Viêm phổi là bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ em. Ảnh: Pexels. |
Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Viêm phổi là bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ em. Những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, trẻ nhỏ, viêm phổi thường có xu hướng tiến triển nghiêm trọng hơn. Viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như nhiễm khuẩn, nhiễm virus,... Bệnh dễ xảy ra trong điều kiện thời tiết lạnh, thời điểm giao mùa, thay đổi thất thường,…
Phần lớn các trường hợp viêm phổi trong cộng đồng xuất phát điểm từ virus, vi khuẩn. Viêm phổi là bệnh hô hấp có tính truyền nhiễm dễ dàng và nhanh chóng từ người sang người qua hai con đường chính: Trực tiếp và gián tiếp.
Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến. |
- Lây truyền trực tiếp: Người khỏe mạnh vô tình hít phải virus, vi khuẩn gây viêm phổi khi tiếp xúc gần, nói chuyện với người bệnh hoặc khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi.
- Lây truyền gián tiếp: Người khỏe mạnh có thể mắc viêm phổi khi tiếp xúc chung các vật dụng, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc chén đũa, quần áo… Hoặc người lành vô tình chạm vào các vật dụng có sẵn vi sinh vật gây bệnh và đưa tay lên mũi, mắt, miệng. Bởi virus, vi khuẩn có thời gian sống ở trên đồ vật cá nhân của người bệnh lên đến vài giờ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi
Mọi lứa tuổi, giới tính, bệnh lý đều có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc đồng mắc viêm phổi với bệnh lý khác. Tuy nhiên, các yếu tố dưới đây có thể là "mồi lửa" thúc đẩy tăng nguy cơ mắc viêm phổi và biến chứng nặng, khó điều trị như:
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Người trên 65 tuổi
- Người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm thanh quản
- Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về gan, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…
- Người bị suy giảm miễn dịch như: người có cơ quan nội tạng được cấy ghép, người bị bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS hoặc đang điều trị ung thư
- Người hút thuốc lá, sinh sống ở nơi nhiều khói bụi, khói bếp…
- Người đang nằm ở bệnh viện, hoặc đang thở máy.
Cách phòng bệnh viêm phổi khi trời lạnh
Cần giữ ấm cơ thể
Khi thời tiết trở lạnh, cần lưu ý giữ ấm cơ thể nhất là khi phải ra ngoài lúc sáng sớm và chiều tối. Cần mặc đủ ấm phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài, mặc thêm áo ấm, nón len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũi kín tai, sử dụng nước ấm,...
Chế độ dinh dưỡng hợp
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp nói chung viêm phổi nói riêng trong mùa đông thì mỗi người cần phải nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Để làm được điều này thì chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò rất quan trọng. Phải đảm bảo chất lượng và số lượng của mỗi bữa ăn. Thực hiện ăn đa dạng thực phẩm với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Các thức ăn phải luôn tươi sạch.
Bên cạnh đó, chúng ta phải ăn đủ bữa với số lượng vừa đủ, đặc biệt không nên ăn nhiều một loại thức ăn nào. Đối với người già và trẻ nhỏ, cần chia ra các bữa nhỏ hoặc tăng bữa theo nhu cầu. Thức ăn phải bảo quản và chế biến hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên ăn các thức ăn lạnh hoặc để trong tủ lạnh mà nên hâm nóng trước khi ăn.
Một số loại thực phẩm tốt theo mùa để phòng bệnh mùa đông đó là: thịt lợn nạc, các loại cá béo có chứa omega 3 như cá hồi, cá ba sa; trứng, sữa, đậu nành… Các loại rau quả tươi như su hào, súp lơ, cải bắp, các loại đậu đỗ, cam, xoài, đu đủ, chuối... cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và chất khoáng dồi dào.
Một số loại gia vị tự nhiên như tỏi, gừng và một số loại rau thơm (rau mùi, húng..) nên được đưa thường xuyên vào bữa ăn vừa giúp tăng cảm giác ngon miệng và giữ ấm cho cơ thể, vừa giúp phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp do có kháng sinh thực vật.
Người ăn cần chú ý đến việc bổ sung nước đầy đủ để giúp cho các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường. Có thể uống nước máy đã đun sôi để ấm, nước canh hoặc nước hoa quả, đảm bảo 1,5- 2 lít nước một ngày.
Tiêm vaccine phòng bệnh
Thời tiết chuyển lạnh tạo điều kiện cho các mầm bệnh truyền nhiễm dễ phát triển và lây lan trong cộng đồng. Nhiều dịch bệnh bùng phát gây nguy cơ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm (một người nhiễm 2-3 bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết hoặc adenovirus, viêm phổi, viêm phế quản).
Thực tế thì hầu hết tác nhân virus – vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất đều đã có vaccine phòng bệnh. Ngoài các loại vaccine thông thường bắt buộc phải tiêm một số loại vaccine để ngăn ngừa bệnh hô hấp như: vaccine phòng cúm, sởi, phế cầu khuẩn.. Để chủ động phòng ngừa bệnh trẻ em, người lớn có sức đề kháng giảm sút, có bệnh nền, đặc biệt là người cao tuổi là các đối tượng được khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng.
Vệ sinh cá nhân và nơi ở sạch sẽ
Vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Mặt khác, cần tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho – dù chỉ là cảm ho thông thường. Virus gây bệnh viêm phế quản – phổi là loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn và người lớn nhiễm virus này thì chỉ có biểu hiện cảm ho thông thường nhưng sẽ là nguồn lây bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Trong khi trẻ dưới 2 tuổi nhiễm virus này sẽ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và/hoặc viêm phổi. Ở trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.