Tấm thiệp chúc mừng năm mới (nengajo) lần đầu tiên được giới quý tộc Nhật trao nhau vào thời Nara (710-794). Dần dần, phong tục này lan rộng ra tầng lớp thượng lưu và doanh nhân trong nhiều thế kỷ tiếp theo như một cách gửi tin nhắn đến những người ở xa, theo South China Morning Post.
Việc thiết lập hệ thống bưu chính sau đó đã cho phép người dân gửi những “tin nhắn” tương tự, dù đến khi tấm bưu thiếp đầu tiên chính thức phát hành vào năm 1873 thì khái niệm trao đổi thư từ mới thực sự được chú ý.
Vào đầu thế kỷ này, trao đổi thiệp nhân dịp năm mới là một phần không thể thiếu trong văn hóa xứ sở hoa anh đào. Nhu cầu của người dân cao đến mức một số bưu điện được chỉ định phục vụ riêng cho nengajo dịp cuối năm.
Thế nhưng, sự phát triển của công nghệ đã cho phép các gia đình tự thiết kế, in ấn thiệp Tết theo phong cách cá nhân. Phải chăng, điều này là nguyên nhân khiến truyền thống nengajo trở nên lỗi thời?
Giảm gánh nặng
Trước đây, Makoto Hosomura (người đã nghỉ hưu, sinh sống ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo) phải in hơn một trăm tấm thiệp chúc mừng năm mới vì chúng trông lịch sự và là nghi thức được mong đợi trong kinh doanh.
“Sau đó, tôi phải viết từng lời nhắn gửi trên mỗi tấm thiệp để cảm ơn tất cả mối liên hệ làm ăn năm qua, đồng thời bày tỏ hy vọng về một năm tốt đẹp hơn ở phía trước”, Makoto trao đổi với This Week in Asia.
Sự phát triển của công nghệ đã cho phép các gia đình tự thiết kế, in thiệp Tết theo phong cách cá nhân. Ảnh: Shutterstock. |
Có vài năm, Makoto mất nhiều ngày để làm tất cả mọi thứ, nhưng sau đó gặp rắc rối nếu quên gửi thiệp cho khách hàng, đối tác.
Kết quả là ngày 1/1 bỗng trở nên cập rập. Makoto phải lập tức in bưu thiếp mới, viết lời chúc và gửi chúng qua bưu điện càng nhanh càng tốt để đảm bảo thiệp đến tay người nhận vào sáng hôm sau.
“Năm nay, tôi đã nghỉ hưu nên không cần giữ liên lạc với những mối liên hệ làm ăn. Vì vậy, chúng tôi quyết định không gửi bất kỳ tấm thiệp nào, ngoại trừ một vài tấm cho bạn bè, gia đình từ ngày 1/1. Tôi thấy nhẹ nhõm khi không phải thực hiện 'nghĩa vụ' gửi nhiều thiệp như mọi năm”, ông nói.
Theo thống kê, khoảng 743 triệu thiệp chúc mừng năm mới (nengajo) đã được phân phát trên khắp Nhật Bản vào ngày 1/1, giảm gần 16% so với số thiệp vào ngày này năm ngoái, báo hiệu tình thế suy giảm của một truyền thống lâu đời.
Thay đổi cách chúc mừng năm mới
Một cuộc khảo sát hàng năm về thiệp Tết của công ty văn phòng phẩm Pilot cho thấy 96,9% người dân cả nước sẽ gửi ít nhất một tấm thiệp vào năm 2001.
Gần đây, khi thực hiện khảo sát trên 400 người, 43,8% trong số đó cho biết họ sẽ gửi thiệp nengajo năm nay. Như vậy, số người gửi thiệp đã giảm xuống dưới 50%.
Một hộp thư ở thành phố Chiba. Ảnh: Shutterstock |
Khi được hỏi vì sao không gửi thiệp, 61% người tham gia nói rằng họ thích gửi tin nhắn qua các ứng dụng như Line, trong khi 32,7% thích gửi tin nhắn trên Facebook hoặc Instagram.
Về các lý do khác, 45,7% người được hỏi phàn nàn việc chuẩn bị thiệp gây “khó chịu”, 26,9% thì không bao giờ bận tâm đến việc gửi thiệp.
“Tôi đã không gửi bất kỳ tấm thiệp nào trong năm nay và cũng không mong nhận được thiệp. Tôi giữ liên lạc với bạn bè, gia đình thông qua Line hoặc Instagram. Đó là cách mà tôi và mọi người gửi lời chúc mừng năm mới vì những tấm thiệp đã quá lỗi thời”, Emi Izawa (21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Tokyo) chia sẻ.
Nữ sinh viên cũng nhận thấy quá trình trang trí thiệp, viết lời nhắn rồi đem gửi bưu điện tốn nhiều thời gian, công sức. Vì đang làm việc bán thời gian nên Emi không thể sắp xếp lịch để làm các công đoạn được cho là “nghĩa vụ nhàm chán” nói trên.
Không riêng Emi, ý kiến này được lặp lại bởi những bình luận trên trang web của Đài Truyền hình CBC, bao gồm tin tức về số lượng thiệp được gửi đi trong năm nay đã giảm.
Nhân viên bưu điện đi phát thiệp Tết vào ngày đầu năm 2020 ở thành phố Ichikawa. Ảnh: Shutterstock. |
Một tài khoản viết: “Tôi nghĩ sự kết nối, chào hỏi giữa mọi người rất quan trọng, nhưng chúng ta đừng lãng phí quá nhiều công sức và nguồn lực vào việc gửi đi những mẩu giấy lẻ tẻ”.
Đồng quan điểm, một người khác nói: “Hãy loại bỏ thiệp năm mới. Tôi chỉ nhận được một email trong năm nay”.
Bất chấp ý kiến trên, những người khác cho rằng thật đáng tiếc khi truyền thống này đang bị mai một. Cụ thể, hơn 55% người được hỏi trong cuộc khảo sát của Pilot hy vọng truyền thống gửi thiệp mừng năm mới sẽ được duy trì.
Takako Tomura, một bà nội trợ đến từ Yokohama, bày tỏ: “Chúng tôi có kỳ nghỉ sát Tết nên thực sự bận chuẩn bị đón năm mới. Dẫu vậy, tôi vẫn tìm được thời gian để viết thiệp. Tôi nghĩ đó là một điều tốt đẹp để làm - nghĩ về người khác vào thời điểm cuối năm và gửi cho họ một thông điệp cá nhân. Việc này không mất nhiều thời gian và tôi rất cảm kích khi nhận được thiệp từ người bạn cũ”.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.