Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim truyền hình thoái trào

Số lượng giảm, chất lượng thiếu đột phá, khả năng cạnh tranh kém…, phim truyền hình Việt Nam đang tiến dần đến điểm chết.

Mỗi năm, hàng nghìn tập phim Việt được phát sóng ở hàng chục kênh truyền hình trên cả nước khiến thị trường này ngày càng nhộn nhịp, các nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt để có phim lên sóng. Viễn cảnh ấy diễn ra cách đây nhiều năm, bây giờ đã không còn.

Cắt giảm số lượng

Tâm huyết chung của những người làm nghề đều mong muốn sự trở lại của Những ngọn nến trong đêm phần 2 sẽ thành một phim có sức hút với khán giả. Tuy nhiên, khi phim phát sóng được gần 10 tập, lập tức bị so sánh chất lượng không bằng và sự lan tỏa không lớn như bộ phim cùng tên trước đây. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam), cho biết việc thực hiện phần 2 của Những ngọn nến trong đêm là nỗ lực rất lớn của đài trong giai đoạn phim truyền hình thoái trào mạnh mẽ.

Nếu trong năm 2014, số phim do VFC sản xuất phát sóng trên VTV chỉ chiếm khoảng 35% thì năm 2015, con số này không thể tăng thêm và năm 2016 lại giảm đáng kể. Tương tự, số phim do TFS (Hãng phim Truyền hình TP HCM) sản xuất phát sóng trên HTV năm 2015 cũng giảm 50% so với năm 2014 và năm 2016 tiếp tục giảm 50% so với năm 2015. Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cho biết: “Nếu năm 2015 TFS sản xuất 4 phim thì năm 2016 số lượng chỉ còn lại 2 phim. Từ năm 2015, phim truyền hình đã có dấu hiệu chựng lại và sẽ tiếp tục đi xuống vào năm nay”.

Phim truyen hinh thoai trao anh 1
Cảnh trong phim Những ngọn nến trong đêm phần 2 - bộ phim không thu hút người xem như mong đợi của nhà sản xuất. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.

M&T Pictures và Sóng Vàng là 2 nhà sản xuất có số lượng phim làm ra hàng năm khá lớn, cung cấp ổn định cho các đài truyền hình cáp và tỉnh, thành. Song hiện số lượng phim của 2 hãng này cũng giảm đáng kể.

Năm 2015, M&T Pictures sản xuất khoảng 600-700 tập phim phát sóng trên các kênh HTV, SCTV14, THVL thì nay giảm còn khoảng 400-500 tập/năm. Nếu so với thời điểm phim truyền hình nở rộ cách đây 4-5 năm (1.000 tập/năm) thì nay giảm đến 50%. Công ty Sóng Vàng giảm từ 700-800 tập phim/năm (năm 2015), còn khoảng 300-400 tập/năm. Nhiều hãng phim tư nhân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Các đài truyền hình dần giảm khung giờ phát sóng hoặc vẫn giữ nguyên nhưng phát lại phim cũ.


Theo đạo diễn Lý Quang Trung, doanh thu phim truyền hình phụ thuộc vào quảng cáo mà quảng cáo ngày càng teo tóp. Nếu cách đây 4 năm, kêu gọi quảng cáo dễ dàng, nguồn thu gấp đôi vốn bỏ ra thì nay chỉ hòa vốn hoặc lời rất ít. Lý do là đa phần quảng cáo đổ dồn vào các game show, chương trình truyền hình đang thu hút người xem. Không chỉ không đủ sức cạnh tranh với các chương trình truyền hình, phim truyền hình Việt còn lép vế trước phim ngoại. “Phim truyền hình Việt đã đi qua thời kỳ đỉnh cao và đang trong giai đoạn khó khăn, tụt dốc mạnh: số lượng ngày càng khiêm tốn, chất lượng không đột phá” - đạo diễn Lý Quang Trung nói.

Khán giả quay lưng

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, thừa nhận kinh doanh phim truyền hình ngày càng khó lời, doanh thu sụt giảm. Đại diện nhà sản xuất M&T Pictures cũng cho biết nguồn thu giảm, thậm chí có phim lỗ, buộc phải lấy nguồn thu từ phim lời bù vào. Trong khi bộ phim Hậu duệ của mặt trời của truyền hình Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có khán giả Việt Nam, chủ yếu xem qua mạng, phim truyền hình Việt Nam đang phát sóng không có chút sức hút gì khiến cho dư luận quan tâm. Dường như khán giả phim truyền hình ngày càng quay lưng với phim truyền hình Việt. Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc mất dần khán giả là chất lượng phim không được nâng lên, công nghệ làm phim lạc hậu, thậm chí không chuyên nghiệp, đội ngũ làm phim non tay nghề và dễ dãi trong làm nghề. Gần 10 năm nay, giấc mơ xuất khẩu của phim truyền hình Việt vẫn chỉ là giấc mơ vì chất lượng chưa thu hút được khán giả trong nước thì nói gì đến xuất khẩu. Đa phần các công ty sản xuất phim truyền hình của Việt Nam hiện nay kinh doanh theo kiểu chụp giật, có lời thì làm, thấy lỗ rút chạy nên không nhiều đơn vị đầu tư căn cơ, tính toán chiến lược phát triển lâu dài.

Sự thoái trào của phim truyền hình Việt sẽ dẫn đến nguy cơ phim ngoại tiếp tục phủ sóng màn ảnh nhỏ, cơ hội phát triển phim truyền hình Việt sẽ không còn và nỗ lực của nhà nước trong việc giữ 30% thời lượng phim Việt phát trên sóng truyền hình là khó thực hiện được.

Đổ xô làm phim điện ảnh

Trước thực trạng làm phim truyền hình xô bồ như vậy, nhiều đơn vị có điều kiện, tiềm lực chuyển sang sản xuất phim điện ảnh. Hãng phim Sóng Vàng (chuyên sản xuất phim truyền hình) bắt tay vào đầu tư phim điện ảnh. Bốn năm nay, đơn vị này đều đặn có phim ra rạp vào mỗi mùa Tết. Các hãng phim truyền hình chuyển sang làm phim điện ảnh thời gian qua có thể kể đến là Hoàng Thần Tài, Sena, Leo Media… Mạnh mẽ nhất là Hãng phim Thiên Phúc của vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh và diễn viên Thanh Thúy.

Nếu người làm phim truyền hình phải vừa lo sản xuất phim vừa phải tìm quảng cáo để đủ doanh số với nhà đài thì người làm phim điện ảnh lại ít bị áp lực hơn. Nhà sản xuất chỉ việc lo làm phim cho hay, phù hợp với thị hiếu khán giả thì sẽ có lời. Bà Bích Liên thừa nhận phim điện ảnh của hãng mang lại doanh thu nhanh, dễ và nhiều hơn so với phim truyền hình. Khi hệ thống rạp chiếu ngày càng tăng, nhu cầu xem của khán giả càng cao, hứa hẹn người làm phim truyền hình đổ xô làm phim điện ảnh cũng tăng cao.


http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/phim-truyen-hinh-thoai-trao-20160322215412437.htm

Theo Minh Nga/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm