Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng khám nơi bé trai tử vong không được phép truyền dịch

Các phòng khám không được tiêm truyền khi chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật. Việc phòng khám tự ý truyền dịch cho bé trai dẫn tới tử vong chính là vượt giới hạn hoạt động.

Liên quan tới sự việc bé trai N.G.B (22 tháng tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) tử vong bất thường sau khi truyền dịch chữa tiêu chảy ở phòng khám hôm 16/10, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội) khẳng định việc truyền dịch cho bệnh nhân ở Phòng khám chuyên khoa Nội (do bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc phụ trách, ở địa chỉ 392 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) hoàn toàn sai phép.

Tu y truyen dich anh 1
Phòng khám này không được phép truyền dịch. Ảnh: FB.

Theo đó, phòng khám này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - kế hoạch quận Long Biên cấp ngày 26/7/2012; được Sở Y tế Hà Nội cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngày 16/11/2012.

Phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng được phê duyệt gồm sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa.

Theo ông Trung, các phòng khám không được tiêm truyền khi chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật. Phòng khám xảy ra sự việc không được cấp phép cho việc truyền dịch.

Vị trưởng phòng này cũng nhấn mạnh hiện nay Sở Y tế Hà Nội rất hạn chế cấp giấy phép cho phòng khám thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, chủ yếu cấp cho các phòng khám đa khoa có phòng cấp cứu vì truyền dịch là một thủ thuật dễ gây sốc phản vệ kể cả với những loại thuốc thông thường.

"Phòng khám có con người, phương tiện kỹ thuật và được người đứng đầu ngành đồng ý cho truyền dịch hay không mới được phép chứ không phải phòng khám nào cũng được truyền dịch”, ông Trung chia sẻ.

Hiện nguyên nhân tử vong của bé trai 22 tháng tuổi đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, ông Trung cho hay việc đi quá phạm vi hoạt động này được xem là một vi phạm nghiêm trọng của phòng khám.

Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh đồng thời tước giấy phép hoạt động của phòng khám này.

Ngày 15/19, bé N.G. B. bị ho nên được gia đình đưa ra phòng khám của bác sĩ Cúc để khám. Tại đây, bác sĩ này cho thuốc để bé B. uống tại nhà.

Đến 22h cùng ngày, bé bắt đầu có biểu hiện đi ngoài. Sau khi theo dõi đến chiều 16/10 bé B. không đỡ, nên bố mẹ lại đưa bé ra phòng khám của bác sĩ Cúc để thăm khám và được bác sĩ này truyền dịch.

Theo chia sẻ của anh Dân - bố bé B - trong quá trình truyền dịch, bác sĩ Cúc có lấy ven ở tay trái, nhưng không lấy được. Sau đó bác sĩ lại chuyển lấy ven ở tay phải và đã lấy được. Tuy nhiên, sau khi truyền khoảng hơn 4 phút, ven ở tay phải bị phồng, ngay lập tức gia đình gọi bác sĩ đến hỗ trợ.

“Khi rút ven ở tay phải ra, bác sĩ Cúc bảo đợi một lúc rồi truyền tiếp. Sau khi đi tiêm cho một số cháu khác xong, bác sĩ quay lại lấy ven ở chân phải và tiếp tục truyền dịch cho con tôi. Truyền được khoảng gần 10 phút thì con tôi tím tái, tôi gọi cho bác sĩ Cúc nhưng bác sĩ không có ở tầng 1. Sau khi chạy từ tầng 2 xuống, bác sĩ Cúc hô hấp nhân tạo cho con tôi rồi gọi xe taxi đưa vào viện, nhưng tới Bệnh viện Đức Giang bác sĩ nói đã tử vong”, anh Dân đau buồn kể lại.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm