Hình ảnh trong phim Cù lao xác sống. |
So với mùa phim Tết, khán giả yêu điện ảnh nước nhà có ít lựa chọn hơn trong dịp lễ 2/9. Ngoại trừ Vô diện sát nhân phát hành tuần trước, chỉ có đúng một phim Việt ra mắt là Cù lao xác sống.
Trùng hợp là cả hai đều chọn thể loại kinh dị, bị dán nhãn C18 (hạn chế người xem dưới 18 tuổi) vì có nhiều cảnh máu me, bạo lực. Điều này ít nhiều khiến các dự án bị ảnh hưởng về mặt doanh thu, khó tiếp cận khán giả hơn.
Song, vấn đề quan trọng luôn là chất lượng. Sự cũ kỹ trong cách khai thác chủ đề, kịch bản nhiều lỗi và lối kể còn hạn chế là những khuyết điểm khiến khán giả dần quay lưng với phim Việt. Trong khi đó, phim ngoại với nội dung đa dạng và sự góp mặt của các ngôi sao vẫn là một lựa chọn an toàn.
Chất lượng ở mức trung bình
Được giới thiệu là phim điện ảnh Việt đầu tiên kể về xác sống (zombie), Cù lao xác sống mang lại nhiều hy vọng cho khán giả nước nhà. Bởi lẽ năm 2016, Hàn Quốc từng lập kỷ lục khi khai thác chủ đề tương tự với Train to Busan – xoay quanh một chuyến tàu siêu tốc chở khách bị nhiễm virus. Phim thu gần 100 triệu USD so với kinh phí 8,5 triệu USD, mở đường cho hàng loạt tác phẩm xác sống lớn nhỏ ra mắt sau đó tại xứ kim chi.
Cù lao xác sống là phim Việt duy nhất khởi chiếu vào dịp lễ 2/9 năm nay. |
Thế nhưng, thật khập khiễng nếu phải đặt hai tác phẩm lên bàn cân. Dự án nước nhà hoàn toàn thua thiệt nước bạn về tạo hình, kỹ xảo cho đến diễn xuất.
Kịch bản cũng đơn giản. Câu chuyện bắt đầu khi đại dịch xác sống bất ngờ tràn tới một cù lao tại đồng bằng Nam Bộ. Lúc này, Công (Huỳnh Đông) tìm cách cứu gia đình và cùng mọi người trốn thoát khỏi bầy thây ma.
Chính thức ra mắt ngày 1/9 nhưng Cù lao xác sống đã có những xuất chiếu sớm (sneak show) một ngày trước đó. Phản hồi của người xem không tích cực. Phần lớn cho rằng đây là một thử nghiệm thất bại của ê-kíp Việt. Tác phẩm kém ấn tượng về mặt nội dung lẫn hình thức.
Thực tế, dự án đã nhận nhiều lời chê bai từ trước khi công chiếu. Điểm khiến khán giả phật lòng nhiều nhất chính là tạo hình xác sống trông sơ sài và không thật, kỹ xảo kém, diễn xuất gượng gạo.
Trong khi đó, Vô diện sát nhân cũng chưa phải tác phẩm xuất sắc. Chuyện phim kể về nữ bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào) bị một gã sát nhân trong mơ ám ảnh hàng ngày, đến mức không phân biệt được thật giả.
Dự án gây chú ý với kinh phí 15 tỷ đồng, thời gian quay rất ngắn (18 ngày) nhưng bị dời lịch khá lâu. Bấm máy từ năm 2019, phim mất 3 năm để đến được với khán giả.
Kết quả cuối cùng không khả quan. Kịch bản phim tham lam vì lạm dụng cú twist, liên tục sử dụng jump scare một cách vô tội vạ. Chưa kể, biên kịch còn cài cắm quá nhiều nhân vật nhưng không phát triển rõ ràng. Ngay cả số phận nhân vật chính cũng mờ nhạt, khó thể khiến người xem đồng cảm.
Phim kinh dị Vô diện sát nhân có kịch bản kém ấn tượng, nhiều lỗi. |
Dù sở hữu dàn diễn viên thực lực, Vô diện sát nhân lại thiếu yếu tố ngôi sao. Bản thân nữ chính Phương Anh Đào vẫn chưa phải là một gương mặt quá hút khách. Do đó, phim đạt doanh thu chưa đầy 4 tỷ đồng sau 6 ngày chiếu, cho thấy khả năng thua lỗ khá cao.
Phim nội thất thế trước phim ngoại
Dịp lễ 2/9 từng là cơ hội tốt để phim Việt ra mắt. Năm 2019, Chàng vợ của em - Charlie Nguyễn đạo diễn – liên tục đạt những cột mốc doanh thu ấn tượng với 35 tỷ đồng tuần đầu, 70 tỷ đồng sau 11 ngày chiếu. Cuối cùng, tác phẩm về đích với 86 tỷ đồng, lọt vào danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Trước đó, phim gia đình Nắng – đạo diễn Đồng Đăng Giao – thắng lớn khi thu về 66 tỷ đồng vào dịp lễ năm 2016, tạo động lực để các nhà sản xuất thực hiện Nắng 2 ra mắt cùng dịp năm sau.
Thế nhưng, trong khoảng 3 năm đổ lại, phim Việt liên tục thất thế trước phim ngoại. Từ năm 2020, lễ 2/9 đã vắng bóng phim Việt. Trong bối cảnh 20% rạp phim bị đóng cửa vì Covid-19, rất nhiều dự án tìm cách hoãn lịch chiếu để chờ thời cơ. Đến năm 2021, rạp phim hoàn toàn bị tê liệt vì đại dịch, tạo điều kiện cho các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi.
Năm nay, người lao động được nghỉ tối đa 4 ngày liên tiếp vào lễ 2/9. Song, nhiều nhà sản xuất nội địa lại thay đổi chiến lược, chất lượng phim Việt chiếu rạp kém khiến khán giả không còn cách nào khác phải bỏ tiền xem phim ngoại.
Các tác phẩm nước ngoài chiếu rạp khá đa dạng về thể loại, đến từ nhiều quốc gia, phục vụ nhiều đối tượng. Khán giả thiếu nhi có thể lựa chọn phim hoạt hình Môn phái võ mèo (Paws of Fury). Những ai thích phim hài - tình cảm có thể xem Ngược dòng thời gian để yêu anh (Love Destiny: The Movie) của điện ảnh Thái.
Phim hoạt hình Môn phái võ mèo là lựa chọn hợp lý dành cho đối tượng khán giả nhí. |
Đặc biệt, dòng phim kinh dị, giật gân vẫn dẫn đầu với loạt tác phẩm như Hồn ma không đầu (Ivanna) của Indonesia, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Where the Crawdads Sing), hay Lời mời đến từ địa ngục (The Invitation).
Một số phim ngoại đã khởi chiếu trước đó nhưng vẫn giữ được sức hút đến tận dịp lễ. Đơn cử là Nope - đạo diễn Jordan Peele – đang được khán giả đánh giá cao vì cách khai thác ý tưởng độc đáo, kịch bản cài cắm nhiều thông điệp và ẩn dụ. Hay bom tấn Hàn Hạ cánh khẩn cấp dù chiếu được hơn hai tuần vẫn hút khách vì quy tụ nhiều ngôi sao như Song Kang Ho, Lee Byung Hun, Joen Do Yoen,…
Ngoài ra, bom tấn Spider-Man: No way home cũng được chiếu lại để phục vụ khán giả ngày lễ, với bản bổ sung dài hơn 11 phút so với bản cũ, được biên tập thêm một số cảnh để thu hút người hâm mộ. Tất cả tạo nên một mùa phim lễ sôi động, đáng tiếc là tác phẩm nội địa ít ỏi.
Sự vắng bóng phim Việt dịp lễ 2/9 là minh chứng cho thấy thị trường phim nội địa đang tụt dốc nặng nề, chưa thể hồi phục sau đại dịch. Thực tế từ đầu năm đến nay, chất lượng các tác phẩm phát hành không cao dẫn đến nhiều dự án thua lỗ. Số phim ở mức dưới trung bình rất nhiều như Duyên ma, Người thứ ba, Mưu kế thượng lưu, Mến gái miền Tây…
Trong khi thị trường quốc tế khởi sắc - Top Gun: Maverick thu về hơn 1,4 tỷ USD dịp hè – thì doanh thu phim Việt thua kém hoàn toàn. Theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị thống kê độc lập), phim có doanh thu cao nhất là Em và Trịnh nhưng chỉ dừng chân ở mức 97 tỷ đồng. Như vậy, nghĩa là năm nay chưa có phim Việt nào vượt mốc 100 tỷ đồng.
Sau dịp lễ 2/9, chỉ còn ba tháng để tổng kết cả năm 2022 nhưng không có nhiều dự án đáng chú ý. Ngoài những tác phẩm đã ra mắt, một cái tên được chờ đợi là bom tấn hành động Thanh Sói đến từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, với kinh phí công bố hơn 46 tỷ đồng.
Song, sau nhiều lần bị dời lịch chiếu, đến nay ngày phim chính thức ra mắt vẫn là một ẩn số.