Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim tài liệu về người tù kêu oan gây sốt ở Mỹ

Loạt phim tài liệu 10 tập “Making a Murderer” trên kênh Netflix, xoay quanh lời kêu oan của Steven Avery, hiện là đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng Internet của người Mỹ.

Năm 1985, Steven Avery - một công dân tại hạt Manitowoc, bang Wisconsin bị chính quyền bắt giữ vì tội hiếp dâm. Bất chấp lời kêu oan từ Avery và bằng chứng ngoại phạm được cung cấp từ phía gia đình, anh phải ngồi tù trong 18 năm trời.

Nạn nhân vụ án, Penny Beerntsen, xác nhận Avery từ những bức ảnh do cảnh sát đưa ra. Còn đội khám nghiệm hiện trường phát hiện thấy một cọng tóc của anh trên áo cô gái.

Hình ảnh Steven Avery khi bị bắt giữ năm 1985 vì tội hiếp dâm. Sau 18 năm, anh mới được giải oan. Ảnh: Netflix

Sau gần hai thập kỷ, Steven Avery mới được giải tội sau khi kết quả xét nghiệm DNA cho thấy cọng tóc trên người nạn nhân thuộc về Gregory Allen - một tên tội phạm liên bang có bề ngoài rất giống với anh.

Penny Beerntsen sau này tiết lộ cô đã gửi lời xin lỗi tới Avery và anh chỉ trả lời rằng: “Ổn rồi, Penny. Mọi chuyện qua rồi”. Nạn nhân chia sẻ với trang The Marshall Project thêm rằng: “Tôi cảm thấy bối rối bởi mình là người duy nhất lên tiếng xin lỗi Steve. Tôi cho rằng thanh tra và cảnh sát trưởng cũng cần phải có lời với anh ấy. Giờ tôi như kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ sự việc”.

Nhưng mọi chuyện chưa hết với Steven Avery. Sau khi ra tù năm 2003, anh đâm đơn kiện hạt Manitowoc do đã giam cầm anh sai trái và nhận được 400.000 USD tiền bồi thường. Để rồi chỉ hai năm sau, anh lại bị bắt vì cái chết của nhiếp ảnh gia xe hơi Teresa Halbach - cô gái từng tới thăm xưởng ôtô của gia đình Avery.

Nhưng sau khi được giải oan và bồi thường vì vụ án hiếp dâm oan sai năm 1985, Steven Avery tiếp tục vướng vào vòng lao lý bởi một vụ án mạng khác. Ảnh: Netflix

Chiếc Toyota RAV4 của Halbach được tìm thấy tại bãi xe nhà Avery. Trên xe, người ta phát hiện rất nhiều máu, trong đó có của cả Steven. Bên ngoài căn nhà di động của anh là rất nhiều mảnh mô, xương người và kết quả xét nghiệm DNA cho thấy chúng thuộc về Halbach.

Brendan Dassey - cậu cháu trai 16 tuổi của Steven Avery, thú nhận với nhà chức trách rằng mình đã tiếp tay cho chú cưỡng hiếp và giết hại Teresa Hallbach. Hai người đàn ông ngay lập tức bị bắt giữ và kết án tù chung thân. Nhưng rồi Dassey rút lại lời khai, còn Avery khăng khăng rằng mình đã bị vu oan giá họa bởi chính quyền - những người giận dữ khi phải bồi thường cho anh vì vụ án hiếp dâm oan năm xưa.

Bộ phim tài liệu Making a Murderer chỉ ra nhiều khuất tất trong quá trình điều tra của chính quyền. Ảnh: Netflix

Từ lời kêu oan đó, hai đạo diễn Laura Ricciardi và Moira Demos bỏ ra mười năm trời để thu thập thông tin từ nhiều phía, nhằm thực hiện 10 tập phim tài liệu Making a Murderer cho kênh Netflix. Tác phẩm đem đến cho người xem hàng loạt thông tin ủng hộ giả thuyết của Avery. Chẳng hạn như việc Dassey vốn là một người có IQ thấp, bị thẩm vấn mà không có sự xuất hiện của mẹ và thậm chí có biểu hiện đã bị mớm cung.

Giờ có rất nhiều khán giả tin rằng cảnh sát hạt Manitowoc đã quá vội vàng, hay thậm chí tạo dựng bằng chứng để gán tội cho Avery. Song, cũng có không ít ý kiến ủng hộ chính quyền. Như cựu luật sư liên bang Ken Kratz cho rằng hai đạo diễn Laura Ricciardi và Moira Demos chỉ đưa vào Making a Murderer những thông tin và bằng chứng có lợi cho Steven Avery.

Để đáp trả, hai tác giả cho biết một thành viên bồi thẩm giấu tên của vụ án giết người đã gọi cho họ, bởi người đó tin vào sự trong sạch của Avery, nhưng vì một lý do nào đó mà cảm thấy sợ hãi, không dám nói lên sự thật.

Sau khi toàn bộ loạt phim lên sóng, những tranh cãi vẫn xảy ra liên miên. David Harsanyi, biên tập viên lâu năm của tờ The Federalist, mới đây có bài viết Making a Murderer: Steven Avery có tội rành rành. Còn Robert Hermann - cảnh sát trưởng hạt Manitowoc, tuyên bố ông tin rằng công lý đã được thực thi.

Loạt phim gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới công chúng. Ngay cả hai luật sư bào chữa cho Avery cũng nhận được nhiều cảm tình từ cư dân mạng. Ảnh: Kristen Bell

Nhưng sức mạnh của Internet là không thể xem nhẹ. Hai luật sư bào chữa Dean Strang và Jerome Buting giờ trở thành người hùng trong mắt cư dân mạng nước Mỹ, nhận được rất nhiều lời cổ vũ và hâm mộ (trong đó có cả nữ diễn viên Kristen Bell). Trên Reddit và các diễn đàn, mạng xã hội, người ta truyền nhau thông tin về vụ án của Steven Avery, nhằm cố gắng tìm ra sự thật phía sau tất cả.

Khán giả của Making a Murderer còn cùng nhau ký đơn thỉnh cầu ân xá cho Steven Avery và Brendan Dassey trên trang We The People của chính phủ Mỹ. Được khởi động từ ngày 20/12/2015, lá đơn tới nay thu được gần 130.000 chữ ký. Theo luật, Nhà Trắng sẽ phải có câu trả lời chính thức nếu đơn thỉnh cầu chạm mức 100.000 lượt chữ ký.

Tuy nhiên, tuyên bố trong ngày 8/1 của Nhà Trắng hẳn khiến không ít người thất vọng. Theo hiến pháp nước Mỹ, Tổng thống Obama không thể ra lệnh ân xá cho các phạm nhân tiểu bang như Steven Avery hay Brendan Dassey. Như thế, con đường tìm kiếm sự thật đằng sau vụ sát hại Teresa Halbach, cũng như liệu Avery có thực sự bị oan hay không, hiện vẫn còn rất dài.

Tuấn Lương

Bạn có thể quan tâm