đàn anh. Nhưng hay ho ở chỗ, dù bị "ném đá" nhiệt tình nhưng phim vẫn... ăn khách và vì ăn khách nên dù bị chửi, các nhà làm phim Hoa ngữ vẫn thi nhau làm.
Từ đâu trào lưu làm lại phim cũ bùng nổ?
Không thể phủ nhận Hoa ngữ là một thị trường điện ảnh đồ sộ với nhiều thế mạnh riêng. Trước khi khoa học công nghệ tân tiến được áp dụng vào làm phim, nền điện ảnh xứ này đã gây ấn tượng cho khán giả toàn châu Á với nhiều tác phẩm kinh điển, đặc biệt là thể loại cổ trang. Thế nhưng, sau nhiều năm, dường như ý tưởng của các nhà làm phim đã dần cạn kiệt, các điển tích điển cố, sự kiện lịch sử, rồi tiểu thuyết kiếm hiệp đều đã được "trưng dụng". Quyển sách đã đọc đến cuối, nếu vẫn muốn tiếp tục thì chỉ còn cách lật lại và thế là các trang sách nổi bật cứ thế bị lật đi giở lại nhiều lần.
Poster Tân hồng lâu mộng. |
Poster Tân Hoàn Châu cách cách. |
Poster Tân Tam Quốc. |
Poster Tân tây du ký. |
Poster Tân thiên long bát bộ. |
Không chỉ có cái lợi về đề tài sẵn có, các tân bản còn có lợi thế nổi tiếng trước khi ra mắt. Chẳng cần nhiều chiêu trò PR, các tác phẩm này cũng thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả vì gắn liền với những cái tên kinh điển. Điều này đánh trúng vào tâm lý tò mò của phần đông "thượng đế", bởi nhiều người xem phim đơn giản chỉ vì hiếu kỳ không biết tân bản của bộ phim mình yêu thích sẽ như thế nào. Thành ra, các nhà làm phim đỡ phải tốn công với bước tiếp cận khán giả mà rating vẫn cứ cao ngất ngưởng.
Những chiêu trò các nhà làm phim dùng để câu khách
Khi đã quyết định làm tân bản, các nhà làm phim cũng phải có một số chiêu trò riêng nhất định cho tác phẩm, không thể copy hoàn toàn tác phẩm trước. Những "chiêu" thường thấy ở màn ảnh Hoa ngữ chính là dàn diễn viên ấn tượng, phần nhìn được đầu tư kỹ lưỡng không chỉ ở ngoại cảnh, tạo hình diễn viên mà còn ở kỹ xảo, công nghệ, nội dung được "thêm mắm dặm muối"... Điều này có thể thấy rõ qua các tác phẩm như Tân tây du ký (2011), Tân Hoàn Châu cách cách (2011), Tân Thủy Hử (2010), Tân tiếu ngạo giang hồ (2013)...
Bên cạnh đó, để tăng thêm hiệu ứng rating, nhiều nhà làm phim còn mạnh bạo thêm vào vô số cảnh nóng và những phân đoạn tình cảm mùi mẫn của các cặp nam thanh nữ tú. Tân thủy hử, Tân hồng lâu mộng, Tân Hoàn Châu cách cách là những bộ phim điển hình sử dụng "triệt để" biện pháp câu rating này. Ngay đến cả tân bản Tây du ký tưởng như không thể "nóng" ở chỗ nào được cũng vẫn khiến khán giả "phát sốt" với cảnh phòng the của Trư Bát Giới và những màn khoe cơ của Đường Tăng.
Cảnh nóng trong Tân thủy hử. |
Màn động phòng của Trư Bát Giới trong Tân tây du ký. |
Ngoài ra, diễn viên cũng là một "quân bài" lợi hại để câu khách. Không chỉ lựa chọn dàn diễn viên lung linh trẻ đẹp, các đạo diễn còn mượn một vài gương mặt cũ trong phiên bản trước về góp vui hoặc "rinh" hẳn diễn viên nước ngoài về cho... phong phú. Không chỉ thế, các nhà làm phim còn không ngại thu hút sự chú ý bằng các phát ngôn gây sốc trước khi tác phẩm ra mắt như khoe kinh phí đầu tư cao lại đến tác phẩm chất lượng, thậm chí có người còn mạnh dạn tuyên bố tân bản sẽ hay hơn cả bản cũ.
Lâm Tâm Như làm khách mời trong Tân Hoàn Châu cách cách. |
Park Shin Hye làm khách mời trong You're beautiful bản Đài. |
Tại sao các "tân bản" thường bị "ném đá"?
Dù có được đầu tư kỹ lưỡng thế nào, dàn diễn viên lung linh ra sao, các tân bản vẫn không thể thoát khỏi số phận bị "ném đá". Nguyên nhân lớn nhất có lẽ chính là do cái bóng quá lớn của phiên bản cũ đã in đậm vào tâm trí khán giả khiến họ không thể tiếp nhận phiên bản mới. Sau khi bị mổ xẻ chán chê và đặt lên bàn cân với phiên bản cũ, các tân bản thường nhanh chóng nhận vô số lời chỉ trích từ các "thượng đế" với hàng tỷ lý do: nội dung thay đổi quá nhiều làm biến dạng nguyên tá, diễn viên không phù hợp (không đủ lung linh hay không diễn tả được cái thần của nhân vật), tạo hình lố lăng...
Đơn cử, Tân tây du ký vì muốn "thật" hơn mà bị khán giả chỉ trích là phim giống như vườn thú; Tân Hoàn Châu cách cách tạo quá nhiều trở ngại cho chuyện tình Ngũ A Ca - Tiểu Yến Tử khiến tình yêu của 2 người phức tạp và không trọn vẹn; Tân Tiếu ngạo giang hồ lại bị "hứng đá" vì tạo hình sặc sỡ như... vẹt; Tân thiên long bát bộ bị phê bình vì nhân vật nam chính nhìn như... ăn mày...
Chàng tây Benjamin đột ngột xuất hiện trong Tân Hoàn Châu cách cách khiến mối tình Tiểu Yến Tử - Ngũ A Ca càng thêm phức tạp. |
Tạo hình của Tân Tiếu ngạo giang hồ bị chê sặc sỡ giống vẹt. |
Tiêu Phong của Tân thiên Long bị chê giống ăn mày. |
Trong đó, lỗi tai hại nhất mà các tân bản thường mắc phải chính là việc thay đổi nguyên tác. Xuất phát từ mong muốn bộ phim sẽ khác lạ hơn so với bản cũ nhưng sức sáng tạo quá đà của các nhà làm phim thường đưa tác phẩm đi xa hơn họ tưởng tượng, khiến cho khán giả không "đỡ" nổi. Ví dụ như, Tân thủy hử "hồn nhiên" thay đổi cả lịch sử; Tân Tiếu ngạo giang hồ thì biến Đông Phương Bất Bại từ nửa nam nửa nữ thành nữ 100% và đem lòng yêu Lệnh Hồ Xung; Tân thiên long bát bộ cho 2 chị em A Châu - A Tử thành cặp song sinh... Bên cạnh đó, các chiêu câu khách bằng cảnh nóng cũng trở thành thứ gây “chướng mắt” với những khán giả yêu phim chân chính.
Đông Phương Bất Bại đột nhiên thành nữ chính trong Tân Tiếu ngạo giang hồ. |
Tân Hoàn Châu cách cách bị chỉ trích là bội thực cảnh hôn. |
Làm lại tác phẩm kinh điển liệu có phải một bước đi đúng đắn?
Xét một cách khách quan, trào lưu làm lại phim cũ mang đến sự phong phú hơn cho nền điện ảnh Hoa ngữ. Những tác phẩm kinh điển khi xưa có nguy cơ bị "lỗi mốt" bởi kỹ thuật làm phim kém và tạo hình quê mùa hoàn toàn có thể trở nên hiện đại và phù hợp với thế hệ trẻ hơn bởi các tân bản. Bên cạnh đó, các fan ruột của phim cũng có cơ hội được gặp lại những nhân vật mình yêu thích trong diện mạo mới và những chi tiết khác lạ.
Cảnh trong Tân Hoàn Châu cách cách. |
Tuy nhiên, trào lưu này khi bùng nổ quá mạnh mẽ lại dễ gây nhàm chán cho khán giả, khiến nền điện ảnh quanh đi quẩn lại chỉ có mấy tác phẩm hết xào đi lại nấu lại. Giờ đây, dường như các khán giả chẳng còn mấy hứng thú hay ngạc nhiên khi nghe tin một tác phẩm nổi tiếng nào đó sắp được làm lại, thậm chí nhiều fan tiêu cực còn tỏ rõ thái độ nghi ngờ, liệu có phải một "thảm họa" mới lại sắp ra đời. Phải chăng, các nhà làm phim nên bước chậm lại hoặc tạm nghỉ trong trào lưu này để tránh đưa nền điện ảnh Hoa ngữ đi vào một ngã rẽ xáo mòn?
Theo Đất Việt