Buổi lễ được tổ chức đơn sơ, giản dị tại khu lớp mà trường đang thuê.
Là một trong những trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội, 30 năm qua trường Đinh Tiên Hoàng luôn kiên trì với mô hình: Không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng đội ngũ giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Không từ chối bất cứ học sinh nào
Trường Đinh Tiên Hoàng ban đầu được thành lập (năm 1989) nhằm thu nhận những học sinh yếu kém về văn hoá đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường khác không cho học, theo mô hình giáo dục đặc biệt.
Từ 136 học sinh trong năm học đầu tiên (1989-1990), đến nay, trường Đinh Tiên Hoàng đã đón trên 10.000 học sinh.
Những năm đầu tiên, lúc cao điểm nhất, trường Đinh Tiên Hoàng có gần 90% học sinh có khó khăn về học tập, ý thức kỷ luật, 87% học sinh có khó khăn về quan hệ gia đình cần giúp đỡ, nhiều em bị xem là “hết thuốc chữa”.
Từ năm 2006, nhà trường chuyển sang mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào với quan điểm không chạy theo thành tích, hội nhập và đảm bảo công bằng quyền trẻ em.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chia sẻ: Điểm đặc biệt của trường chính là luôn rộng mở với tất cả học sinh đến xin học, trong đó có nhiều học sinh yếu, hạnh kiểm kém. Để đáp ứng mục tiêu giảng dạy, nhà trường áp dụng “công thức” học sinh yếu có giáo viên giỏi.
Hiện nay, nhiều trường vì thành tích nên thường không nhận hoặc tìm cách chuyển những học sinh yếu, kém sang các trường khác. Nếu không có trường nào nhận thì các em sẽ đi đâu?
Thầy Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề và cho rằng không có học sinh hư, học sinh kém mà những học sinh “đặc biệt” này cần có phương pháp giáo dục phù hợp hơn. Vì vậy, đội ngũ giáo viên không chỉ có kiến thức mà còn phải có tấm lòng yêu thương, cảm hoá học sinh, giúp các em nhìn nhận được những giá trị sống tốt đẹp hơn.
Trên tinh thần đó, trường Đinh Tiên Hoàng xây dựng đội ngũ giáo viên với mục tiêu phải phù hợp học sinh, chứ không phải chọn học sinh phù hợp với giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm giống như một hiệu trưởng không chỉ quản lý tốt mà phải giúp học sinh phát triển nhân cách, là điểm tự, niềm tin cho học sinh. Đây thực sự là những người ngày đêm tác động, tạo nên sự thay đổi nhân cách học sinh.
“Qua 30 năm hoạt động của trường Đinh Tiên Hoàng, tôi cho rằng môi trường tự chủ, dân chủ, nhân văn trong trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết, sáng tạo vì học sinh”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Mục tiêu của trường Đinh Tiên Hoàng không phải bắt học sinh phải có học lực khá, giỏi để chen chân vào trường đại học mà trước hết là dạy các em nên người, thành người tử tế, thông qua truyền đạt kiến thức để giáo dục nhân cách cho học sinh. Nhiều học sinh chuyển đến trường vì học kém, đạo đức kém nhưng nếu được tạo điều kiện, được chấp nhận thì chắc chắn các em sẽ vươn lên.
Kiên trì với mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào có nghĩa là chấp nhận mọi học sinh, nhiều nhất là học sinh cá biệt, khó khăn mọi mặt nhưng vì thế đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng có những bài học kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh đáng ghi nhận. Nhiều đặc trưng độc đáo ở trường Đinh Tiên Hoàng đã bắt đầu lan toả sang những ngôi trường khác.
Các học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng nói lời tri ân đến thầy cô. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Một mô hình cần được lan toả
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng và đánh giá rất cao cách tiếp cận, nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong suốt những năm qua.
Mặc dù cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, nhưng điều đáng quý của ngôi trường này là đã “dám” mở vòng tay đón nhận tất cả các em học sinh, không phân biệt em đó trước đây học tập ở đâu, được nhận xét như thế nào. Đây là một trong những điều quan trọng hàng đầu của nền giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
Phó thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên của giáo dục phổ thông là phải bình đẳng cho mọi người, mọi học sinh. Nhà nước bằng cơ chế chính sách, đầu tư để có đủ trường lớp và các cơ chế cần thiết để mọi trẻ em còn trong độ tuổi đi học đều được đến trường và học 2 buổi/ngày.
“Ở miền núi, chúng ta có mô hình bán trú, nội trú, điểm trường ở miền núi, vùng khó khăn nhưng ở vùng đô thị cũng có những nhu cầu đặc biệt như rất nhiều cháu học sinh nếu không có những trường phổ thông như trường Đinh Tiên Hoàng thì tương lai sẽ rất khác”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, trong xã hội còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh, cá tính rất đặc biệt, kể cả những em bị tự kỷ, trầm cảm. Nếu mỗi phụ huynh nghĩ rằng chỉ lựa chọn những học sinh tốt nhất để con em mình được học trong tập thể tốt nhất. Mỗi giáo viên lựa chọn những học sinh tốt nhất vào để dạy, có thành tích cao nhất, nhàn nhất. Vậy những em có có hoàn cảnh thiệt thòi, tính cách rất đặc biệt sẽ học ở đâu?
Mô hình trường Đinh Tiên Hoàng là minh chứng sống động cho thấy nếu có tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo thì chúng ta sẽ làm được những điều mà bình thường cảm thấy rất khó khăn.
“Đổi mới giáo dục là quá trình có những bước đi cụ thể, khẩn trương nhưng cũng phải chắc chắn. Nhưng những gì đã phù hợp xu thế giáo dục hiện đại của thế giới mà chúng ta có thể làm được thì phải cố gắng. Đây là cái đích mà ngành giáo dục phải hướng đến”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Trong điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào học sinh như hiện tại, Phó thủ tướng đánh giá cao sự kiên trì thực hiện phương châm chú trọng dạy người rồi đến dạy chữ của đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng những năm qua.
Phó thủ tướng chia sẻ: Dạy con cháu tiếp nhận kiến thức là cần thiết. Dạy con cháu biết vâng lời là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải khơi dậy những điều tốt đẹp, giá trị tốt đẹp trong từng học sinh. Điều đó không chỉ giúp các cháu tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết như làm việc theo nhóm, tự tin trình bày ý kiến, kể cả khác biệt, phản biện, ý thức trách nhiệm với cộng đồng…
Những năm gần đây ,Chính phủ, các nghị quyết của Đảng, Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh yêu cầu dạy người.
“Một vấn đề vô cùng quan trọng trong dạy người là tấm gương của các thầy cô giáo và sự vào cuộc chung tay của cha mẹ, gia đình, xã hội. Tấm gương của các thầy cô giáo là cách cảm hoá tốt nhất để học sinh noi theo. Thầy cô gương mẫu làm người trong hành xử, ứng xử, đồng thời cũng gương mẫu trong tự học”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ và mong đội ngũ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng tiếp tục làm tốt điều này, từ đó nhân rộng ra cả hệ thống giáo dục.
Làm sao mỗi ngôi trường giáo dục phải đi đầu khơi dậy điều tốt đẹp trong từng người, từng học sinh, thể hiện những giá trị tốt đẹp nhất được tôn vinh, lan toả ra toàn xã hội.
Đề cập tự chủ, dân chủ trong trường phổ thông, Phó thủ tướng nêu thực tế hiện nay, cơ bản các trường phổ thông đang được coi là một thiết chế của chính quyền, tới mức một viên gạch hỏng cũng đợi tiền từ chính quyền để sửa, trong khi về bản chất đây là thiết chế công cộng, cần sự chung sức, vun đắp của cộng đồng, trực tiếp nhất là học sinh và phụ huynh.
Trong trường, không ít nơi các thầy cô giáo không phát huy hết quyền làm chủ của mình, phần lớn theo sự điều hành, mệnh lệnh hành chính từ ban giám hiệu, hiệu trưởng. Vì vậy, kinh nghiệm xây dựng, phát huy tinh thần tự chủ, dân chủ trong trường Đinh Tiên Hoàng là những kinh nghiệm rất tốt cho các trường phổ thông khác tham khảo, học hỏi.
“Nhà trường không chỉ giúp hàng chục nghìn học sinh mà quan trọng là các thầy cô giáo kiên trì, dũng cảm đi theo mô hình hoàn toàn phù hợp xu thế của thế giới và được khẳng định qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là điển hình để các trường khác tham khảo. Mong rằng TP. Hà Nội, Bộ GD&ĐT có kế hoạch, bước đi cần thiết thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục khẩn trương, chắc chắn, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại của thế giới”, Phó thủ tướng nói.