Sau 17 năm gắn bó với trường Tiểu học Bình Minh (trực thuộc sở GD-ĐT Hà Nội), hiện thạc sĩ Đinh Đoàn đã về gắn bó với công tác hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) được hơn 5 năm.
Ngôi trường hiện có 500 học sinh, trong đó 230 em câm điếc, 270 em lành với số giáo viên là 39 người.
Hiệu trưởng Đinh Đoàn. |
Hiểu nhân viên thì lãnh đạo nhàn lắm
- Làm hiệu trưởng một trường học với anh có bị áp lực gì không?
- Chuyên gia tâm lý và hiệu trưởng tất nhiên có những điểm khác. Nhưng tôi quan niệm cả hai cũng vẫn cần những chia sẻ nhẹ nhàng. Là hiệu trưởng anh phải chấp hành mọi quy định, điều lệ của ngành giáo dục.
Nhưng với vốn kinh nghiệm làm chuyên gia mình có những điều chỉnh mềm dẻo, không tạo áp lực cho chính mình và giảng viên.
Phòng hiệu trưởng trường PTCS rất vui. Có khi vợ chồng con cái kéo đến rồi mọi người nhân tiện cũng biết thầy qua các kênh truyền thông xin hỏi thầy chút chuyện này, chuyện kia. Giáo viên khi gặp khó khăn cũng chạy vào phòng thầy hỏi.
Từ thực tế tôi thấy nhà quản lí nên nhà tâm lí dù không nhất thiết anh phải chuyên nghiệp. Quản lí bằng mệnh lệnh hành chính sẽ rất chán. Khi mọi người hiểu, thông cảm cho anh thì làm lãnh đạo nhàn.
Nhiều giáo viên vì những quy chuẩn, áp lực này khác mà đôi khi làm giả dối, báo cáo điêu cho xong việc. Nhưng người quản lí tâm lí, họ sẽ nói thật và thấy có trách nhiệm trong từ công việc của mình hơn. Hiệu quả vì thế sẽ cao hơn.
Bên cạnh công việc là chuyên gia tâm lí, thạc sĩ Đinh Đoàn còn là hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội). |
- Giáo viên trường anh có mệt mỏi với việc viết sáng kiến kinh nghiệm, sổ sách không?
Việc này tôi nói từ đầu năm. Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) là vấn đề khó. Giáo viên hoàn thành nhiệm vụ tốt rồi. Trong xã hội chắc chỉ 10% có khả năng hơn người khác, có quan sát tốt, say mê, tích cóp mới tạo ra được sáng kiến.
Trường không bắt 100% giáo viên viết SKKN, không tạo sức ép nào cho họ. Nhưng không làm thì thôi, làm thì phải tử tế. Là lãnh đạo mình biết ai copy, ai download tài liệu ở đâu về rồi chỉnh sửa để nhắc nhở, chấn chỉnh giáo viên.
Căn phòng vui vẻ
- Anh có thể chia sẻ thêm về căn phòng hiệu trưởng rất vui của mình không?
- Các trường khác, nhất là trường lớn mỗi khi giáo viên, học sinh, phụ huynh bước vào phòng hiệu trưởng đều mang suy nghĩ chắc có chuyện gì ghê gớm lắm.
Mình quan niệm khác. Đôi khi thấy thầy cô nào trống tiết, rảnh đứng ngoài hành lang mình mời vào phòng uống nước.
Gia đình hạnh phúc của thạc sĩ Đinh Đoàn. |
Thầy cô hỏi có việc gì? Mình cười: “Thế có chuyện gì mới vào được sao? Vào đây uống chén chè nóng”. Cũng không cần gân cốt, dạo này đồng chí thế nào mà chỉ nhẹ nhàng hỏi chuyện.
Phụ huynh lúc đầu lên phòng hiệu trưởng nói về con em rồi nhân tiện có người hỏi cả chuyện sinh đẻ có nên không khi có 6, 7, 8, 9 tuổi rồi…
Từ những câu chuyện như vậy, mình không còn ở vai trò hiệu trưởng nữa mà trở thành người bạn của thầy cô, phụ huynh
- Trong công việc tư vấn anh có thường gặp nhiều trường hợp khó?
- Với đặc thù là trường có học sinh khuyết tật nên nhiều cha mẹ có con đầu lòng sau rất hãi chuyện có nên sinh con nữa không. Có người suy nghĩ thôi dồn công sức mở cho tài khoản tiết kiệm cho con, sau này khi mình không còn nữa con cũng có một vốn khi ở với ông anh hay bà chị. Nhưng khi mình phân tích cho họ thấy cái đó vô cùng bấp bênh...
Phụ huynh khi gặp rối như vậy lại tìm đến phòng hiệu trưởng nhờ giúp đỡ. Học sinh muốn gặp thầy cũng dễ dàng vì số điện thoại thầy để ở cổng trường rồi.
Hạnh phúc giản dị
- Anh cân đối giữa công việc quản lí với làm chuyên gia tâm lý như thế nào?
- Làm quản lí thì theo giờ nhà nước. Ngày có 24 tiếng, 8 tiếng cho trường, còn lại mình làm việc khác như về trung tâm tư vấn, viết báo, trả lời thư... Có nhiều người 1-2h đêm họ vẫn gọi nhờ mình tư vấn.
- Vậy còn thời gian cho gia đình, vợ con?
- Mình có hai cô con gái. Cô chị lớn tốt nghiệp ĐH Văn hóa hiện đang làm công tác thư viện tại trường của bố. Cô thứ 2 thì vừa vào đại học.
Các con cũng lớn rồi, vợ con cũng có say mê riêng. Đúng là thời gian bên gia đình của mình không nhiều. Nhưng quan trọng là khi ở bên nhau mọi người biết tạo ấn tượng, đem lại niềm vui cho nhau.
Công việc bận rộn nhưng khi về nhà tắm giặt xong mình thường nằm cạnh các con tâm sự. Đôi khi ngủ quên luôn trên giường con. Hai đứa không khiêng được bố dậy thì lẻn xuống ngủ với mẹ.
Những dịp như Tết mình cố gắng quây quần cùng các con. Mọi người có thể chọn đi đâu đó. Trải nghiệm như vậy là dịp khó có trong năm để mọi người có những kỉ niệm đẹp.
- Nếu buộc phải chọn, anh sẽ làm công việc nào?
- Chuyên gia tâm lý là máu thịt của mình. Hiệu trưởng là được giao thôi.