Trong phim, nội dung chủ yếu được dựa trên 3 tác phẩm chính là Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô. Những người có niềm yêu thích điện ảnh nước nhà hẳn sẽ không còn xa lạ với cách lồng ghép này. Bởi đạo diễn Phạm Văn Khoa từng cho ra đời tác phẩm điện ảnh kinh điển tựa Làng Vũ Đại ngày ấy, một bộ phim cũng chuyển thể từ 3 tác phẩm nổi tiếng là Lão Hạc, Đời thừa và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Đạo diễn của phim Trò đời Phạm Nhuệ Giang, khẳng định, phim vẫn được giữ nguyên những giá trị vốn có của tác phẩm gốc, những tình tiết xây dựng chân thực, không có cường điệu, cách tân. Bà cũng đảm bảo sẽ đem lại cho người xem một bối cảnh xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến, giống hệt như nhà văn Vũ Trọng Phụng từng miêu tả.
Nhiều nhà văn và nhà làm phim từng nhận xét, Vũ Trọng Phụng luôn là người đi trước thời đại. Chất văn của ông không chỉ đơn giản dùng trong thời điểm đó mà thường vượt xa ngưỡng cửa thời gian rất lâu để mãi tới tận sau này khi con cháu đọc và ngẫm lại vẫn còn thấy thấm thía. Thế nên, việc chuyển thể những tác phẩm phim của ông đã làm những đạo diễn, nhà biên kịch phải ngao ngán lắc đầu. Cái khó là giữ lại cái hồn, cái chất của Vũ Trọng Phụng ở bên trong, để khi xem phim khán giả còn nhận ra được nhà văn này, không để nó bị lai tạp đi quá xa vời.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là trường hợp đặc biệt. Trong bộ phim truyền hình đầu tay, nữ đạo diễn vẫn giữ nguyên vẹn sự khó tính như làm phim điện ảnh, khó tính với cả ê-kíp, thậm chí là từng thước phim.
Cũng nhờ vậy, mà phim được chắt lọc hình ảnh rất kỹ, mang đến cho người xem những sự bất ngờ thú vị. Chẳng hạn, dù chỉ mới trải qua vài tập đầu nhưng Trò đời đã hiện lên không gian của bối cảnh Hà thành xưa, làm rõ nét gia thế của từng nhân vật được đề cập. Cụ thể như nhà bà Phó Đoan giàu có với cái giường to chắn chỗ ngoài tiền cảnh, hay những nét văn hóa như ca trù, ả đào cũng được phản ánh đa diện với nhiều mặt tốt xấu. Nhìn chung các chi tiết trong phim đủ thật để khán giả yên tâm theo dõi diễn biến câu chuyện tiếp theo diễn ra.
Được VFC đầu tư nhiều tiền cho dự án, nhưng theo những lời đạo diễn tâm sự, chi phí trả cho anh em trong đoàn làm phim rất thấp vì số tiền ban đầu phải bỏ ra cho việc đầu tư bối cảnh. Vì vậy, ai cũng bảo nhau tự cố gắng để cống hiến cho khán giả những thước phim hoàn hảo nhất.
Tạo hình nhân vật cũng được xem là một phần rất quan trọng, mang nét hay riêng của Trò đời bởi phim quy tụ một dàn diễn viên chất lượng, có thâm niên trong diễn xuất. Khi những người như NSƯT Minh Hằng, Chiến Thắng, Quốc Anh tạo nên tấm nền kinh nghiệm chắc chắn, những diễn viên trẻ như Việt Bắc, Mai Chi, Hoàng Hôn lại thổi vào phim một làn gió mới tươi trẻ hơn. Nhờ sự kết hợp trên, phim trở nên hài hòa hơn, không quá khô khan và nặng nề như người ta từng nghĩ.
Trò đời được công chiếu trên khung giờ vàng, thời gian theo dõi của rất nhiều lứa tuổi nên việc kiểm duyệt những cảnh nóng cũng rất gắt gao. Tuy nhiên, thay vì cắt xén thẳng tay như nhiều bộ phim khác, các cảnh nhạy cảm này lại được thể hiện tinh tế hơn, không quá thô, tạo cảm giác thoải mái cho người xem và vẫn phù hợp với văn hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, điểm cuốn hút khác của bộ phim đang được chiếu trên VTV1 vào tối thứ 5 và 6 hàng tuần là nội dung chính của phim vẫn đề cập đến sự giao thoa, va chạm về văn hóa. Trong mỗi thời kỳ đều có cái hay, đẹp riêng, vì vậy, việc thay đổi là tốt nhưng vẫn phải giữ được yếu tố dân tộc từ bên trong.
Tầm nhìn và sự ảnh hưởng trong mỗi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đối với người đọc ở mỗi thế hệ là rất lớn, không thể qua mấy chục tập phim đã thể hiện được hết ý muốn của ông. Tuy nhiên, với những ai yêu thích điện ảnh Việt, đây là một trong những phim đáng theo dõi nhất của năm nay, đặc biệt là với những khán giả trẻ.