Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, thanh long Việt Nam bị ùn ứ không thể xuất khẩu. Điều này đã dẫn đến những chiến dịch "giải cứu nông sản Việt". Ý tưởng sử dụng loại quả này làm nguyên liệu chế biến bánh mì nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ người Việt Nam cũng như các du khách ngoại quốc. |
Nữ phóng viên Kate Taylor của tờ Business Insider (Mỹ) đã đến Việt Nam vào giữa tháng 2 để trải nghiệm loại bánh mì độc đáo. Cô đã tìm tới cửa hàng bánh mì ở quận 3 (TP.HCM) để tìm mua và bắt gặp khung cảnh người xếp hàng đông nghịt. "Một hàng dài người đeo khẩu trang đứng chờ để cầm được chiếc bánh mì màu hồng sáng trên tay. Giá mỗi chiếc khoảng 6.000 đồng và khách hàng chỉ được mua tối đa 5 ổ/người", nữ phóng viên chia sẻ. |
Sau 20 phút chờ đợi, phóng viên của Business Insider cũng đã cầm trên tay "thành quả". Tò mò với món bánh mì đặc biệt ở Việt Nam, Kate vào trong quán ngồi để "săm soi" gói hàng mình vừa mua được. |
"Ngạc nhiên thật, chiếc bánh mì này đúng là màu hồng", cô chia sẻ trong bài viết. Theo nữ phóng viên, dù mục đích ban đầu của chiếc bánh mì là nhằm giải cứu nông sản trong mùa dịch, món này vẫn có thể "tạo sóng" trên mạng xã hội. |
Chưa cần cắn thử, Kate đã bị ấn tượng bởi mùi hương hấp dẫn của chiếc bánh mì. "Thơm, tươi ngon và phảng phất vị trái cây", cô bình luận. Phóng viên của Business Insider thừa nhận đã "ấn tượng mạnh" ngay khi nếm thử. |
Theo cô, món bánh mì thanh long không chỉ có hư danh trên mạng xã hội với "lớp vỏ giòn tan và mùi hương hấp dẫn bên trong". Nữ phóng viên nhận xét mùi thanh long không quá lấn át mà được kết hợp tinh tế cùng bánh mì. |
"Ảnh hưởng của virus corona khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Phát minh bánh mì thanh long là tiêu biểu cho cách các doanh nghiệp làm để thích nghi với hoàn cảnh. Trong một số trường hợp, họ đã tạo ra một món mới tuyệt vời", Kate viết. |