Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim truyền hình Tết: Vừa yếu, vừa thiếu

Chỉ có 4 bộ phim truyền hình được ra mắt trong dịp Tết Bính Thân 2016, trong đó phim đáng chú ý nhất là “Lời nói dối ngọt ngào” của VFC.

Những năm gần đây, các đơn vị sản xuất phim truyền hình uy tín như Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC),  Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) đều không mặn mà với phim Tết. Các đơn vị sản xuất phim tư nhân như Sóng Vàng, M&T Pictures, Lasta, BHD, Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film cũng không coi Tết là thời điểm “vàng” để ra mắt các bộ phim truyền hình.

Lời nói dối ngọt ngào là bộ phim duy nhất của VFC ra mắt trong dịp Tết năm nay. Phim tập trung khai thác đời sống của người Việt ở nước ngoài. 

Đó là lý do khiến phim truyền hình Tết ít dần. Tết Ất Mùi 2015, truyền hình cả nước có tất cả 6 bộ phim ra mắt vào thời điểm này, trong đó VFC có một phim là Cảnh gió ngày xuân, HTV có 2 phim là Bác Ba Phi kén dâu, Tráo ông thổ địa, còn lại 3 phim của các hãng tư nhân là Vợ là mùa xuân, Tết Tết Tết Báu vật ngày xuân.

Tết Bính Thân năm nay, số lượng phim Tết ra mắt  giảm xuống còn 4 phim là Lời nói dối ngọt ngào, Trùm khỉ lạc giang hồ, Báu vật Cưới chồng cho vợ.

Trước tình trạng khan hiếm phim Tết, nhiều kênh truyền hình chọn giải pháp chiếu lại các phim về chủ đề Tết của các năm trước đây đã quen thuộc với khán giả. VTV5 chiếu lại hai phim được nhiều người yêu thích là Đếm ngược cho 30 Tết lo phết. Hello cô BaQuan trường trường quan cũng được chiếu lại trên VTV8. VTV9 lựa chọn giải pháp phát sóng phim chiếu rạp dưới hình thức phim truyền hình với Quý tử bất đắc dĩ. Truyền hình Vĩnh Long – kênh 1 cũng chọn cách làm tương tự với 3 bộ phim Tía ơi, Hai lúa phiêu lưuBay vào cõi mộng.

Thực trạng phim truyền hình Tết những năm gần đây không chỉ thiếu mà còn yếu. Đơn cử như phim Cánh gió ngày xuân của VFC ra mắt trong dịp Tết năm ngoái không được nhiều người khen ngợi. Nội dung phim được cho là đề cập đến vấn đề không còn mới mẻ - một người phụ nữ hiện đại muốn giải phóng khỏi những tập tục không còn thích hợp trong ngày Tết. Mạch phim đều đều và không tạo cho người xem những điểm nhấn nhất định. Một số phim khác như Tráo ông thổ địa hay Tết Tết Tết cũng trong tình trạng tương tự, đều không phải là những bộ phim khiến khán giả muốn xem lại vào những năm tiếp theo.

3 bộ phim truyền hình hài Tết ra mắt Tết Bính Thân năm nay là Trùm khỉ lạc giang hồ, Báu vậtCưới chồng cho vợ có thể cũng sẽ đi vào “vết xe đổ” của Tết Tết Tết Tráo ông thổ địa vì khán giả không thấy quá nhiều yếu tố mới mẻ trong cách khai thác tiếng cười.

Việc phim Trùm khỉ lạc giang hồ tiếp tục lấy yếu tố cổ tích, truyền thuyết pha trộn với hiện đại để xây dựng nội dung phim là cách làm quá cũ đối với một bộ phim Tết. Phim Tết năm nay khó tránh khỏi việc tiếp tục bị được đánh giá là yếu và không có nhiều sáng tạo về mặt ý tưởng. Nhiều bộ phim ra mắt chỉ cho có, thiếu sự đột phá để thu hút khán giả.

Tháng Củ mật ra mắt năm 2011 là một trong những bộ phim truyền hình Tết được yêu thích nhất từ trước đến nay của VFC. Phim có sự tham gia diễn xuất của NSND Như Quỳnh, Công Lý, Vân Dung.

Sau Tháng Củ mật -  một bộ phim hài Tết ra mắt vào Xuân Ất Mão 2011 được đông đảo khán giả yêu thích, VFC gần như không thêm một bộ phim nào ấn tượng về chủ đề Tết. Ngay cả Lời nói dối ngọt ngào - bộ phim được đánh giá là sáng giá nhất trong 4 bộ phim Tết năm nay cũng chưa thực sự gây chú ý về mặt nội dung.

Phim khai thác câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, trong đó nhấn mạnh đến cuộc sống của người Việt ở nước ngoài. Nhà làm phim chọn một hướng đi khác hẳn phim Tết truyền thống, tức truyền tải một câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng thay vì những tiếng cười – điều quá quen thuộc đối với một bộ phim Tết. Thế nhưng, khác biệt chưa chắc đã phải là một cách làm hay.

“Sứ mệnh của phim Tết là mang tiếng cười, không khí thoải mái đến với khán giả. Những bộ phim sâu sắc, tình cảm, gửi gắm nhiều thông điệp xã hội, tôi sẽ xem trong năm chứ không nhất thiết phải xem vào thời điểm Tết. Tôi nghĩ rằng, phim Tết phải có yếu tố hài để giúp người xem thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng. Tất nhiên, hài cũng cần phải thời sự và mới mẻ, nếu là hài cũ, hài nhảm thì tôi không xem” - anh Xuân Thi, hiện sống ở Hà Nội chia sẻ.

Trùm khỉ lạc giang hồ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng. Tuy nhiên, phim tiếp tục lấy yếu tố cổ tích, truyền thuyết pha trộn với hiện đại để xây dựng nội dung. 

Trả lời câu hỏi về thực trạng vừa yếu, vừa thiếu của phim truyền hình Tết năm nay, NSND Lan Hương, người trực tiếp tham gia sản xuất hậu kỳ cho Lời nói dối ngọt ngào chia sẻ: “Nói thật là tôi cũng muốn có nhiều phim Tết hơn để khán giả lựa chọn, chứ ít phim như thế này thì thật khó để nhận xét và đánh giá. Những năm gần đây, một bộ phim truyền hình Tết cũng chỉ có 4 - 6 tập, như vậy là hơi ngắn. Tôi nghĩ rằng những năm sau chúng ta nên tập trung sản xuất phim truyền hình Tết nhiều hơn vì đó là một cách rất tốt để giới thiệu Tết Việt đến bạn bè năm châu trên thế giới”.

Cũng câu hỏi tương tự, một nghệ sĩ gạo cội xin phép được giấu tên nêu quan điểm: “Phim truyền hình Tết yếu kém còn xuất phát từ tư duy. Đâu phải phim Tết là gần Tết mới bắt đầu làm, như vậy sẽ rất vội vàng, dễ dẫn đến ẩu về mặt nội dung, hình ảnh. Làm phim Tết, chúng ta cũng cần phải xây dựng kịch bản từ rất sớm trong năm, mọi hoạt động như chọn diễn viên, bối cảnh cũng đều phải hoàn thành sớm trước đó. Tết Dương lịch là đã phải hoàn thiện phim cho Tết Âm lịch rồi chứ không phải đến giáp Tết mới hoàn thiện hậu kỳ”.


Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm