Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh bức xúc tiền trường và sách tham khảo

Bước vào năm học mới, ngành giáo dục TP.HCM có những chỉ đạo, hướng dẫn nhằm công khai, minh bạch các khoản thu, chống “căn bệnh” lạm thu.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở giáo dục tại địa phương này, phụ huynh không chỉ bức xúc vì nặng gánh tiền quỹ trường, lớp, khuyến học, hỗ trợ, mà còn khá căng với các loại sách tham khảo.

Băn khoăn với nhiều khoản thu

Mới đây, một phụ huynh của trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phản ánh trong buổi họp phụ huynh học sinh (HS) đầu năm học, giáo viên đã thông báo một số khoản thu: Quỹ cha mẹ HS 800.000 đồng/HS/năm cùng nhiều khoản thu hộ, chi hộ khác theo quy định.

Đó là tiền giấy thi, đề thi, nước uống, dịch vụ tin nhắn liên lạc (sổ liên lạc điện tử). Bên cạnh đó, phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản thu hàng tháng là học phí, học phí buổi 2, thiết bị và cơ sở vật chất bán trú, tổ chức quản lý và vệ sinh bán trú.

Phu huynh buc xuc tien truong anh 1

Trường cũng dự kiến thu quỹ tài trợ công trình, cơ sở vật chất năm học 2020-2021, trong đó, dự kiến thu thêm khối 10 là 350.000 đồng/HS/năm, lớp 11 là 250.000 đồng/HS/năm học và lớp 12 là 150.000 đồng/HS/năm học.

Số tiền thu được để thực hiện vào 3 công trình: Cải tạo sàn chống thấm nước và thay thảm nền nhà thi đấu bị bong tróc (dự kiến mất khoảng 600 triệu đồng); hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị y tế, vật dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, sửa chữa và thay thế các thiết bị vệ sinh, âm thanh.

Tương tự, ở trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3 ), phụ huynh có con học lớp 6 phản ánh đầu năm học. Ngoài các chi phí cho tiền học thu theo quy định, phụ huynh còn được kêu gọi, vận động đóng tiền mua 2 máy lạnh cho lớp và tham gia quỹ các khoản khuyến tài - mạnh thường quân hỗ trợ cho năm học 2020-2021.

Cụ thể, khoản thu dự kiến 300.000 đồng cho chương trình khuyến tài và 600.000 đồng cho chương trình mạnh thường quân. Bản dự thảo chi cho chương trình khuyến tài gồm các hoạt động khen thưởng HS giỏi các cấp, cuộc thi, bồi dưỡng cho giáo viên dạy HS giỏi…

Bên cạnh tiền quỹ trường, lớp, tài trợ, một số phụ huynh cũng rất bức xúc vì bị đặt vào thế “đã rồi” khi giáo viên phát sách tham khảo cho con mang về nhà.

Cụ thể, mới đây, một phụ huynh có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 12, TP.HCM, chia sẻ công khai trên trang cá nhân của mình, dù chưa được hỏi phụ huynh có đồng ý mua sách tham khảo hay không, cô giáo đã phát cho con chị tới 14 cuốn với khoản tiền 477.000 đồng (tính cả tiền bìa bao 30.000 đồng).

Trường nói có thỏa thuận?

Liên quan vấn đề quỹ lớp, trường, hỗ trợ khuyến tài, khen thưởng HS, sau khi phụ huynh phản ánh với báo chí, lãnh đạo các nhà trường đều thừa nhận có sự việc trên.

Tuy nhiên, theo các hiệu trưởng, khoản thu này có sự thoả thuận và đang ở mức dự kiến, vận động chứ không ép buộc. Các quỹ trường, lớp, khuyến tài… đều từ phía Ban đại diện cha mẹ HS đề xuất. Tất cả đều vì mục đích chung là hỗ trợ cho hoạt động dạy học. HS khó khăn được giảm các khoản này.

Như chuyện sách tham khảo ở trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, cô Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là các đầu sách bài tập, luyện viết, tài liệu bổ trợ cần thiết cho việc học tập của HS kèm SGK... dùng phổ biến ở nhiều trường tiểu học.

Những đầu sách này không phải mới mà được trường đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Theo đó, vào cuối năm học, nhà trường đăng ký nhận sách theo sĩ số HS, rồi chuyển cho giáo viên từng lớp.

Từ đó, giáo viên lấy ý kiến, ghi nhận nhu cầu của phụ huynh và phát sách theo cách làm từng lớp. Phụ huynh không có nhu cầu có thể báo lại cho giáo viên, gửi trả lại, nhà trường không ép.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, giảng viên đại học, có con theo học THPT tại quận Thủ Đức, cho biết quỹ trường, lớp không bắt buộc nhưng cơ bản đã có “giá sàn”. Phụ huynh vào thế “đã rồi”, không đóng không được. Điều kiện của phụ huynh không phải ai cũng như nhau, gia đình có 2-3 cháu theo học, kinh tế khó khăn, vì thế không thể cào bằng.

“Tôi nghĩ liên quan tài chính cần công khai, rõ ràng. Nhà trường cùng sự chung tay của phụ huynh để chăm lo tốt cho con em mình, nhưng nếu không minh bạch, công khai sẽ gây nghi ngờ, băn khoăn”, bà Cẩm Tú nói.

Sự nôn nóng của người đứng đầu nhà trường muốn nhanh chóng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, xã hội hóa, từ đó “đẩy” về phía phụ huynh những khoản thu nhạy cảm cũng có thể gây nên những bất đồng không đáng có.

Một số phụ huynh ở trường THPT Gia Định cho rằng HS đóng tiền học, phục vụ cho học tập theo quy định là phù hợp nhưng việc yêu cầu phụ huynh đóng tiền phục vụ cho sửa chữa nhà thi đấu bị hư hỏng hay thiết bị vệ sinh, âm thanh… là không hợp lý!

Đáng chú ý, không ít trường hợp bức xúc của phụ huynh là do công tác truyền thông của nhà trường chưa tốt, phụ huynh chưa hiểu rõ.

Để ngăn chặn lạm thu, đông đảo phụ huynh cho rằng ngành GD&ĐT bên cạnh quy định, hướng dẫn, chỉ đạo, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị trường học để phát hiện và xử lý kịp thời nếu xảy ra sai phạm.

Nhà trường cần làm tốt công tác minh bạch thông tin, truyền thông. Cuộc chiến chống “căn bệnh” lạm thu cũng cần sự chung tay của phụ huynh.

Anh Mai Thành (phụ huynh HS trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM) lưu ý: “Đa số phụ huynh chia sẻ với nhà trường trong hoạt động giáo dục. Nhưng chia sẻ không đồng nghĩa với thỏa hiệp trước những điều chưa tốt, ảnh hưởng số đông phụ huynh khác. Trước nạn lạm thu, phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm. Chúng ta tìm hiểu kỹ và từ chối các khoản thu không rõ ràng, chưa đúng sẽ góp phần hạn chế lạm thu”.

Không minh bạch về sách giáo khoa, hiệu trưởng có bị cách chức?

Các nhà quản lý giáo dục ủng hộ việc xử lý mạnh tay để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm trong giới thiệu sách giáo khoa. Việc kỷ luật hiệu trưởng vi phạm phải theo quy định.

https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phu-huynh-buc-xuc-tien-truong-tien-sach-iINf3fOGg.html

Nguyên Hà / Giáo Dục & Thời Đại

Bạn có thể quan tâm