Các hình thức tuyển dụng phức tạp được đánh giá là không cần thiết, có thể cắt bỏ để giảm áp lực cho ứng viên. |
Sau khi nhận cuộc gọi đầu tiên từ bộ phận nhân sự, Javier (31 tuổi), chuyên viên tiếp thị, rất vui mừng. Khi người quản lý gọi điện lần thứ hai, anh bắt đầu nuôi hy vọng. Trong lần liên lạc thứ 3, Javier đã nghĩ chắc chắn vị trí này sẽ là của mình.
Hai tháng trôi qua, công ty vẫn tiếp tục trì hoãn quá trình tuyển dụng. Điều anh mong đợi là một hợp đồng lao động chính thức. Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra.
Javier đã tìm việc gần hai năm nhưng vẫn thất bại vì luôn gặp những tình huống vô lý. Anh chỉ còn thời hạn vài tuần cuối trước khi mất quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp, Elpais đưa tin.
Quy trình rườm rà
Trong những năm gần đây, quy trình tuyển dụng trở thành một cuộc chạy đua marathon với các câu hỏi và bài kiểm tra có thể kéo dài vài tháng. Đôi khi, điều này phụ thuộc vào tiêu chí của từng công ty.
Nếu có quá nhiều ứng viên cho một vị trí trống, các nhà tuyển dụng phải tiến hành sàng lọc lâu hơn để đảm bảo chọn được nhân sự phù hợp.
Ngoài ra, một số lý do khác còn liên quan đến tính công nghệ. Khi các nền tảng gọi video phát triển, nhiều công ty đã tận dụng yếu tố này để giảm thiểu chi phí, thời gian cho các cuộc phỏng vấn.
Bên cạnh đó, các trang web tìm việc làm trực tuyến, chẳng hạn LinkedIn, đã giúp việc săn đón nhân tài trở nên dễ dàng hơn.
Những quy trình tuyển dụng quá nhiều bước sẽ dễ khiến ứng viên cảm thấy mất kiên nhẫn. Ảnh: EPA-EFE. |
Trong nhiều trường hợp, người sử dụng lao động luôn chiếm thế thượng phong. Hàng trăm người nộp đơn xin việc khiến các công ty tin rằng sẽ luôn có ứng viên tốt hơn ngoài kia.
Khi đó, bộ phận nhân sự thường phỏng vấn hàng loạt và trì hoãn việc ra quyết định ai là người xứng đáng nhận vị trí còn thiếu.
Theo lời Javier, người phỏng vấn anh đã không xuất hiện trong cuộc gọi video vào thời gian đã định.
“Tôi đợi nửa tiếng và luôn nhìn chằm chằm vào màn hình”, Javier nói.
Sau đó, ứng viên nhận ra mình đã bị “ghost” (tạm dịch: bóng ma hoặc ngó lơ), một thuật ngữ mô tả tình trạng đối tác tiềm năng hoặc nhà tuyển dụng ngừng trả lời tin nhắn mà không có lời giải thích.
“Họ chỉ đơn giản biến mất. Tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Về mặt cảm xúc, đó là sự tra tấn”, anh nói thêm.
Sự chờ đợi khiến Javier lo lắng đến mức phải gỡ cài đặt các ứng dụng tìm việc khỏi điện thoại của mình.
Ứng viên mất kiên nhẫn
Trường hợp của Javier ngày càng trở nên phổ biến. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từ Đại học Georgia đã cảnh báo rằng “ngó lơ” đang lan sang môi trường công sở.
Một thống kê khác của công ty tư vấn Indeed đã chỉ ra rằng 76% người tìm việc đã rơi vào tình huống tương tự trong 18 tháng qua. Con số này tăng vọt do tác động từ đại dịch Covid-19 và xu hướng số hóa quy trình tuyển dụng.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng áp dụng hình thức rườm ra. Gần đây, sau khi kiểm tra dữ liệu từ các bước sàng lọc, Google nhận thấy 4 vòng phỏng vấn là đủ để đưa ra quyết định với độ tin cậy 86%. Trước đây, các ứng viên phải trải qua hơn 12 vòng.
Một số công ty đã giảm bớt các vòng phỏng vấn nhưng vẫn tuyển được ứng viên chất lượng. Ảnh: iStock. |
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi LinkedIn ở Tây Ban Nha, 56% người tham gia tin rằng quá trình lựa chọn lý tưởng không nên kéo dài quá 2 lần phỏng vấn.
Về phần Javier, sau một thời gian dài, anh đã tìm được việc làm.
“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ phải mất đến hai tháng để biết liệu bạn có muốn thuê ai đó hay không. Ý nghĩ phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát khiến tôi rất lo lắng”, Javier chia sẻ.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.