Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng khám dành cho người 'muộn phiền giới tính' ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, phòng khám đầu tiên dành cho người "rối loạn định dạng giới" đang dần thay đổi khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của cộng đồng người chuyển giới.

Một buổi chiều tháng 7/2020, Liu Meng (19 tuổi) và mẹ đợi ở lối vào phòng khám rối loạn định dạng giới (người có xu hướng không công nhận giới tính của mình và biểu hiện hành vi, thái độ ở giới tính hoàn toàn ngược lại) của bác sĩ Pan Bolin thuộc Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều đi cùng cha mẹ, khuôn mặt ảm đạm, nắm chặt điện thoại di động trong im lặng, theo Sixth Tone.

Tuy nhiên, Liu cũng thấy một cặp vợ chồng vui vẻ đi cùng con vào phòng khám. Cô thấy đó là một cảnh tượng đáng kinh ngạc và nghĩ "Thật là một đứa trẻ may mắn".

Là người chuyển giới nữ, Liu hiện học năm nhất tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Hè năm ngoái, cô lần đầu đến phòng khám này. Khi đó, bác sĩ Pan nói chuyện với mẹ Liu về ý nghĩa của việc chuyển giới, và điều quan trọng nhất là không được coi đó là một căn bệnh.

Tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã bỏ chứng phiền muộn về giới hay còn gọi là rối loạn nhận dạng giới tính khỏi Bảng phân loại bệnh tật quốc tế.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chuyển giới vẫn được xếp vào nhóm bệnh tâm thần và người chuyển giới phải có "giấy chứng nhận bệnh tâm thần vì phiền muộn giới" trước khi sử dụng hormone hoặc phẫu thuật chuyển giới.

nguoi chuyen gioi o Trung Quoc anh 1

Bác sĩ Pan Bolin tích cực hỗ trợ những người rối loạn định dạng giới ở Trung Quốc.

Vào năm 2016, bác sĩ Pan mở trung tâm đầu tiên dành cho cộng đồng người chuyển giới ở Trung Quốc, tích hợp các nguồn lực của nhiều bộ phận khác nhau. Năm 2017, anh mở phòng khám về rối loạn định dạng giới sau khi nhận thấy sự phổ biến hạn hẹp về chúng và nhu cầu tư vấn của cộng đồng này ở đất nước tỷ dân.

Trong vài tháng đầu thành lập phòng khám, bác sĩ Pan vẫn thường phải dựa vào các tư liệu hướng dẫn từ quốc tế. Anh khẳng định sẽ kiên trì trong lĩnh vực "bị bỏ qua" này và nỗ lực hỗ trợ người chuyển giới.

Tình trạng

Sau kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng 6/2020, Liu Meng đã suy nghĩ rất nhiều về việc chuyển giới. Cuối cùng, cô quyết định bày tỏ với cha mẹ. Họ hoang mang, tức giận, cha Liu còn nghĩ cô đang bị ảnh hưởng bởi những người khác.

Liu thẳng thắn nói muốn đi khám, nhận sự trợ giúp y tế hợp pháp và được cha mẹ ủng hộ. Để trông nữ tính hơn, Liu đã tự dùng hormone chuyển giới. Cô được cảnh báo phải thận trọng vì không có hướng dẫn của bác sĩ.

Cũng giống Liu, Li Qing (24 tuổi) tự sử dụng hormone. Cô biết đến khái niệm chuyển giới khi 18 tuổi và đang học đại học. Trong 4 năm, cô thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ để dần khám phá con người mình. Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ bác sĩ Pan, cô bí mật uống hormone trong hơn 3 tháng.

nguoi chuyen gioi o Trung Quoc anh 2

Nhiều người chuyển giới, gặp vấn đề về rối loạn định dạng giới tìm đến phòng khám để được tư vấn.

Cheng Yu (33 tuổi, chuyển giới nam) cho biết nhiều người trong cộng đồng chuyển giới chỉ có thể tiếp cận hormone từ các nguồn không rõ ràng trên mạng, đôi lúc có cả hormone động vật. Dù nó có thể gây ra những tổn thương về thể chất song chẳng là gì nếu so với nỗi đau không thể sống đúng giới tính mong muốn.

Theo bác sĩ Pan, gần 80% người chuyển giới cần điều trị bằng hormone. Và theo báo cáo khảo sát năm 2017 của Trung tâm LGBT Bắc Kinh và khoa Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh về cộng đồng người chuyển giới ở Trung Quốc, 33% người chuyển giới cần điều trị bằng hormone kiếm thuốc thông qua các kênh không chính thức.

Vượt qua rào cản

Theo Pan, chưa có nhiều bác sĩ sẵn sàng tham gia hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới, vẫn còn một số người coi thường nhóm người này và cả những bác sĩ tham gia giúp đỡ cộng đồng.

Một khó khăn khác là sự xung đột giữa cá nhân người chuyển giới và cha mẹ họ. Theo vị bác sĩ, việc thiếu hiểu biết hoặc sự giao tiếp hiệu quả giữa hai bên thường gây ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc tư vấn tâm lý và lập kế hoạch theo sau đó.

Đó là lý do phòng khám của anh có cả dịch vụ hỗ trợ tâm lý đi kèm cho người chuyển giới và cha mẹ họ.

Theo Han Meng, trợ lý của bác sĩ Pan, việc một số bậc cha mẹ đi từ thái độ phản đối, không cho phép bác sĩ giúp con mình đến việc không phản đối sự lựa chọn của con đã là một sự tiến triển.

“Một số phụ huynh không ủng hộ con họ ngay lập tức nhưng nhờ phòng khám của chúng tôi, họ đã chuyển từ trạng thái đối đầu sang để con mình tự lo liệu, cho con một số không gian riêng để sống với con người thật".

nguoi chuyen gioi o Trung Quoc anh 3

Pan hy vọng có nhiều bác sĩ tham gia cùng anh hỗ trợ nhóm người chuyển giới tại Trung Quốc.

Đôi khi vì thiếu tin tưởng hoặc hiểu lầm, một số phụ huynh thường phàn nàn với bệnh viện về bác sĩ Pan, thậm chí cáo buộc anh thông đồng với các bác sĩ tâm thần để kê đơn thuốc trục lợi từ con cái họ. Có lần, một phụ huynh đã trách Pan rằng con ông chuyển giới vì phòng khám của anh đã tư vấn không tốt và "khiến đứa trẻ trở nên tồi tệ".

Bác sĩ Pan thông cảm cho những bậc cha mẹ như vậy.

"Tất cả là phản ứng tự nhiên khi thiếu hiểu biết về cộng đồng người chuyển giới, và chúng tôi chỉ có thể cố gắng hết sức để giúp mọi người hiểu về khoa học".

Nỗ lực

Mỗi tuần, có 10-20 người chuyển giới đến phòng khám của bác sĩ Pan. Tính cả những lần tư vấn online, nhóm của anh đã hỗ trợ y tế cho hơn 2.000 người chuyển giới, từ thanh thiếu niên đến những người độ tuổi 60, trong 5 năm. Mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình.

Một người đàn ông ở độ tuổi 60 từng đến phòng khám để được tư vấn về phẫu thuật chuyển giới. Trong hồ sơ bệnh án, bác sĩ Pan phát hiện ông đã đến bệnh viện hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, ông đã bỏ cuộc vào phút chót khi nghĩ đến sự thật rằng mình đã kết hôn, có con và việc làm ổn định.

Nhiều năm sau, sau khi con cái đã trưởng thành và cha mẹ qua đời, ông cuối cùng cũng thú nhận với vợ mong muốn được phẫu thuật và đến bệnh viện lần thứ 2.

Đối với Pan, anh hy vọng có thể giúp những người chuyển giới có thể chấp nhận bản thân và cơ thể của họ, thành công trở lại cuộc sống thường ngày.

Anh cũng nhận thức rõ rằng năng lực bản thân còn hạn chế và việc hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới chỉ bằng những nỗ lực y tế là không đủ.

"Để tất cả người trong xã hội hiểu về cộng đồng người chuyển giới là không thể song ít nhất chúng tôi đang cố gắng.

Chúng tôi sẽ thành lập một hiệp hội, đưa ra các tiêu chuẩn ngành và hướng dẫn điều trị, đồng thời tổ chức thêm nhiều buổi thuyết trình, đào tạo. Hy vọng sẽ có nhiều bác sĩ quan tâm và tham gia vào lĩnh vực này cũng như có sự hỗ trợ từ các cấp phía trên để những người chuyển giới được hưởng quyền lợi chính đáng về y tế".

Tranh cãi về chính sách hạn chế phá thai ở Trung Quốc

Dù với lý do đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, chính sách hạn chế phá thai không vì mục đích y tế của chính phủ Trung Quốc vẫn bị nhiều người cho là xâm phạm đời sống riêng tư.

Mai An

Bạn có thể quan tâm