- Anh vừa hoàn tất những cảnh quay trong bộ phim 'Cha cõng con'. Anh chọn những địa danh nào làm bối cảnh chính của phim?
- Cha cõng con được quay tại 5 địa danh nhưng có bốn địa danh chính là Bắc Mê - Hà Giang, Tuyên Quang, Hà nội, và Sài Gòn. Chúng tôi chọn những địa điểm này vì nó rất đặc biệt về cảnh sắc và phù hợp với yêu cầu kịch bản. Ví dụ như ở Bắc Mê – bối cảnh chính của phim là nơi vừa có núi cao trùng trùng lớp lớp, vừa có dòng sông lúc đục lúc trong, có mưa, có mây phủ tạo nên sự biến đổi kỳ ảo trong cảnh sắc. Bên dòng sông Gâm, cứ chiều chiều nắng xuyên cắt qua khe núi tạo ra cảnh tượng vừa trữ trình vừa hùng vĩ, những triền sông khi thì mấp mô hiểm trở, khi lại thơ mộng với triền cỏ mềm trải dài bên sông. Những cảnh quay ở Tuyên Quang diễn ra tại một con đường quanh co cạnh ngọn núi xẻ đôi tạo ra những khuôn hình rất ấn tượng. Bối cảnh tại Sài Gòn thì chính là toà nhà có kiến trúc đẹp nhất thành phố.
Đạo diễn Lương Đình Dũng. Ảnh: Trần Ngọc Sơn |
- Anh gặp khó khăn gì trong quá trình chọn và thiết kế bối cảnh?
- Tôi phải đi vài chục ngàn cây số mới tìm được những địa điểm như thế này. Tại Bắc Mê (Hà Giang), khi quay những cảnh trên đỉnh một ngọn đồi cao chúng tôi đã phải làm bậc thang suốt dọc con đường mòn để hàng trăm người lên xuống hàng ngày, kéo điện từ chân đồi lên đến đỉnh. Chúng tôi phải đào hố chứa nước lớn và lắp máy bơm nước lên đổ đầy hồ chứa, riêng nước uống thì phải thuê người vác lên từng bình. Máy nổ lớn, những thiết bị nặng, cồng kềnh thì phải tháo tách ra từng chi tiết mang đến đỉnh mới lắp lại. Nguyên vật liệu để dựng nhà bối cảnh cũng phải mang vác từng thứ từ nơi khác lên tận đỉnh đồi.
Còn bối cảnh ngôi nhà bên dòng sông, tôi chọn một khe núi tuyệt vời đáp ứng đủ các góc máy và những thăng trầm, biến đổi của nước trong câu chuyện. Nhưng để có thể sử dụng được bối cảnh này, chúng tôi phải trông chờ rất nhiều vào sự may mắn từ thiên nhiên, bởi vì nếu nước cạn thì thuyền sẽ không thể di chuyển đưa người và thiết bị vào bối cảnh, nhưng nếu nước lớn quá thì bối cảnh sẽ hoàn toàn bị chìm ngập. May mắn là trong suốt thời gian quay, mực nước lên xuống rất nhịp nhàng theo đúng ý đồ của bộ phim.
- Trong quá trình quay kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?
- Chúng tôi bắt đầu quay vào tháng 7 cho đến cuối tháng 9, đó là thời điểm mưa bão nhiều nhất trong năm. Dù biết mình liều nhưng kịch bản đòi hỏi sự thăng trầm của nước, của thiên nhiên mà không kỹ xảo nào có thể làm được, tôi quyết định bấm máy vì chỉ như thế mới có thể có sự khác biệt của phim
Tôi nhớ kỷ niệm trong một đợt mưa bão lớn tại Hà Giang, trâu bò chết rất nhiều vì sét đánh. Cả đoàn phim vẫn miệt mài quay trên đỉnh đồi, cơn mưa lớn kèm giông, sấm sét đùng đùng kéo đến. Tất cả đều phải tắt điện thoại, bộ đàm để sang một bên. Những cơn gió giật mạnh khiến mấy chiếc lán bạt dựng tạm để anh em nghỉ ngơi bị thổi bay hết, mọi người phải đứng sát vào nhau trong căn lán nhỏ. Hình ảnh anh em đứng bên nhau trong mưa bão làm tôi rất cảm động, nhưng thú thực lúc đó tôi lo lắng tột độ và chỉ biết cầu nguyện cơn bão chóng tan.
- Di chuyển cả đoàn phim không phải chuyện đơn giản nhưng anh lại sẵn sàng quay lại chỉ để quay thêm đúng 1 đúp cho đúng mùa. Vì sao anh chịu chơi như vậy?
- Sắp tới tôi vẫn quay thêm một vài cảnh sắc nữa vì mùa đông nơi đây có những khoảnh khắc rất tuyệt, tôi muốn phim của mình phong phú mọi sắc mầu cuộc sống cũng như có sự thay đổi thời tiết diệu kỳ. Không hẳn là chịu chơi, nhưng một khi đã quyết tâm theo đuổi bộ phim này, tôi luôn muốn cống hiến cho nó đến cùng, làm tất cả những điều có thể để cho ra những thước phim tuyệt vời nhất, dù đôi khi phải chấp nhận liều lĩnh hay tốn kém.
Một cảnh trong phim Cha cõng con. Ảnh: Đoàn làm phim |
- Theo anh, giá trị hình ảnh tác động thế nào tới bộ phim?
Khi anh có một câu chuyện hay, mà câu chuyện hay ấy lại được kể bằng hình ảnh đẹp nữa thì không còn gì tuyệt vời hơn. Hình ảnh đẹp đúng ngôn ngữ điện ảnh với tôi cũng là một yếu tố quan trọng bậc nhất, nó vừa truyền cảm xúc vừa mang tính giải trí cao. Cảnh sắc có thần tiên đến mấy mà quay hình ảnh không đẹp thì bộ phim sẽ mất đi nhiều giá trị lớn. Nội dung hay được chuyển tải qua “bữa tiệc hình ảnh” vừa đẹp vừa giầu ngôn ngữ điện ảnh nữa thì với tôi nó là sự hoàn hảo.
- Một bộ phim tư nhân vấn đề lớn nhất là kinh phí. Có những đạo diễn sẵn sàng cắt bớt hình ảnh để giảm thiểu chi phí sản xuất. Điều gì khiến anh quyết định dốc tất cả cho cuộc chơi dù mới lần đầu chạm ngõ nghệ thuật thứ 7?
- Tôi không coi đây là cuộc chơi mà nó là một dự án lớn nghiêm túc cần phải chinh phục. Vì thế một khi tôi đã làm thì làm cho tới cùng. Khi bấm máy bộ phim này, tôi thường tâm niệm một câu: “ Hãy làm hết mình thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”.
- Xu hướng mới của các bộ phim thế giới là không dùng ngôi sao nhưng lại vô cùng chú trọng vào hình ảnh, phải chăng anh cũng nằm trong dòng tư tưởng này?
- Phim là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ hình ảnh vì thế hình ảnh đối với tôi là một yếu tố tối quan trọng để truyền tải cảm xúc cho khán giả. Trong bộ phim "Cha cõng con" tôi đề cao yếu tố hình ảnh và trong các bộ phim sau này tôi cũng luôn đề cao ngôn ngữ hình ảnh. Tôi luôn muốn khám phá để tìm ra cách thể hiện tốt nhất cho phim, nên điều gì lạ lẫm, có sức hút tôi đều muốn trải nghiệm.
- Giới thiệu cảnh đẹp Việt Nam, phải chăng anh đang ấp ủ ý định đưa bộ phim tham gia liên hoan phim thế giới?
- Ngôn ngữ hình ảnh là ngôn ngữ có thể chạm đến trái tim của bất kỳ ai, có khả năng tạo ra sự đồng cảm giữa người với người dù bất đồng ngôn ngữ hay cách biệt văn hóa đến thế nào. Đó chính là lợi thế của điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh sử dụng ngôn ngữ hình ảnh dung dị, nhân văn, giàu xúc cảm. "Cha cõng con" sử dụng thứ ngôn ngữ hình ảnh giàu cảm xúc để kể câu chuyện. Không chỉ riêng tôi, mà việc đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới là khát vọng của bất cứ người làm phim nào.
Cảnh trong phim Cha cõng con. Ảnh: Đoàn làm phim |
- Thời gian gần đây, nhiều bộ phim có tác dụng lớn trong việc quảng bá cảnh đẹp Việt Nam: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thiên mệnh anh hùng, Cánh đồng bất tận, Mỹ nhân kế... Anh so sánh tác phẩm của mình với những bộ phim này ra sao?
- Chúng tôi - những người làm phim may mắn được sống trên một mảnh đất có quá nhiều cảnh sắc đặc biệt, và còn có vô số các góc nhìn mới để kể câu chuyện bất tận về vẻ đẹp của mỗi vùng đất của Việt Nam. “Cha cõng con” là một câu chuyện dung dị, hết sức dung dị so với một vài bộ phim kể trên, nhưng không vì thế mà kém bớt sự rung động về tâm hồn và cảnh sắc Việt. Tôi tin “Cha cõng con” đem tới một góc nhìn đặc biệt, một ống kính đặc biệt để người xem có cái nhìn cận cảnh vào vẻ đẹp chân thực của cảnh sắc Việt, và con người Việt giữa cảnh sắc đó. Tôi phải chia sẻ rằng, trong suốt quá trình làm phim có một vài cảnh quay khiến tôi trào nước mắt. "Cha cõng con" khiến tôi may mắn được thiên nhiên đãi ngộ những khoảng khắc tuyệt vời mà trong suốt cuộc đời sau này chưa chắc tôi được trải nghiệm lại lần nữa.