Ngày 16/11, UBND Hà Nội ban hành Công điện số 23 về việc tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng các khu cách ly tập trung F1. Việc cách ly tại nhà chỉ được đưa vào thí điểm trong thời gian tới, khi có thông báo.
Mặt khác, theo thống kê hàng ngày của Sở Y tế Hà Nội, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố thời gian qua liên tục tăng cao, thường chiếm hơn 50% F0 mới trong ngày. So với lượng ca cộng đồng, số ca trong khu cách ly thậm chí cao gấp 3-4 lần.
Thống kê số ca nhiễm nCoV trong ngày tại Hà Nội. Nguồn dữ liệu: Sở Y tế Hà Nội. |
Có thể lý giải nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khi vào khu cách ly tập trung là do họ đã nhiễm virus từ trước. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung là rất rõ ràng. Những con số thống kế nói trên tại Hà Nội cũng đã phần nào chứng minh cho mối nguy này.
Việc cách ly tập trung còn ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân trong bối cảnh chúng ta đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với nCoV.
Cân nhắc thay đổi dựa trên tình hình
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội có một số điểm phức tạp khi thành phố là trung tâm đi lại, nhiều người dân từ vùng có dịch trở về.
“Khi quyết định mở cửa, nới lỏng chính sách để sống chung an toàn với SARS-CoV-2, chúng ta cũng phải chấp nhận việc các F0 sẽ xuất hiện trong cộng đồng”, ông nói.
Đoàn người trở về quê hương từ các tỉnh miền Nam dưới sự hướng dẫn của CSGT khu vực Hà Nội. Ảnh: Đức Anh. |
Theo ông Phu, nhiều người dân có nhu cầu đã trở về quê hương từ vùng dịch sau thời gian dài giãn cách. Những người này có thể nhiễm nCoV và lây cho gia đình, người xung quanh nếu không được quản lý tốt. Ngoài ra, chúng ta còn xuất hiện tình trạng chủ quan, tập trung đông người, không thực hiện tốt 5K... sau khi xã hội được nới lỏng.
Vị chuyên gia này đánh giá Hà Nội hiện vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, công tác phòng dịch nhìn chung sẽ gặp nhiều vất vả hơn giai đoạn trước.
Trong bối cảnh đó, Công điện số 32 đã được đưa ra nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Dẫu vậy, một trong những nội dung chính của công điện này là tiếp tục mở rộng khu cách ly tập trung cho F1 lại đang gây ra nhiều sự khó hiểu, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với SARS-CoV-2.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, đặt câu hỏi: “Với công điện này, Hà Nội liệu đã tính đến hệ lụy của nó hay chưa và đây có phải cách để thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt với SARS-CoV-2 không?”.
Theo thống kê của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 17h ngày 17/11, Hà Nội có 1.960 F0 đang được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, chỉ có 11 trường hợp phải thở oxy và 4 ca thở máy.
Cập nhật kết quả tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Kết quả này đi kèm với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 khá cao của thủ đô. Tối 17/11, Sở Y tế cho biết thành phố đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi sống trên địa bàn được tiêm một liều vaccine là 93,3%, mũi 2 là 82,5%. Tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine với người trên 50 tuổi và 65 tuổi cũng lần lượt là 84% và 81%.
Hệ lụy
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội từng lý giải một trong những nguyên nhân khiến thành phố chưa tổ chức cách ly tại nhà đến từ việc thủ đô vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung (sức chứa khoảng hơn 60.000-70.000).
Tiến sĩ Thu Anh chia sẻ: “Các F1 không chỉ sống vì Covid-19. Những người này còn có thể đang mắc các bệnh lý khác và phải chịu những hậu quả nặng nề vì Covid-19 như không điều trị kịp thời, thiếu thuốc uống... trong quá trình cách ly”.
Theo vị chuyên gia này, trong thời gian cách ly, tập trung đông người, các F1 thậm chí có khả năng mắc một số bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, lao kháng thuốc, sởi, sốt xuất huyết...
Bên cạnh đó, khi số lượng F1 tăng cao, các cơ sở cách ly tập trung được thành lập vội vàng để đáp ứng có thể sẽ không đảm bảo đủ đồ ăn, nước uống, nhà vệ sinh chung hoặc thiếu sự sạch sẽ, nước nóng... Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, người dân còn chịu những tác động không nhỏ về tinh thần.
Một gia đình có con nhỏ tại Hà Nội trên đường tới khu cách ly tập trung. Ảnh: Đức Anh. |
“Nhiều F1 còn có con nhỏ, cha mẹ già cần chăm sóc. Ngoài ra, họ cũng cần được đối xử một cách nhân văn, có quyền biết điều gì sẽ xảy ra và phải làm gì để giảm bớt các thiệt hại cho bản thân và xã hội”, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng khẳng định nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung là rất lớn và rõ ràng. Không chỉ vậy, việc này còn tạo cho người dân tâm lý lo lắng, thậm chí xuất hiện hành vi chống đối.
“Tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất rõ ràng và đã xảy ra. Nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn trong khu cách ly tập trung. Tình trạng 4-5 người cách ly trong cùng một phòng vẫn rất phổ biến. Khi đó, một người nhiễm nCoV có thể nhanh chóng lây cho những thành viên còn lại trong phòng”, vị chuyên gia này giải thích.
PGS Hùng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với SARS-CoV-2, chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của người dân. Tuy nhiên, việc cách ly tập trung lại không phải giải pháp tối ưu cho mục tiêu này.
Nhiều trường hợp có thể không khai báo y tế vì ngại cách ly tập trung.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng
Ông đặt giả thiết: “Trường hợp nhiễm nCoV và từng qua nhà một người bạn chơi. F0 này sẽ có suy nghĩ nếu khai báo y tế, cả gia đình của người bạn kia sẽ phải đi cách ly tập trung. Phía gia đình đó cũng có thể gây áp lực lên F0 để người này không khai báo. Điều này mang đến mối nguy lớn cho cộng đồng”.
Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh cũng cho rằng Hà Nội cần sẵn sàng cho việc xử lý các hệ lụy về mặt kinh tế nếu vẫn giữ nguyên những quy định này.
“Thành phố có lẽ sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều trước tình trạng tăng chi cho các biện pháp phòng dịch cực đoan nhưng thiếu hiệu quả thay vì đầu tư phục hồi kinh tế. Một làn sóng di dân, gây đứt gãy những chuỗi cung ứng và lao động tương tự TP.HCM vừa qua hay chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa có thể bị kéo lệch khỏi Hà Nội”, vị chuyên gia này kết luận.