Có một khái niệm là Internet activism (phong trào hoạt động Internet) nói về việc sử dụng những công cụ truyền thông online để đẩy mạnh các phong trào hay chiến dịch xã hội.
Phương thức phổ biến nhất của phong trào hoạt động Internet đó là kêu gọi ký kiến nghị, đổi avatar, hình ảnh và sử dụng hashtag (dấu thăng #) cho một chủ đề thời sự. Nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả và tại sao có nhiều người phản đối việc tham gia vào các phong trào Internet này?
Hầu hết các trang web hiện nay đều tích hợp chức năng “Thích”, “Chia sẻ” vào từng bài viết để người đọc dễ dàng thực hiện. Nó dẫn đến hiện tượng mối quan tâm những vấn đề xã hội bây giờ chỉ đơn giản là một cú click chuột. Không cần tốn quá nhiều hành động, thậm chí cũng chẳng tốn nhiều suy nghĩ. Cắt dán các thông điệp có sẵn, thay đổi avatar có dấu hiệu chung. Sau khi thực hiện những việc này, họ cảm thấy thỏa mãn và coi như mình đã hoàn thành trách nhiệm với xã hội.
Từ đó xuất hiện khái niệm slacktivism, kết hợp slacker (kẻ cà lơ phất phơ, lười nhác trong công việc) và activism (phong trào hoạt động). Ngoài ra, còn có từ tương tự là clickivism, kết hợp giữa click và activism, tôi tạm dịch là “phong trào bàn phím”. Những người tham gia được gọi là slacktivist hay clicktivist (“nhà quạc động” hay “nhà hoạt động bàn phím").
Phong trào bàn phím mới đây nhất liên quan đến việc thay đổi avatar theo màu cờ nước Pháp, song gặp nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng. Ảnh minh họa. |
Đổi hình cờ Pháp gần đây cũng là một ví dụ tiêu biểu của phong trào này.
Các ý kiến phản đối tập trung vào việc xem đây là điều vô nghĩa, không thực sự chia sẻ mất mát với người dân Pháp hay đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và quy kết những người hưởng ứng là nhà hoạt động bàn phím.
Họ cho rằng, ủng hộ thực sự phải là những hành động có kết quả rõ ràng. Nhiều người còn chỉ ra ví dụ về việc giới trẻ đổi avatar mà không hiểu mình đang làm gì, chỉ vì thấy “ai cũng làm” nên mình không thể không dự phần.
Những người ủng hộ thì cho rằng, việc đổi avatar là chuyện tình cảm rất riêng của mỗi người. Không ai có quyền quyết định tôi sẽ dành tình cảm cho điều gì. Người ta có thể không biết Beirut là thủ đô nước nào, hay Syria nằm ở đâu trên bản đồ, nhưng người ta từng biết về Paris, có bạn bè hay chí ít là ký ức về nó.
Đó không phải đạo đức giả, mà nhận thức, quan hệ tới đâu thì tình cảm tới đó. Người ta không thể đồng cảm với điều người ta không biết. Việc tốt, dù nhỏ, cũng nên khuyến khích, lạm dụng hay sử dụng sai một công cụ luôn có ở mọi vấn đề. Những ví dụ phản cảm về việc đổi cờ của một số bạn trẻ không thể là lý do để lên án cả một phong trào có mục đích tốt.
"Những ví dụ phản cảm về việc đổi cờ không thể là lý do để lên án cả một phong trào có mục đích tốt". |
Cũng có ý kiến nhắm tới Facebook rằng, trang này đã thiên vị trong việc bỏ qua các vụ khủng bố khác ở ngoài châu Âu. Facebook đã có phản hồi rất thẳng thắn về chuyện này, rằng đây là thử nghiệm của họ. Vì đó chưa phải tính năng có từ lâu và Facebook sẽ cố gắng quan tâm tới tất cả mọi người, đồng thời ghi nhận phản hồi từ người dùng.
Tranh cãi cũng từng xảy ra vào giữa năm nay khi Facebook giới thiệu tính năng “nhuộm màu cầu vồng” hưởng ứng sự kiện Hoa Kỳ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
Những gì diễn ra tương tự hiện nay. Nó cũng cho chúng ta thấy một thực tế, người ta vẫn luôn làm theo những gì mình tin tưởng.
Tranh cãi, nếu dựa trên sự tôn trọng và lý lẽ, luôn có ích với xã hội. Nó giúp người trẻ trưởng thành và hiểu biết hơn. Không nên né tránh tranh cãi, nhưng hãy tôn trọng quan điểm của nhau, sẵn lòng thay đổi và đứng về điều chúng ta thấy đúng đắn.
Phong trào bàn phím không trực tiếp giải quyết được vấn đề, nhưng là cánh cổng để các hoạt động thực tế trở nên sôi động hơn. Ngoài ra, nó còn giúp xã hội quan tâm tìm hiểu hơn các vấn đề xã hội, người ta sẽ muốn tìm hiểu hơn về chủ nghĩa khủng bố, về các xung đột và nỗ lực hòa giải, về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới...
Phong trào bàn phím là khởi đầu tốt cho những cơ hội tiếp nối sau đó, bởi mọi phong trào xã hội cần cả chiều sâu và bề rộng.
Cần có cái nhìn bao dung hơn với những phong trào Internet như thế này, vì chắc chắn chúng ta còn sẽ gặp nó lại nhiều hơn trong tương lai.
Lương Thế Huy, sinh năm 1988.
Anh làm việc tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, quản lý chương trình quyền LGBT. Huy tốt nghiệp chuyên ngành Luật quốc tế tại Đại học Luật TP HCM.
Từ năm 2011, Huy bắt đầu tham gia hoạt động tích cực cho phong trào quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam, các dự án vận động chính sách thông qua nghiên cứu, tập huấn và chiến dịch truyền thông.