Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giai đoạn nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết

Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Ảnh: Freepik.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, người bệnh dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

3 giai đoạn của sốt xuất huyết

Theo PGS Cường, sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

- Giai đoạn sốt

Người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Ngoài ra, người bệnh còn bị da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Người bệnh thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc máu mũi. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.

- Giai đoạn nguy hiểm

Chúng thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều, liên tục, hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan, nôn ói.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

Nếu thoát huyết tương nhiều, bệnh nhân sẽ sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

Người mắc sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện đặc trưng là xuất huyết dưới da. Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

sot xuat huyet anh 1

Xuất huyết dưới da của một bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: BVCC.

Trường hợp xuất huyết nặng sẽ chảy máu mũi (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận). Bệnh nhân thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày - tá tràng, viêm gan mạn.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

- Giai đoạn hồi phục

Thường diễn ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Lúc này, bệnh nhân sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại. Thời kỳ lại sức kéo dài có thể một tháng sau.

Dấu hiệu cần nhập viện ngay

Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá dấu hiệu, triệu chứng.

"Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, bệnh nhân tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà", PGS Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng cho hay muỗi vằn Aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị. Người dân cần lưu ý xử lý, loại bỏ các khu vực tối, ẩm thấp, môi trường nước đọng tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển.

Ngoài ra, các gia đình cũng cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng thiết bị đuổi, bắt, lắp đặt lưới chắn muỗi ở cửa sổ và dùng màn khi ngủ.

“Hiện nay, Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Người bệnh có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Bạn tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen. Hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết”, PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

Trẻ con đứa nào chẳng ốm

Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.

Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Ai nên đi xét nghiệm bệnh tình dục?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo những người từ 13 đến 64 tuổi có hoạt động tình dục đều nên xét nghiệm HIV mỗi năm một lần.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm