Phong trào làm thơ, ‘chế’ lời bài hát bằng... máy
Không ít trong số những bài thơ, bài hát “chế” trên mạng gần đây được tạo ra từ một ứng dụng làm thơ đang thu hút khá đông các bạn trẻ sử dụng.
>> Clip chế hài hước 'Ngựa ô…thu phí'
>> Clip vừa nằm vừa đạp xe dạo chơi ở TP.HCM
Một ứng dụng sáng tác thơ và lời bài hát chế trên máy đã được một website thực hiện với khả năng tổng hợp các từ khóa để tạo thành bài thơ và bài hát theo thi luật và giai điệu sẵn có. Người dùng thậm chí có thể tải ứng dụng này về máy tính để sử dụng.
Từ sáng tác thơ đến "chế" lời ca khúc
Ứng dụng của website này cho phép người sử dụng có thể lựa chọn các thể thơ (lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, năm chữ…), sáng tác theo ý thích người hay với văn phong của tác giả ưa thích (Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương...).
Với ứng dụng này, người dùng có thể nhập các từ khóa theo chủ đề tự chọn để máy sáng tác thơ... sau vài giây. |
"Nhà thơ" có thể lựa chọn phong cách và thể thơ của tác giả mình thích. |
Cùng chung các từ khóa, máy tính có thể biến tấu thành nhiều thể thơ |
Theo các "nhà thơ" làm thơ bằng máy cho biết, từ khóa càng có "trọng tâm" thì thơ càng hay. |
“Nhà thơ” chỉ cần nhập các từ khóa theo chủ đề và nhấn nút “thêm một khổ” sẽ có ngay một bài thơ như ý muốn. Bài thơ mạch lạc, đúng niêm luật hay không tùy thuộc vào cách chọn và nhập từ khóa của người dùng. Bởi vậy mà có những bài thơ rất nghô nghê, thậm chí vô nghĩa nhưng cũng có những bài thơ có ý nghĩa nhất định.
“Ứng dụng này chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí cho giới trẻ. Những người sử dụng chắc ít nhất cũng có hứng thú với thơ. Hơn nữa hoàn toàn có thể thêm thắt câu chữ, sửa lỗi ý tứ, niêm luật để cho ra bài thơ như ý. Cũng chỉ để giải khuây, người có tâm với thơ thì đâu cần dùng đến chương trình này” - Lê Hoàng Thi, Khoa Đô thị học, Đại học KHXH&NV TP.HCM đã chia sẻ sau khi sử dụng ứng dụng trên.
Ngoài làm thơ, ứng dụng này còn hỗ trợ người dùng sáng tác những bài hát theo ý thích hoặc dựa trên danh sách những bài hát có sẵn để chế lời khác.
Chỉ cần sao chép lời bài hát gốc và nhấp vào tùy chọn “Sáng tác/chế lời bài hát” thì vài giây sau, website sẽ tự động hiển thị một bài hát có giai điệu như bài hát gốc nhưng nội dung hoàn toàn khác, nhiều trường hợp bài hát mới không có ý nghĩa gì.
Những tiện ích này đã tạo hứng thú cho rất nhiều bạn trẻ. Phan Thanh Hải (quận 7, TP.HCM) cho rằng, đây là một ứng dụng rất thú vị. Nó như một trò chơi chữ nghĩa cho giới trẻ. Hải đã có rất nhiều bài thơ “tâm đắc” nhờ ứng dụng này.
Chỉ cần nhập lời bài hát gốc ứng dụng sẽ cho ra lò ngay một bài hát khác |
Nhưng có vẻ kết quả sẽ không khả quan lắm cho những "nhà soạn nhạc" mới làm nhạc lần đầu. |
Sao phải mượn máy móc để biểu lộ cảm xúc?
Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, việc sử dụng máy tính làm công cụ hỗ trợ, nếu không muốn nói là công cụ thay cho tư duy ngôn ngữ, sẽ khiến cho cảm xúc bị phụ thuộc quá nhiều vào máy móc. Điều này đặc biệt không có lợi cho việc xây dựng ngôn từ, ý tứ cho thơ và nhạc.
Lê Thị Thanh Trúc, Khoa Ngữ văn Trung Quốc, Đại học KHXH&NV TP.HCM lại chia sẻ, thơ và nhạc là hai loại hình nghệ thuật cần đến sự công phu trau chuốt mới sáng tạo nên được. Mặt khác, một bài thơ hay một bài hát làm nên từ cảm xúc của nghệ sĩ, nó cần sự thâm thúy, sâu xa chứ không phải là những bài thơ kiểu “mì ăn liền” như thế. Nếu cứ duy trì cách làm thơ “công nghiệp” này thì tương lai của văn thơ không biết sẽ đi về đâu.
Bài hát "Cháu lên ba" được biến tấu rất "trời ơi, đất hỡi". |
Ca từ "chế" của bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng thậm chí còn có kết quả bi đát hơn. |
Nguyễn Thị Hằng, Đại học Luật TP.HCM cũng cho rằng, nếu chỉ để giải trí thì không sao nhưng không thể chấp nhận nếu loại dịch vụ sáng tác thơ và ca từ kiểu như vậy. Giới trẻ đã quá phụ thuộc vào công nghệ nên ngày nay đến cả cảm xúc của chính mình cũng phải mượn máy móc để biểu lộ.
Chưa nói đến việc giới trẻ sẽ có thói quen sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực khi sử dụng phần mềm này. Bởi trong các bài thơ, bài nhạc được tạo ra từ phần mềm này đều sử dụng rất nhiều các từ tối nghĩa vào ý tứ câu văn một cách nghô nghê, sai lệch.
Hương Thi
Theo Infonet