Ngày 22/2, Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA) đã cho phép mở cửa trở lại các địa điểm giải trí cũng như quán rượu và quán bar ở hầu hết địa phương, trừ Samut Sakhon (chỉ được bán đồ uống có cồn đến 23h).
Tuy nhiên, Patpong, con phố trung tâm ăn chơi của cuộc sống về đêm tại Bangkok, vẫn vắng lặng, theo Bangkok Post.
"Chúng tôi phải tiết kiệm trong mọi thứ và đành sa thải một số nhân viên", quản lý 64 tuổi của một quán bar chuyên dành cho khách nam ở Patpong, cho biết.
"Ở đợt bùng phát dịch đầu tiên, mọi thứ vẫn khá ổn vì phần lớn còn tiền tiết kiệm. Nhưng khi làn sóng thứ 2 ập đến, nhiều quán không thể trụ nổi. Quán bên cạnh chỗ tôi vừa đóng cửa vì đợt dịch vừa rồi, hiện cả con phố chỉ còn khoảng 9-10 quán”.
Patpong là con phố về đêm nổi tiếng ở Thái Lan. Ảnh: gomadnomad. |
Lao đao vì dịch
Làm việc ở đây 36 năm, ông cho biết Patpong trở nên “yên tĩnh” trong khoảng 10 năm nay do chính sách kiểm soát quán bar được áp dụng cách đây 20 năm. Theo đó, hàng quán chỉ được mở cửa đến 1h sáng. Điều này cũng khiến nhiều khách nước ngoài không hài lòng.
"Khách đến đây theo các chuyến du lịch, họ thường ở lại không quá một tháng và sẵn sàng chi tiêu rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta nên để họ tận hưởng nhiều nhất có thể. Một số khách, đặc biệt là người Nhật, tiêu ít nhất 10.000 baht (gần 330 USD) một đêm”, ông cho hay.
Trong thời kỳ dịch bệnh, quán bar ông làm việc giảm 80% doanh thu so với bình thường. Số tiền ít ỏi kiếm được chủ yếu dùng để trả các chi phí cố định và lương cho nhân viên toàn thời gian.
"Tôi nghĩ sẽ mất khoảng 2-3 năm để Patpong hồi sinh trở lại", ông nói thêm.
Không còn nguồn khách chính là các du khách nước ngoài, nhiều quán bar ở Patpong lao đao. Ảnh: Bangkok Post. |
Quản lý của một quán bar dành cho khách nam khác cho biết nơi anh làm việc đã lỗ 7 triệu baht kể từ năm ngoái dù đã được chủ nhà giảm giá 50% tiền thuê.
"Chúng tôi chỉ cần trả 130.000 baht tiền thuê mặt bằng nhưng vẫn phải lo nhiều chi phí khác: 30.000-40.000 baht/tháng tiền cơ sở vật chất, 360.000 baht/tháng cho lương nhân viên cố định và 8.000 baht/tháng cho các tiếp viên", anh nói.
Để tồn tại, quán của anh phải giảm giá đồ uống để thu hút khách hàng địa phương vì biên giới đóng cửa khiến người nước ngoài, nguồn khách chính của quán, không thể đến.
Là quán bar duy nhất trong khu vực không sa thải ai, nơi này vẫn phải cắt giảm một nửa lương của nhân viên.
Khó khăn
Nhiều tiếp viên, người hành nghề mại dâm ở Patpong phải đổi việc để kiếm sống song mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
"Năm ngoái, 3 tiếp viên nam ở quán tôi đã tự tử vì không có tiền gửi về hỗ trợ gia đình", anh tiết lộ.
Một nữ tiếp viên ở Chachoengsao (48 tuổi), làm trong ngành này 10 năm, cho biết đã bị mất việc từ làn sóng Covid-19 đầu tiên, lương giảm từ 10.000 baht còn 7.000 baht.
Là trụ cột duy nhất trong gia đình có bố mẹ già 80 tuổi, bệnh tật, một em trai và một cháu, cô từng gửi khoảng 12.000 baht/tháng về nhà nhưng giờ không thể tiếp tục.
"Làm công việc này tốn rất nhiều chi phí. Không chỉ tiền thuê nhà, tôi còn phải trả 500-600 baht cho đồ trang điểm, mỹ phẩm và 100 baht/ngày cho phương tiện đi lại", cô nói thêm.
Quán bar từng có 4 nữ tiếp viên, thường cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng. Hiện, cô là nữ tiếp viên duy nhất còn ở lại song cũng hiếm khi có khách để tiếp.
Không bằng cấp, cô không có nhiều lựa chọn công việc. Cực chẳng đã, cô đành tìm đến con phố đèn đỏ này để kiếm sống.
"Tôi đã làm những gì có thể, ngay cả công việc chân tay. Đừng nói tôi không cố gắng hay vì chúng tôi chọn làm gái mại dâm. Dòng đời buộc chúng tôi phải làm vậy", cô chia sẻ.
Những tiếp viên như Pawan Leewajanakun sống chật vật vì không có khách hàng. Ảnh: Bangkok Post. |
Dù nhận được 15.000 baht tiền hỗ trợ của chính phủ, nữ tiếp viên cho biết số tiền này vẫn không đủ để cô nuôi sống gia đình. Ngay cả với nguồn lương thực hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ cũng chỉ đủ cho vài ngày.
"Patpong giống như đang hấp hối. Nơi này giờ chỉ còn là một bãi đậu xe", cô nhận định.
Pawan Leewajanakun (33 tuổi), một mại dâm nam và nhà hoạt động vì quyền của người hành nghề mại dâm, cho biết anh tăng thu nhập bằng cách thu hút khách hàng cá nhân thông qua các nền tảng trực tuyến, thay vì chỉ dựa vào quán bar ở Patpong, nơi anh làm vũ công và nhân viên massage.
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2020, công việc kinh doanh vẫn thuận lợi khi nhiều du khách Trung Quốc đến quán bar và tiệm massage Leewajanakun làm việc.
Anh kiếm được khoảng 34.300 baht trong một tuần, chưa bao gồm việc bán dâm.
"Khi dịch ập đến, tôi phải giảm phí xuống còn 2.500-3.000 baht/đêm, vì nhiều khách hàng là người địa phương, tôi phải ở lại qua đêm với họ vì không thể về nhà trước giờ giới nghiêm", anh nói thêm.
Hỗ trợ
Nittaya Phanuphak, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Sáng kiến HIV (IHRI), cho hay dịch vụ mua bán dâm vẫn hoạt động trong thời gian các quán xá đóng cửa. Một số nhà cung cấp dịch vụ vẫn ở lại khu vực Patpong và Pattaya vì không thể chuyển đi nơi khác.
"Một số ý kiến cho rằng dịch Covid-19 đã giúp mọi người tận dụng công nghệ tốt hơn, có nhiều kênh hơn để tiếp cận các dịch vụ y tế. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể thấy sự bất bình đẳng, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương và ít có cơ hội sử dụng công nghệ", nữ bác sĩ cho biết.
"Mục tiêu của các tổ chức làm việc với người bán dâm là giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế công cộng khi đang hành nghề. Tuy nhiên, điều chúng tôi hướng đến cuối cùng vẫn là giúp họ tìm việc khác càng sớm càng tốt. Dịch Covid-19 có thể góp phần tác động thực hiện điều này nhanh hơn".
Mai Janta, thuộc Tổ chức Empower, đại diện cho những người hành nghề mại dâm, chủ yếu ở Chiang Mai, cho biết sau khi dịch bệnh tấn công, khoảng một nửa đã trở về nhà. Những người khác ở lại thì tìm các công việc lặt vặt khác hoặc học thêm nghề.
Tổ chức của cô đóng vai trò cố vấn cho những người hành nghề mại dâm, chia sẻ thông tin về những gì họ cần với chính phủ đồng thời hỗ trợ họ tìm hướng đi mới để kiếm sống.