Từ thời điểm trailer ra mắt, Songbird đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ khán giả. Cuối tháng 10, Digital Spy đưa tin người dùng Twitter nhận xét Songbird “vô cảm”, là “nỗ lực vô vọng trong việc kiếm tiền từ nỗi đau của đồng loại”. Số đông cho rằng đây là “bộ phim không ai muốn, cũng chẳng ai cần”.
Những ngày qua, nhiều trang tin đăng tải bình luận về Songbird sau khi phim lên sóng. Trang Esquire mô tả đây là “tác phẩm gây đau đớn về thể xác” khi theo dõi. The Washington Post gọi Songbird là bộ phim gây tranh cãi nhất 2020, nhưng “buồn tẻ đến chết người”. Còn Refinery 29 nhận xét nội dung phim khai thác một giả thuyết về đại dịch đã trôi nổi trên mạng Internet trong nhiều tháng qua.
Luồng quan điểm trên nhận được sự đồng tình từ số đông nhà phê bình điện ảnh và khán giả trên Rotten Tomatoes. Giới phê bình và khán giả của chuyên trang lần lượt chấm Songbird 12% và 29%. Trên IMDb, điểm trung bình mà 650 người dùng chấm cho tác phẩm là 4,4/10.
Đại dịch không thể kiểm soát khiến con người chỉ có thể giao tiếp qua màn hình thiết bị thông minh. |
Bộ phim thuộc thể loại chính kịch, lãng mạn lấy bối cảnh thế giới tương lai, khi California (Mỹ) đã trải qua bốn năm phong tỏa và giãn cách vì dịch Covid-23. Đại dịch hư cấu trong phim giết chết 8,4 triệu người mỗi năm.
Nico (K.J. Apa) và Sara (Sofia Carson) vào vai cặp tình nhân bị chia cắt bởi đại dịch. Nico miễn nhiễm với virus, ngày ngày đạp xe quanh Los Angeles để giao hàng, đồng thời tìm kiếm cơ hội đưa bản thân và bạn gái thoát khỏi thành phố. Thử thách ập đến với đôi trẻ khi bà của Sara nhiễm bệnh, và Sở Vệ sinh dịch tễ đến gõ cửa nhà họ.
Songbird xây dựng Sở Vệ sinh dịch tễ như một thế lực phản diện tàn ác. Đây là lựa chọn ngớ ngẩn và tiêu cực, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tại Mỹ.
Bộ phim của đạo diễn Adam Mason đã tạo ra cái nhìn sai lệch về một trong những lực lượng tuyến đầu trong trận chiến với đại dịch. Trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, ngăn chặn dịch bệnh lây lan và khắc phục hậu quả nó để lại của Sở Vệ sinh bị đánh đồng với âm mưu chia loan rẽ thúy.
Nico đã xoay sở, tìm mọi cách để đưa Sara trốn thoát, dù đủ thông minh để hiểu bạn gái có thể đã lây virus từ bà. Anh lợi dụng khả năng miễn dịch của mình, thậm chí viện tới đường dây buôn bán giấy tờ bất hợp pháp, để che giấu cô.
Hành động của Nico đáng bị lên án bởi sự ích kỷ và gây nguy hiểm cho cộng đồng, thay vì được tôn vinh như biểu hiện nhân danh tình yêu.
Phim gây hoang mang khi xây dựng lực lượng y tế như một thế lực phản diện tàn bạo. |
The Washington Post nhận xét rằng khi thực hiện Songbird, đạo diễn Adam Mason và biên kịch Simon Boyes đã hoàn toàn bỏ bê việc xây dựng bối cảnh thế giới nơi câu chuyện sắp diễn ra. Khán giả chỉ được biết đó là thế giới nơi đại dịch đã hoành hành nhiều năm và giết chết hàng triệu người.
Những người không có miễn dịch và bị nhiễm bệnh sẽ bị đưa đến một khu cách ly có tên Q-zone để đợi chết. Tương lai của thế giới lúc này là lớp người miễn dịch với virus gây bệnh. Tuy nhiên, họ miễn dịch bằng cách nào, và khả năng ấy được lợi dụng ra sao, thì bộ phim hoàn toàn bỏ ngỏ.
Songbird đã xoay xở để “nặn” ra một thông điệp tích cực về hy vọng. Nhưng thông điệp ấy phần nào đánh mất sức nặng khi được truyền tải qua câu chuyện của hai thanh niên bỏ trốn theo tiếng gọi tình yêu, bất chấp an nguy cộng đồng và các quy tắc phòng dịch.