Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ tiếp nhận gần 300 người bệnh đến khám các vấn đề về mắt, trong đó có nhiều trường hợp bị viêm kết mạc.
Bệnh viêm kết mạc thường xuất hiện từ cuối tháng 7 và đặc biệt tăng cao vào thời điểm giao mùa, do thời tiết diễn biến thất thường từ nắng nóng sang mưa, độ ẩm không khí cao… Đây là thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu.
Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Kim Tuyến, Trưởng khoa Kết giác mạc - Chấn thương, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ, viêm kết mạc hay tên gọi dân gian là đau mắt đỏ, xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm.
Người dân đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ. |
Người bệnh bị viêm kết mạc thường có biểu hiện ngứa, đỏ mắt, cộm rát, mắt tiết nhiều gỉ kèm theo chảy nước mắt, mi mắt sưng nề, đau nhức. Người bệnh còn có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…
Ngoài ra, bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc lây gián tiếp khi dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và người khác chạm phải.
Tốc độ lây lan của bệnh viêm kết mạc trong cộng đồng rất nhanh, nên những địa điểm công cộng, nơi mật độ dân cư cao, trường học... thường tiềm ẩn nguy cơ “bùng phát thành dịch”.
Viêm kết mạc là bệnh lành tính, dễ điều trị, tuy nhiên, một số trường hợp bị biến chứng giác mạc, viêm giác chấm, đốm nếu điều trị muộn và không đúng cách.
Bệnh cũng ít có nguy cơ để lại di chứng, đa số người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, gây biến chứng, bệnh viêm kết mạc có thể dẫn tới viêm, loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người chủ quan với bệnh viêm kết mạc, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn biến nặng mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa.
Bác sĩ Tuyến cho biết thêm bệnh nhân bị viêm kết mạc có thể tự theo dõi tại nhà, thực hiện chườm lạnh để giảm khó chịu mắt, sưng mi; rửa mặt, rửa tay thường xuyên với xà phòng; không đi bơi, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không đỡ, mọi người cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Bệnh viêm kết mạc do virus kéo dài 4-7 ngày rồi tự khỏi, nhưng lại dễ lây lan. Trường hợp này, người bệnh không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng đối với virus, chỉ cần rửa sạch mắt mỗi ngày. Ngoài ra, nếu vi khuẩn là tác nhân gây đau mắt đỏ, cần uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp tra thuốc mỡ bôi mắt.
Để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc lây lan trong cộng đồng, mỗi người dân cần:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch
- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh viêm kết mạc. Người bệnh, người nghi bị bệnh viêm kết mạc cần hạn chế tiếp xúc với người khác
- Người bệnh có các biểu hiện của viêm kết mạc tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Không áp dụng phương pháp dân gian bởi có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, gây bỏng, hỏng giác mạc mà cần phải đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.