Doanh thu phim Tết không như ý
Cho đến thời điểm này, chỉ mới có 2 phim công bố doanh thu. Cô dâu đại chiến 2 đạt gần 40 tỷ đồng (tính đến mùng năm Tết), thu hút hơn 600.000 lượt khán giả. Năm sau con lại về thu xấp xỉ 30 tỷ đồng sau 3 tuần ra rạp với gần 500.000 lượt người xem. Đây chưa phải là con số cuối cùng vì phim vẫn tiếp tục xếp lịch chiếu tại các hệ thống rạp. Tuy nhiên, so với "tốc độ tăng trưởng" của mùa phim Tết năm ngoái, doanh thu năm nay có vẻ lép vế.
Cô dâu đại chiến 2 đã thu về gần 40 tỷ đồng. |
Doanh thu của Năm sau con lại về xấp xỉ 30 tỷ đồng. |
Mùa phim Tết Giáp Ngọ sắp hạ nêu nhưng 3 bộ phim còn lại gồm Hai Lúa, Cuộc chiến với chằn tinh và Cưới chạy vẫn chưa thấy chính thức công bố doanh thu. Trong những ngày Tết, Hai Lúa vẫn tiếp tục cập nhật thông tin hậu trường làm phim nhưng lại không đả động gì đến kết quả phim ra rạp. Cuộc chiến với chằn tinh được nhận định là phim kém sức hút nhất, nhà sản xuất không muốn công bố con số doanh thu thật. Riêng bộ phim Cưới chạy, một tin hành lang cho biết đã đạt 20 tỷ đồng, song nhiều người am hiểu về thị trường phim Tết không tin vào con số ấy.
Thật ra, có một điều không phải ai cũng biết, doanh thu mà các nhà sản xuất, nhà phát hành công bố là doanh thu ròng, chưa ăn chia với rạp. Thông thường, tỷ lệ ăn chia là 60-40 hoặc 50-50 giữa chủ rạp và nhà phát hành tùy theo "đẳng cấp" rạp và “độ hot” của phim.
Nếu như trước đây, nhà sản xuất Phước Sang luôn mạnh tay tung ra những con số doanh thu khủng để gây sự chú ý thì bây giờ, không nhà sản xuất nào dám làm điều đó. Bởi phim Phước Sang là phim của Phước Sang, của một mình anh, còn hầu hết những tác phẩm phim Tết hiện nay đều do nhiều người cùng bỏ vốn sản xuất nên việc công bố doanh thu luôn cẩn trọng để tránh những lùm xùm không hay khi chia lợi nhuận sau này.
Mùa phim Tết Việt sẽ chết?
Đó là quan tâm của nhiều người khi chứng kiến chất lượng giảm sút của các bộ phim Việt ra rạp tronng mùa phim Tết năm nay.
Cô dâu đại chiến 2 được đánh giá là bộ phim khá nhất, chỉn chu về hình ảnh, thủ pháp dàn dựng hiện đại nhưng lại quá tham lam, ôm đồm nhiều thứ trong một bộ phim có thời lượng khoảng 90 phút nên chủ đề bị loãng. Hội Quả phụ áo đen tưởng sẽ gây sốc, nhưng kết quả lại mờ nhạt.
Do chuyển thể từ kịch nói nên Năm sau con lại về có nội dung đơn giản, không nhiều gút thắt mở, việc huy động dàn diễn viên hài đến tung hứng không tạo hiệu quả vì nghiêng về lối diễn hình thể sân khấu. Danh hài Hoài Linh được o bế cho vai Sáu xe ôm nhưng diễn xuất của anh không có gì mới.
Don Nguyễn, Phương Mỹ Chi và nghệ sĩ Thanh Nam trong phim Hai Lúa. |
Bộ phim Hai Lúa gặp trục trặc ở khâu kiểm duyệt, bản phim ra rạp hơi gượng ép, ngoài nghệ sĩ Thanh Nam vẫn rất chân chất khi đảm nhận vai Hai Lúa thì những diễn viên còn lại đều không vượt qua cái bóng của mình, kể cả Trấn Thành. Việc dùng ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi để quảng bá phim rất hiệu quả ban đầu, song lại làm khán giả thất vọng khi em xuất hiện rất ít, gần như không thể gọi là diễn xuất.
Dàn diễn viên trong phim Cuộc chiến với chằn tinh. |
Cuộc chiến với chằn tinh được ghi nhận ở sự cố gắng của ê-kíp làm phim trẻ, song cách kể chuyện quá cũ, kỹ thuật hình ảnh 3D có tiến bộ nhưng vẫn lạc hậu khi khán giả đã no nê với những siêu phẩm hoành tráng đến từ Hollywood, Trung Hoa.
Độc quyền Việt Hương, do đó bộ phim Cưới chạy là sàn diễn để nữ danh hài này quậy tưng trong một câu chuyện bị khán giả chê nhạt, là sự lắp ghép của nhiều mảng miếng tấu hài quen thuộc trên sân khấu.
Poster phim Cưới chạy. |
Vất vả lắm màn ảnh Việt mới hình thành một mùa phim rộn ràng, xôm tụ. Nhìn lại chặng đường 10 năm đã qua, không ít người nghi ngờ sự "trường sinh" của phim Tết khi chất lượng giảm dần. Sự dễ dãi, đánh giá sai thị hiếu đã ảnh hưởng đến hình ảnh lành mạnh của những bộ phim được chọn chiếu trong dịp Tết. Mặc dù doanh thu luôn cao, năm sau nhiều hơn năm trước nhưng điều đó không đồng nghĩa với niềm tin vào sự phát triển của điện ảnh Việt. Nếu cứ tiếp tục như thế, mùa phim Tết sẽ chết!