Thể loại: Hài hước, lãng mạn
Đạo diễn: Prueksa Amaruji
Diễn viên: Peach Pachara, Minnie Phantira
Đánh giá: 6/10
(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Bệnh viện không phải là bối cảnh lãng mạn để bắt đầu một câu chuyện tình. Thế nhưng, Diaw (Peach Pachara) lại gặp được “nửa kia” của mình ngay tại nơi ít có cặp đôi nào dám hẹn hò.
Làm nghề biên kịch, Diaw đang loay hoay chưa biết xử lý kịch bản cuốn phim mới ra sao, lại còn phải mất nhiều thời gian chăm sóc mẹ đau ốm. Khi mọi thứ tưởng chừng bế tắc, nhân vật bất ngờ gặp Bua (Minnie Phantira) tại bệnh viện và nhanh chóng được cô nàng truyền năng lượng. Từ đó, một mối tình vừa ngọt ngào vừa dễ thương bắt đầu chớm nở, nhưng khán giả lại được thưởng thức đến 5 câu chuyện tình.
Chuyện tình của người viết chuyện tình
Mình yêu nhau đi! (Tựa quốc tế: Happy Ending) được thực hiện dưới dạng phim hợp tuyển (anthology). Kịch bản đan xen 4 mẩu chuyện với các nhân vật khác nhau, nội dung khác nhau. Trong đó, Diaw và Bua đóng vai trò là người kể chuyện.
Hai nhân vật chính Diaw (Peach Pachara) và Bua (Minnie Phantira) bắt đầu gặp nhau tại bệnh viện. Sau đó, anh ngồi kể cho cô nghe những câu chuyện tình. |
Khán giả yêu thể loại rom-com (hài, lãng mạn) có thể dễ dàng chỉ ra nhiều tác phẩm Hollywood cùng hướng đi như New York, I Love You (2008), Love & Distrust (2010), Berlin, I Love You (2009),… Tại Việt Nam cũng từng có dự án tương tự, lồng ghép nhiều câu chuyện tình yêu là Sài Gòn Anh Yêu Em (2016) của đạo diễn Lý Minh Thắng. Tuy nhiên, với người hâm mộ điện ảnh Thái thì đây vẫn là một món ăn khá lạ vị.
Như nhiều phim rom-com khác, hai nhân vật chính được xây dựng theo mô-típ tính cách đối lập. Diaw sống nội tâm, có phần rụt rè và ít nói. Anh gây ấn tượng với phần tạo hình hơi xuề xòa, cho thấy cuộc sống đang rối rắm.
Ngược lại, Bua luôn sáng bừng mỗi khi xuất hiện trước khung hình. Là giáo viên dạy piano, niềm yêu thích nghệ thuật giúp nhân vật luôn có những góc nhìn tích cực về cuộc sống. Không chỉ thay đổi thế quan của Diaw, cô dần chiếm trọn trái tim chàng trai ngay cả khi họ chỉ ở bên nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Dù là người sáng tạo những câu chuyện tình, Diaw lại chẳng mặn mà lắm về chuyện yêu đương. Anh không tin vào tình yêu đích thực và cho rằng “kết thúc có hậu” chỉ có trong chuyện cổ tích. Bua thì ngược lại. Cô luôn cho rằng bất kỳ ai cũng có thể gặp được “chân ái” cuộc đời, miễn là họ quyết tâm.
Từ những người có tính cách đối ngược, họ dần xích lại gần nhau theo mô-típ quen thuộc của phim hài, lãng mạn. |
Tác phẩm do Prueksa Amaruji đạo diễn kiêm biên kịch. Anh là người từng nhào nặn nhiều phim rom-com nổi tiếng như Cô nàng Hạnh phúc (2015), Nam thần xe ôm (2018). Ôm hờ yêu thật (2019),... Do đó, nhà làm phim không gặp nhiều khó khăn khi xử lý các chuyện tình.
Anh luôn tìm cách đan xen nhiều bối cảnh quen thuộc như siêu thị, bệnh viện, công viên hay đường phố Thái Lan để tạo sự tươi mới cho phim. Xuyên suốt tác phẩm, đạo diễn cũng khéo léo lồng ghép nội dung về Covid-19 để tạo đường dây kết nối các câu chuyện. Thông điệp của tác phẩm là ca ngợi tình yêu, tìm thấy vẻ đẹp cuộc sống ngay cả ở những phút tăm tối nhất của cuộc đời.
Kịch bản rối, diễn xuất duyên dáng
Ngoài hai nhân vật chính, 4 câu chuyện tình Diaw kể cho Bua là điểm nhấn của phim. Các câu chuyện dù không giống nhau về nội dung, khác bối cảnh nhưng đều xoay quanh chủ đề tình yêu và cuộc sống của các bạn trẻ.
Đôi lúc, các nhân vật chính không thực sự yêu nhau. Họ chỉ gặp nhau và cho người xem một góc nhìn khác về tình yêu.
Điển hình là câu chuyện đầu tiên. Nội dung kể về Khom (Nat Kitcharit) - một anh chàng sống ở chung cư, nhận lời thách thức của bạn nên tìm cách chinh phục cô gái sống ở chung cư đối diện. Câu chuyện kết thúc bằng cú twist nhẹ nhàng, đồng thời cài cắm thông điệp về lòng tin và giá trị thực sự của tình yêu.
Các câu chuyện trong phim khác nội dung lẫn nhân vật nhưng đều có cùng chủ đề tình yêu. |
Hay câu chuyện thứ ba mang màu sắc siêu thực, kể về Od (Wachirawit Ruangwiwat) - anh chàng shipper tình cờ gặp được cô nàng trong mơ, nhưng hóa ra đó lại là người quen cũ mà anh từng biết trước.
Về cơ bản, cả bốn mẩu chuyện đều rất dễ thương, được phân bố thời gian hợp lý để không khiến khán giả nhàm chán. Nhưng khi đặt vào tổng thể thì lại thiếu sự liên kết. Cách đạo diễn sắp xếp đường dây kịch bản chưa rõ ràng dễ khiến người xem bị rối, không hiểu vì sao từ chuyện tình đầu lại dẫn đến chuyện tiếp theo.
Điều đặc biệt, phim kể về tình yêu nhưng xuyên suốt tác phẩm không có nhiều cảnh lãng mạn, ôm hôn thắm thiết như nhiều phim rom-com khác. Thay vào đó, đạo diễn tập trung vào yếu tố hài hước, gia giảm lời thoại và tình huống gây cười để dẫn dắt các câu chuyện.
Với thời lượng vỏn vẹn chỉ 100 phút, kịch bản không thể khai thác hết tất cả các nhân vật. Một số câu chuyện được kể còn qua loa, hời hợt. Ngay cả số phận hai nhân vật chính cũng chỉ được đề cập thoáng qua nên thiếu chiều sâu.
Một số câu chuyện còn chưa sâu nên không mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. |
Prueksa Amaruji xây dựng tác phẩm theo đúng công thức phim thần tượng với dàn diễn viên toàn sao. Đảm nhận vai chính Diaw là Peach Pachara – nam diễn viên nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm được yêu thích như Rock học trò (2011), Thiếu niên bạc tỷ (2011), series Tuổi nổi loạn (2013-2015),…
Với kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, anh không gặp khó khăn khi hóa thân chàng biên kịch sầu đời. Đáng tiếc là đất diễn của Peach Pachara khá ít ỏi, khiến anh không thực sự tỏa sáng như trong nhiều tác phẩm khác.
Trái lại, Minnie Phantira có màn “lột xác” hoàn toàn so với lần xuất hiện trong Girl From Nowhere 2 (2021). Thay vì mang đến hình ảnh tăm tối, diễn viên sinh năm 2000 thổi vào từng khung hình sức sống. Qua hóa thân của Phantira, Bua luôn là cô gái ngọt ngào và thân thiện, đẹp từ gương mặt đến tâm hồn.
Dàn diễn viên phụ cũng giúp tác phẩm trở nên duyên dáng, dễ cảm hơn. Họ đều là những gương mặt quen thuộc với “mọt phim” Thái Lan. Từ “hot girl” Esther Supreeleela (Love Battle), “mỹ nam” Nat Kitcharit (Fast & Feel Love) đến Wachirawit Ruangwiwat (The Gifted) xuất hiện ít ỏi nhưng đều làm sáng khung hình.
Đặc biệt, Sananthachat Thanapatpisal – bạn diễn của Peach Pachara trong Tuổi nổi loạn và Nam thần xe ôm (2018) cũng góp mặt trong một vai nhỏ nhưng khá bất ngờ.
Đằng sau những câu chuyện tình yêu, tác phẩm cũng truyền tải thông điệp về những lựa chọn, ngã rẽ trong cuộc sống, những suy tư của các bạn trẻ giữa đam mê, sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, yếu tố này không sâu sắc nên chưa thực sự để lại nhiều cảm xúc.
Nhìn chung, Mình yêu nhau đi vẫn là một bộ phim nhẹ nhàng và dễ thương, nhưng không quá nổi trội so với các tác phẩm rom-com Thái Lan khác. Kịch bản còn thiếu sáng tạo, các câu chuyện tình vẫn đơn giản và ít sự kết nối. Phim chưa có nhiều cao trào và ít bất ngờ so với cơn sốt Ngược dòng thời gian để yêu anh gần đây.