Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh căng thẳng trong phòng cách ly bệnh sởi ở TP.HCM

Những ngày đầu tháng 8, phòng cách ly bệnh sởi thuộc khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) bao giờ cũng trong tình trạng kín giường.

Một bé điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Liêu Lãm.

- Còn máy thở oxy không?

- Không, đều được dùng hết rồi.

- Sang phòng cấp cứu xem còn không. Nhanh lên!

Sau cuộc trò chuyện vội vã xen lẫn với tiếng quấy khóc của những đứa trẻ, nữ điều dưỡng gần như lao đi. Nhìn theo bóng lưng mướt mải mồ hôi của chị, đôi vợ chồng tầm 40 tuổi không giấu được sự lo lắng.

Bé Huỳnh Nhi (2 tuổi) được mẹ ôm gọn trong vòng tay, cố mở to đôi mắt kèm nhèm nhìn hơn chục em bé khác cũng đang trong tình trạng như mình. Cơ thể nhỏ bé run lên theo từng cơn thở dốc.

benh soi anh 1

Phòng cách ly gần như kín người trong một tháng trở lại đây. Ảnh: Kỳ Duyên.

"Tôi vẫn chưa tin được con bệnh nặng đến thế"

Ít phút sau, một bé gái được bế vào phòng cách ly, chiếc giường trống ngay lập tức được Nhi nằm vào thế chỗ. Khi gọng kính giúp thở oxy được đặt vào trong mũi, hô hấp của đứa trẻ dần ổn định hơn.

Sáng nay, gia đình ba người của bé Huỳnh Nhi từ Phú Quốc (Kiên Giang) đến Bệnh viện Nhi đồng 1 theo lịch tái khám. Trước đó, em mắc bệnh viêm phổi kèm tiêu chảy không ngừng.

Đến bệnh viện lúc rạng sáng, cơ thể Nhi mềm oặt, sốt cao đến gần 40 độ. Người mẹ đinh ninh con gái chỉ đang mất sức sau hành trình hơn 300 km, phải qua một chuyến phà và chuyến xe gần 10 giờ.

“Có nhầm lẫn gì không? Cháu chỉ sốt bình thường thôi mà”, mẹ của Nhi nói, gần như hét lên khi nhận được thông báo con mình bị nghi ngờ mắc bệnh sởi.

Em được chuyển thẳng lên khu cách ly bệnh sởi, tiến hành lấy máu để kiểm tra. Bàn tay bé xíu, chi chít vết thâm đen từ đợt phát ban khi nhỏ chưa kịp lặn lại phải nhường chỗ cho những vết ban đỏ mới. Mải mê làm việc, cả ba lẫn mẹ đều gần như quên mất việc tiêm vaccine cho bé.

benh soi anh 2
Bé Nhi được cách ly ngay sau khi có chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh sởi. Ảnh: Kỳ Duyên.

Mặc kệ cái nóng hơn 30 độ C, cô bé Nhi ngủ thiếp đi sau một hồi đánh vật với những cơn đau.

Trái ngược với giấc ngủ bình yên của con gái, lòng ba mẹ em giờ đây rối như tơ vò. Hành trang của gia đình nhỏ chỉ có một bộ quần áo và số tiền mặt chưa đến một triệu đồng, được đồng nghiệp gom góp để “cho cháu đi chữa bệnh”.

“Không biết những ngày tới phải cầm cự thế nào nữa. Tôi vẫn chưa tin được con mình bệnh nặng đến thế”, người mẹ nói.

Bên kia bức tường, bé Phương Như cũng lim dim chuẩn bị vào giấc, trên tay trái là bình sữa uống được một nửa, tay còn lại ôm cứng mẹ. Thói quen này mới chỉ mới xuất hiện 3 ngày nay, kể từ khi phát hiện mắc bệnh sởi.

“Bình thường tinh nghịch lắm nhưng giờ nằm yên như vậy, phải ôm mẹ mới chịu ngủ. Tôi hối hận lắm rồi, sau khi bé khỏe sẽ chở con đi tiêm vaccine ngay”, chị Thanh Thủy (26 tuổi, ngụ tại quận 6, TP.HCM) nhìn đứa con đang ngủ say trong lòng, nghẹn ngào.

Vừa tròn 19 tháng, Như là một trong những đứa trẻ lớn nhất trong phòng bệnh. Cũng giống như bé Nhi, bé Như chưa từng được tiêm vaccine, thứ vốn dĩ có thể giúp em khỏe mạnh chơi đùa với bạn bè thay vì nằm co ro trên giường bệnh.

Thấy con mắc bệnh viêm phổi, chị Thanh Thủy lưỡng lự mãi trong việc tiêm vaccine vì “lỡ đâu con xảy ra biến chứng”.

Như từ chối mọi món ăn mẹ cố đút vào miệng. Người mẹ trẻ chỉ có thể cẩn thận bón từng muỗng nước nhỏ để giữ sức cho con. Mỗi khi bụng réo vang, đứa nhỏ mới yếu ớt chịu uống ít sữa. Sau ba ngày điều trị, bé đã giảm sốt, chịu bú bình và tươi tỉnh hơn. Những vết ban trên bụng, lưng cũng đang mờ dần.

“Những ngày đầu nhập viện, tôi gần như thức trắng. Hiện tại con ổn hơn, mong là bé sớm khỏe vì nhìn con như vậy tôi đau lòng quá”, chị Thủy nói.

Những ngày dài đăng đẳng

Bà Nguyễn Thị Kim Tiền (50 tuổi, quê An Giang) vỗ về cô cháu gái mới 2 tháng tuổi đang khóc toáng lên sau khi được điều dưỡng lấy ven truyền dịch. Đứa nhỏ lọt lòng chưa đầy hai tháng là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong phòng bệnh.

Tuần trước, em bị trớ sữa, trong thứ chất lỏng vốn dĩ chỉ có màu trắng ngà lại có thêm những đốm máu đỏ thẫm. Hơn 48 giờ cấp cứu, bệnh nhi được chuyển đến phòng cách ly bệnh sởi.

“Thương cháu còn nhỏ mà mắc bệnh này, thiệt thòi đủ đường, chỉ mong sao cháu thật khỏe mạnh”. bà Tiền nói.

Mới 10h sáng, phòng bệnh chưa đầy 20 mét vuông gần như kín chỗ. 8 giường bệnh đầy ắp bệnh nhi, những bé lớn nằm trọn một giường. Những em bé nhỏ hơn được xếp nằm cùng nhau. Tiếng một bài nhạc thiếu nhi vui nhộn vang lên chẳng thể làm dịu đi những âm thanh quấy khóc.

Ngay cửa ra vào, chị Lý Ngọc Hiếu (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tay cầm ổ bánh mì gặm dở, tay đút sữa cho con trai. Chiếc lục lạc yêu thích bị bỏ xó tại một góc giường bệnh. Bé Huy được chẩn đoán mắc bệnh sởi, khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ đến tuổi tiêm vaccine.

“Nhìn con mới được vài tháng mà dây dợ quanh người, đau lòng không tả nổi”, chị Hiếu nói.

Bé Huy ngủ thiếp đi, rã rời sau một trận quấy khóc, bụng căng sữa hóp vào thở ra một cách nặng nhọc. Chiếc máy nhỏ đặt trên đầu giường bệnh khẽ khàng làm tốt nhiệm vụ cung cấp oxy, duy trì hơi thở cho đứa trẻ 6 tháng tuổi suốt 2 hôm nay. Việc cai máy thở thất bại vì bé bắt đầu thở dốc, tím tái chỉ sau ít phút.

benh soi anh 3

Bé Huy ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ. Ảnh: Kỳ Duyên.

Mải mê chăm con, những ngày này, chị Hiếu gần như đánh mất nhận thức về thời gian. Chị chỉ biết đó là buổi trưa khi những người xung quanh bắt đầu rủ nhau đi nhận đồ ăn từ thiện và buổi tối khi chồng đến trông con, cho chị vài ba phút rảnh rỗi để tắm rửa.

Con sốt gần 40 độ C, giấc ngủ của chị cũng chập chờn hơn sau những lần bật dậy thăm chừng.

Sở Y tế TP.HCM cho biết theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn, đến ngày 4/8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính; hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh, thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.

Tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP.HCM thì có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả thành phố chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận 3-5 trường hợp mắc bệnh sởi. Các ca bệnh tập trung ở trẻ chưa tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine (dưới 9 tháng).

“So với đợt dịch sởi năm 2018-2019, số ca nhập viện trên tương đối thấp hơn và đang có dấu hiện ổn định. Tuy nhiên, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine nếu trẻ được tiêm để tránh trường hợp bùng phát dịch bệnh sởi vì năm học mới đã cận kề”, bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo.

Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) các chuyên gia về y tế công cộng của thành phố.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi gia đình có trẻ em hãy đưa trẻ đi tiêm chủng theo các thông báo của y tế địa phương đang cư ngụ; những người sống chung với bệnh nhân mắc bệnh nền nên tiêm chủng phòng bệnh để góp phần bảo vệ người thân của mình.

Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian

Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.

Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.

Bộ Y tế nói về tình hình dịch bệnh và vaccine Tiêm chủng mở rộng

Trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh đã có xu hướng gia tăng số mắc tại nhiều quốc gia, trong đó có sốt xuất huyết, sởi, ho gà.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm