Phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập thể loại cổ trang
Những câu chuyện lấy bối cảnh thời xưa, khắc họa nhân vật lịch sử có thật hay nhuốm màu thần thoại tuy nhiều, nhưng đã thổi làn gió mới trong lòng người hâm mộ phim ảnh xứ Kim chi.
Sau thành công đến từ bộ phim Nàng Dae Jang Geum, những câu chuyện công sở, những mối tình tay ba hiện đại đầy nước mắt dần được thay thế bằng những câu chuyện lấy bối cảnh thời xa xưa, khắc họa nhân vật lịch sử có thật hay nhuốm màu thần thoại như Legend (Tứ thần ký), Jamyunggo, Lee San, Nữ hoàng Seok Deok, Dong Yi… Đặc biệt gần đây, xu hướng phim cổ trang còn nhuốm màu thần tượng, điển hình như: Sungkyungwan scandal, Hoàng tử gác mái, Mặt trăng ôm mặt trời, Tình yêu và sự cách trở, Faith, The king 2 hearts…
Cổ trang hóa phim Hàn
Khác với 10 năm trước, khi mỗi năm, Hàn Quốc chỉ sản xuất 1 - 2 bộ phim cổ trang dài tập thì hiện nay, màn ảnh nhỏ tràn ngập thể loại này. Khán giả sẽ nhàm chán ư? Xin thưa là bạn sẽ hoàn toàn sai lầm khi nhìn vào những con số rating cao vùn vụt của Hoàng tử gác mái, Mặt trăng ôm mặt trời… mà nhà đài cung cấp.
Poster Arang sử đạo truyện. |
Theo phân tích của các chuyên gia, các tác phẩm cổ trang đều mang nét đặc trưng của nền văn hóa Hàn Quốc, khắc họa truyền thống, cách sống của người xứ Kim chi từ tạo hình đến nội dung phim. Chưa kể đến việc hầu hết các nhân vật đều là nhân vật lịch sử hay bước ra từ truyền thuyết. Điều này khiến khán giả gần gũi hơn với chính quê hương mình, đồng thời khơi gợi trí tò mò mong muốn tìm hiểu của cả những người xem nước ngoài.
Ngoài yếu tố đó, các nhà làm phim Hàn cũng chịu khó xào xáo, đưa nhiều hơi thở hiện đại vào trong những chi tiết khô cứng của lịch sử, tạo cho nó một câu chuyện có chiều sâu. Có lẽ, đây là một phần lý do mà phim cổ trang Hàn ngày càng hấp dẫn hơn với bạn xem truyền hình. Điều đó tương đương với việc các nhà sản xuất sẽ khai thác triệt để nguồn đề tài này.
Các yếu tố tâm linh thi nhau xuất hiện
Khi bức màn nhung của cổ trang được vén lên, yếu tố được các chuyên gia phân tích thị trường nhắm tới chính là yếu tố tâm linh - điều luôn khơi gợi sự tò mò của người phương Đông nói chung. Nó thành công đến nỗi ngay cả những bộ phim hiện đại cũng của Hàn Quốc cũng bắt đầu hướng tới điều này. Có thể lấy ví dụ như cô nàng "hồ ly" trong Bạn gái tôi là gumiho hay việc đi lại giữa hiện tại - quá khứ của chàng thái tử Lee Gak (Park Yoo Chun) trong Hoàng tử gác mái và mới đây nhất là Arang sử đạo truyện với đầy đủ các nhân vật từ ma nữ đến ngọc hoàng.
Các diễn viên trong Hoàng tử gác mái. |
Nếu như trước kia, phim Hàn hấp dẫn bởi chàng công tử đa tình, cô gái đáng thương và bệnh ung thư, năm 2012 yếu tố tạo nên sức hút lại là hoàng tử đẹp trai, hào sảng, cô gái ngoan hiền nhưng mạnh mẽ và những điều thần bí. Có thể nói, các đạo diễn đã rất khéo léo khi hướng đến sự hiếu kỳ của con người vào một thế giới khác với những thế lực siêu nhiên. Chính điều này đã giúp cho những bộ phim sử dụng yếu tố tâm linh gần đây hấp dẫn sụ chú ý của người xem.
Người thứ ba… dễ thương
Nếu như trong những bộ phim trước đây, xen giữa cặp nhân vật chính luôn xuất hiện một kẻ thứ ba vô lý và ác độc, đáng ghét, thì thời gian này, những nhân vật chen ngang kia lại dễ thương đến độ được yêu quý ngang với nhân vật chính. Lấy ví dụ trong phim Tình yêu và sự cách trở, nhân vật công chúa Kyung Hye có thể coi là người thứ 3 trong tình yêu của Seryung và Seung Yoo. Tuy vậy, cô không có một hành động "chia uyên rẽ thúy" mà lại đứng đằng sau tác thành cho hai người.
Bạn gái tôi là gumiho. |
Hay như trong Mặt trăng ôm mặt trời, khán giả vừa yêu thích chuyện tình đẹp đầy nước mắt kéo dài từ bé của Vua Lee Hwon và Huh Yeon Woo nhưng cũng ngưỡng mộ không kém sự hy sinh mà chàng Yang Myeong dành cho Huh Yeon Woo. Ngay cả "kẻ thứ 3" Sena trong Hoàng tử gác mái, vốn là một nhân vật độc ác và có vô số điểm xấu xa nhưng vẫn để lại ấn tượng với khán giả khi cô luôn là người chủ động nắm lấy vận mệnh. Những thay đổi trong mô-típ "người ở giữa" này cũng khiến cho khán giả hài lòng khi nhìn nhận một người xấu ở mặt tốt của họ.
Một vài rắc rối
Một số bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng cũng gặp phải một vấn đề muôn thuở là đạo, nhái. Vi phạm bản quyền luôn là một vấn nạn trong nền giải trí Hàn Quốc và ngành công nghiệp truyền hình cũng không phải ngoại lệ. Trên hết, những phim truyền hình suýt vướng vòng lao lý đều là những phim gặt hái thành công. Có thể lấy ví dụ như The greatest love. Bộ phim này từ khi bắt đầu ra mắt đã được đông đảo khán giả yêu thích vì tính hài hước lãng mạn của mình.
Bae Jong Yoon bị phản đối ở Nhật vì phát ngôn liên quan đến biển đảo. |
Tuy vậy, phim lại bị tố là khá giống với các tình tiết trong cuốn tiểu thuyết mạng That’s why i married an anti-fan. Bộ phim truyền hình mới đây của đài SBS Five fingers, cũng phải đối mặt với cáo buộc đạo văn, với kịch bản tổng thể và mô tả nhân vật tương tự như cuốn tiểu thuyết Murder Rhapsody. Tác phẩm mới của anh chàng Lee Min Ho, Faith của SBS cũng không thoát khỏi nghi án đạo cóp từ tác phẩm Time Slip Dr. Jin của MBC. Thậm chí cả bom tấn Iris cũng từng đối mặt với lời buộc tội vi phạm bản quyền của bộ phim Dyeweed. Tuy vậy, phần lớn các cáo buộc đạo, nhái này đều bị "chìm xuồng" vì không đủ bằng chứng thuyết phục quan tòa.
Liên quan tới việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, truyền hình Nhật Bản mới đây đã tuyên bố tẩy chay một số nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng như Bae Jong Yoon hay SNSD vì những phát ngôn của họ liên quan tới vấn đề biển đảo Super Junior cũng bị đe dọa ném trứng tại buổi họp fan tại Nhật Bản sau dòng chia sẻ Siwon khẳng định việc đảo Dokdo thuộc về Hàn Quốc… Những diễn biến chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giải trí Hàn Quốc khi các nghệ sĩ chỉ cần sơ sẩy một chút cũng đã có thể trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. |
Theo Thế Giới Điện Ảnh