Với tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, nhiều chuyên gia đã nêu số liệu, hướng đi cho giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp hiện đại: Chuyên gia sẽ giảng bài thay giáo viên
Bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, thông tin 10 ngành nghề đang phát triển nhanh tại Việt Nam là lắp ráp, phụ bếp, sản xuất văn phòng phẩm, vận hành máy điện - điện tử, y tế, vệ sinh - giúp việc, khoa học - công nghệ, văn thư, kim khí - máy móc - nghề liên quan, dịch vụ khách hàng.
Tuy nhiên, trình độ nghề và năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp. 67% lực lượng lao động có trình độ trung học cơ sở trở xuống.
Học nghề là xu hướng được nhiều bạn trẻ quan tâm từ khá sớm. |
Theo bà Wendy Cunningham, xu thế toàn cầu cho rằng giáo dục nghề nghiệp không phải tiếp nối chương trình giáo dục chính thống. Giáo dục nghề nghiệp là cầu nối giữa nhà trường và việc làm, tăng cường việc nhân rộng kinh nghiệm làm việc.
Nếu ở mô hình cũ, học sinh lên lớp, tại trường thì ở mô hình mới, các em sẽ tham gia lớp học online. Chuyên gia giảng bài thay giáo viên ở cách làm mới. Kỹ năng do nhà trường quy định sẽ được thay thế bằng doanh nghiệp quy định.
Nói về phát triển nghề tại Việt Nam theo xu hướng thế giới, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội - cho hay chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của chương trình nghề đang được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước.
Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt gần 100%.
Những kỹ năng cần có khi học nghề
Để phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng hội nhập quốc tế, kỹ năng của người học là thước đo quan trọng hàng đầu.
Bà Wendy Cunningham chỉ ra 5 kỹ năng của người học nghề trong xã hội hiện đại cần được phát triển là: Tự chủ và trách nhiệm giải trình, phân bổ ngân sách theo kết quả, hợp tác với doanh nghiệp, tự học với sự trợ giúp của công nghệ, thông tin.
Đồng tình với những kỹ năng này, PGS.TS Trần Khánh Đức, ĐH Bách Khoa Hà Nội, nói người học nghề cần có những kỹ năng cốt lõi, nền tảng mà bất kể ngành nghề nào cũng cần có.
Thứ nhất, người học cần có nhóm kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, độc lập, phản biện, giải quyết vấn đề, ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
Thứ hai là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm rất quan trọng.
Bà Wendy Cunningham đưa ra 5 chủ đề phát triển kỹ năng hiện đại cho người học nghề. |
Thứ ba, nhóm kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ làm việc đa dạng cùng sự hiểu biết kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông cần thiết.
Cuối cùng, người học nghề cần có kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, hiểu biết đa văn hóa…
Trong tương lai, dự đoán, nhiều loại hình đào tạo các ngành nghề mới trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ra đời.